TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với châu Phi | |
Bác sĩ người Ấn tìm cách thay đổi định kiến về nữ giới |
Ấn Độ được biết đến như là một trong những trung tâm lớn, có những trang web, nơi mà các cặp vợ chồng vô sinh trên toàn thế giới có thể tìm kiếm các bà mẹ đẻ thuê. Trong những năm gần đây, Chennai, thị trấn miền Nam Ấn Độ đã trở thành một địa điểm nóng của thị trường này. Đây là nơi có hơn một chục bệnh viện tiến hành các thủ tục với khoảng 150 phụ nữ đẻ thuê. Hầu hết trong số họ đều nghèo và buộc phải làm việc này để có tiền.
Ở đây, thủ tục đẻ thuê như là một giao dịch thương mại thuần túy, các bên cùng có lợi. Dưới đây là câu chuyện của ba phụ nữ đẻ thuê về tình cảnh của họ và mối quan hệ tình cảm phát triển bình thường với đứa trẻ sắp sinh, những sinh linh lớn lên trong bụng họ qua chín tháng và nỗi đau tinh thần mà họ cảm nhận khi cuống rốn em bé được cắt rời khỏi cơ thể mẹ.
Sumathi, 38 tuổi, người mẹ đẻ thuê có 4 con
Ấn Độ có một phần ba số người nghèo trên thế giới và nghèo đói là nguyên nhân chủ yếu khiến người phụ nữ chấp thuận đẻ thuê. (Nguồn: BBC) |
Tôi sống ở khu Vyasarpadi, thuộc thị trấn Chennai, trong một gia đình rất nghèo.
Chồng tôi là một lái xe ba bánh và kiếm được khoảng 120 USD/tháng, còn tôi làm việc trong một xưởng may túi da với mức lương 90 USD/tháng. Bảy năm trước, chúng tôi có khó khăn về tài chính nên phải vay 1.500 USD để trả học phí cho các con và không có khả năng hoàn trả.
Một hôm, tôi gặp một người làm việc cho phòng khám đẻ thuê. Ông nói rằng tôi có thể kiếm được 3.000 USD/ca đẻ thuê. Vì biết hai người phụ nữ khác trong khu phố tôi ở cũng đã làm việc này nên tôi đồng ý.
“Tôi có bốn đứa con và bây giờ có thể giúp những người khác không thể đẻ được. Mọi người nên có con và vì vậy tôi muốn giúp đỡ họ”, khi đó tôi đã nghĩ như vậy.
Tôi chưa bao giờ biết đến cha mẹ thật sự của đứa bé và không có một manh mối nào về việc họ là ai. Tôi bị gây mê khi họ mang đứa bé đi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó, không biết da nó trắng hay đen, là người Ấn hay nước ngoài, thậm chí không biết nó là con trai hay gái.
Khi tôi tỉnh dậy, câu đầu tiên tôi hỏi chồng là: "Anh có thấy đứa bé không, nó là trai hay gái?". Chồng tôi nói không nhìn thấy. Tôi hỏi bác sĩ, nhưng được trả lời: "Cô đẻ thuê thì không nên hỏi về điều này".
Nhưng tôi vẫn muốn biết về đứa bé, về nơi ở, nơi nó đang học. Suốt ba tháng sau khi sinh, tôi không thể ngủ được. Tôi bị đau đầu do lúc nào cũng nghĩ về đứa bé và phải dùng thuốc an thần.
Vào ngày 4/11 hàng năm - sinh nhật đứa bé, gia đình chúng tôi đều tổ chức sinh nhật cho nó. Tôi làm tất cả những nghi thức giống như những con khác của mình. Tôi cũng đến đền thờ, cầu nguyện để em bé có một cuộc sống hạnh phúc lâu dài. Tôi luôn tự hỏi em bé có giống đứa con nào khác của tôi. Tôi nhớ nó quá và có thể làm bất cứ điều gì để được gặp nó một lần.
Tôi hiểu rằng, dù sao nó cũng không phải là con của mình, nhưng nếu được nhìn thấy đứa bé, có lẽ tôi sẽ không trao lại cho ai khác. Đôi khi, nói chuyện về đứa bé, mọi người trong nhà đều nghĩ rằng nó ở với chúng tôi có thể sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng sau đó nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi là một gia đình nghèo và đang trong thời điểm khó khăn, tốt nhất là nó nên sống trong một gia đình giàu có.
Anandi Chelappan, 34 tuổi, người mẹ đẻ thuê có 2 con
Người phụ nữ đẻ thuê có thể kiếm được trung bình 3.000 USD mỗi ca đẻ thuê. (Nguồn: BBC) |
Tôi làm việc ở một cửa hàng với thù lao 2,23 USD/ngày, còn chồng tôi là một thợ sơn, kiếm khoảng 7,44 USD/ngày. Tôi có hai con, một bé trai 11 tuổi và một bé gái 10 tuổi.
Bảy năm trước, chúng tôi gặp khủng hoảng kinh tế. Chồng tôi bị bệnh nặng và phải vay 2.230 USD từ người thân và bạn bè để trả tiền thuê nhà. Khi tôi nói với chồng rằng tôi có thể kiếm gần 3.000 USD bằng cách đẻ thuê thì anh đã nổi giận vì cho rằng đó là một việc vô đạo đức. Nhưng sau khi nghe tôi phân tích vấn đề, chồng tôi đã hiểu và chấp thuận.
Trong thời kỳ mang thai, tôi sống tại một ký túc xá và gia đình tôi có thể đến thăm mỗi tháng một lần. Theo thỏa thuận với người thuê đẻ, tôi không được về nhà vì họ lo ngại cho sự an toàn của đứa trẻ và may mắn là mọi chuyện ổn cả.
Khid đến thăm tôi, con trai tôi luôn hỏi tôi rằng: “Mẹ sắp đẻ em bé à?”. Tôi phải nói dối rằng tôi bị ốm do dạ dày sưng lên và phải nhập viện để điều trị. Thật may, nó tin vào câu chuyện của tôi. Còn con gái tôi cũng rất tò mò và hỏi tôi rất nhiều. Nhưng dù sao chúng nó vẫn còn quá bé để hiểu điều đó.
Tôi không được nhìn thấy đứa bé sau khi sinh nó. Tôi nói với bác sĩ rằng hãy cho tôi nhìn đứa bé - dù chỉ một lần, nhưng họ từ chối và nói rằng: "Điều đó sẽ chỉ khiến cô càng cảm thấy tội lỗi".
Trong tháng đầu tiên, tôi đã khóc rất nhiều, nhưng chồng tôi động viên tôi rằng: "Nó không phải là con của chúng ta mà thuộc về người khác. Chúng ta làm điều này vì tiền".
Với số tiền kiếm được, chúng tôi đã thanh toán hết các khoản nợ và thuê một căn nhà với hợp đồng dài hạn. Nhưng cuối năm tới, tôi sẽ suy nghĩ về việc đẻ thuê lần thứ hai. Tất nhiên, lúc đó các con tôi đã lớn rồi và tôi không thể tiếp tục nói dối chúng nữa. Điều gì sẽ xảy ra khi đứa bé vừa được sinh ra và bị mang đi mất? Liệu tôi có thể lại vượt qua khoảnh khắc rời xa con mình ngay sau khi lâm bồn hay không?
Jothi Lakshmi, 30 tuổi, người mẹ đẻ thuê có 3 con
Một số người bị trầm cảm sau đẻ thuê. (Nguồn: BBC) |
Tôi làm việc trong một nhà máy và kiếm được 52 USD/tháng, còn chồng tôi là một lái xe ba bánh với mức lương 74 USD/tháng. Năm 2008, chồng tôi đã bỏ đi sau khi chúng tôi cãi vã và tôi thật sự rơi vào tình cảnh khó khăn khi phải bươn chải nuôi con một mình.
Trước đây, tôi đã hiến tặng một buồng trứng nên tôi định làm điều đó một lần nữa để kiếm ít tiền. Tuy nhiên, bác sĩ lại khuyên tôi nên đẻ thuê. Tuy nhiên, mẹ đẻ và mẹ chồng tôi đều không đồng ý và đã không nói chuyện với tôi trong suốt thời kỳ tôi mang thai.
Sau khi sinh đứa bé, tôi không được nhìn thấy đứa bé và tôi nghĩ rằng, có lẽ điều đó sẽ tốt hơn cho tôi bởi vì nếu trông thấy nó, tôi sẽ cảm thấy tội lỗi biết nhường nào.
Đó là khoảng thời gian khó khăn đối với tôi. Hãy tưởng tượng một em bé chuyển động trong bụng, gắn bó với mình trong suốt 9 tháng và nay hoàn toàn biến mất. Tôi bị trầm cảm trong 2 - 3 năm liền và sụt cân liên tiếp. Giờ đây, tôi không muốn nhắc nhiều đến chuyện buồn này. Tôi đã cố quên đi cho mọi chuyện vào dĩ vãng.
Theo bác sĩ Patel, Giám đốc Phòng Thụ tinh In vitro (IVF) tại Ấn Độ, đẻ thuê là một ngành kinh doanh với doanh số khoảng 1 tỷ USD ở Ấn Độ. Sở dĩ Ấn Độ là một trung tâm lớn trên thế giới về đẻ thuê vì nơi đây có trình độ y tế cao và chi phí tương đối thấp. Mặt khác, pháp luật Ấn Độ cũng tạo thuận lợi cho cả hai phía đẻ thuê và thuê đẻ bởi những người đẻ thuê ở đây không có quyền hoặc nghĩa vụ đối với em bé, trong khi ở các nước phương Tây, pháp luật quy định giấy khai sinh phải mang tên mẹ đẻ. Ở Ấn Độ, ngành kinh doanh này bị nhiều nhà phê bình chỉ trích và họ gọi những ký túc xá - nơi những người đẻ thuê sống là "những nhà máy sản xuất em bé". Tuy nhiên, Ấn Độ đang chiếm tới 1/3 số người nghèo trên thế giới và nghèo đói là nguyên nhân chủ yếu khiến phụ nữ nước này chấp nhận đẻ thuê. |
Ấn Độ dự kiến xây dựng thành phố dệt may đầu tiên Học kinh nghiệm từ Trung Quốc, Ấn Độ dự kiến thành lập thành phố dệt may đầu tiên tại bang Andhra Pradesh. |
Ấn Độ - ngôi sao sáng trong nền kinh tế thế giới Bức tranh kinh tế Ấn Độ có cả những mảng tối, nhưng những mảng sáng lạc quan vẫn là chủ đạo. |
Ấn Độ bỏ cấm xe chạy bằng động cơ diesel cỡ lớn tại thủ đô Ngày 12/8, Tòa án tối cao Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm đăng ký mới đối với các xe chạy bằng động cơ diesel ... |