📞

Chuyến đi ấm áp tiết Xuân

17:05 | 22/03/2016
Những ruộng lúa cấy thẳng tắp vừa xuống mạ chạy vun vút hai bên đường đưa chúng tôi tới Thái Bình - quê lúa.

Hai tiếng ngồi trên ô tô, những ruộng lúa cấy thẳng tắp vừa xuống mạ chạy vun vút hai bên đường đưa chúng tôi tới Thái Bình - quê lúa.

Những câu chuyện xoay quanh cây lúa chẳng mấy chốc đã khiến chúng tôi đến điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn: Chùa Keo (Thái Bình), trong chuyến tham quan tìm hiểu lịch sử, văn hóa và làm từ thiện tại hai tỉnh Thái Bình và Nam Định do Ban Nữ công - Công đoàn Bộ Ngoại giao tổ chức.

Đoàn chúng tôi gồm 74 CBCNV, đại diện cho Ban nữ công các đơn vị của Bộ Ngoại giao, do chị Ngô Thị Hòa, Trưởng Ban Nữ công - Công đoàn Bộ Ngoại giao dẫn đầu vào dâng hương, tham quan và tìm hiểu lịch sử văn hóa Chùa Keo - một ngôi chùa cổ có từ lâu đời.

Chị Ngô Thị Hòa, Trưởng Ban Nữ công - Công đoàn Bộ Ngoại giao đại diện Đoàn dâng hương tại Chùa Keo

(Ảnh :Trung Hiếu)

Tuy đã trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, Chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo. Bên cạnh, bộ cánh cửa chạm rồng, bộ cửa độc đáo của cả nước, chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Phật và đồ tế thời Lê. Đặc biệt, gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam.

Trầm trồ trước vẻ đẹp của gác chuông chùa Keo, chị Kiều Hương (Học viện Ngoại giao) cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi, tham quan nhiều ngôi chùa trên thế giới. Chùa Keo không phải là một chùa to lớn so với các chùa trong nước và nước ngoài, nhưng hiếm ở đâu có được vẻ đẹp kiến trúc tinh tế như chùa Keo, đặc biệt là gác chuông thì không ở đâu có được”.

Tôi đã hiểu phần nào sức hút của Chùa Keo mỗi khi Lễ hội mùa Thu diễn ra vào Rằm tháng Chín, trong câu ca dao ngân nga: “Dù cho cha đánh mẹ treo/ Em không bỏ hội chùa Keo hôm Rằm”.

Sau khi tham quan chùa Keo, chúng tôi tiếp tục hành trình với điểm nhấn của chuyến đi là những giây phút làm từ thiện tại UBND huyện Vũ Thư (Thái Bình) và sự đón tiếp ân cần của các thành viên trong UBND Huyện. Đoàn đã trao quà từ thiện tới các tổ chức xã hội, các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn và các học sinh nghèo vượt khó của huyện với mong muốn đóng góp một phần nhỏ tấm lòng của các CBCNV Bộ Ngoại giao đến với những người nghèo, tới các cháu học sinh vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong học tập.

Nhiều người trong đoàn đã không khỏi xúc động khi nghe những chia sẻ của bà Phạm Thị Gái (70 tuổi) - một trong những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà từ Đoàn. Bà bị mù từ nhỏ, được láng giềng cưu mang và nhận nuôi. Bà Gái đã xúc động không nói nên lời khi cảm ơn tấm lòng, sự quan tâm của Đoàn tới những bà con có hoàn cảnh khó khăn tại buổi lễ.

Cháu Trần Thị Như Quỳnh (học sinh lớp 9, Trường THCS Duy Nhất) thì bộc bạch: “Cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, được các thầy cô và các chú bác của xã, huyện chăm lo. Hôm nay, được nhận quà của các cô, các chú, các bác ở Bộ Ngoại giao, cháu xin chân thành cảm ơn và xin hứa sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa để không phụ tấm lòng của tất cả mọi người”... Chúng tôi không cầm được nước mắt và càng thấy được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Đại diện UBND huyện Vũ Thư cùng Đoàn chụp ảnh kỷ niệm (Ảnh: Trung Hiếu)

Tiếp tục hành trình, vẳng bên tai chúng tôi là tiếng trống rộn ràng của Lễ hội Vạn Xuân tại xã Xuân Hòa - huyện Vũ Thư. Dù không nằm trong chương trình, nhưng lễ rước kiệu đưa bà Đỗ Thị Khương Nương đến với vua Lý Nam Đế được thờ tại miếu Hai Thôn đầy tính nhân văn sâu sắc, đã níu chân Đoàn. Tương truyền một buổi đẹp trời mùa Xuân năm 542, vua Lý Nam Đế, khi đó là Lý Bí đi dạo mát, ngắm cảnh, bỗng ông thấy rực ánh hào quang và nghe thấy tiếng người con gái cắt cỏ hát: “Tay cầm bán nguyệt giật vào/Muôn ngàn hoa thảo biết vào tay ai”.

Đó chính là bà Đỗ Thị Khương Nương “mặt hoa da phấn, mắt phượng mày ngài, đủ đức công dung ngôn hạnh”, là con gái cụ Đỗ Công Cẩn làm nghề dạy học và cắt thuốc chữa bệnh cho dân. Lòng Lý Bí sinh niềm cảm mến. Chỉ sau 3 tháng dẹp xong giặc Lương, quân tướng nhà Lương run sợ bỏ thành Long Biên chạy về nước, thắng lợi hoàn toàn. Ông lệnh đón bà Đỗ Thị Khương Nương về triều làm Hoàng hậu và dựng nên nước lấy tên là Vạn Xuân năm 544, xưng danh là Lý Nam Đế.

Lễ rước kiệu đưa bà Đỗ Thị Khương Nương  (Ảnh: Minh Hòa)

Theo câu ca “Tháng Tám giỗ Cha/ Tháng Ba giỗ Mẹ”, Đoàn đến Đền Đồng Bằng, nơi thờ vua Cha Bát Hải Đại Vương thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Theo truyền thuyết, vua Hùng ra chiếu kêu gọi người hiền tài ra cứu nước khi có giặc xâm lăng, một con rắn lớn nhất hoá thành người đem đội quân gồm rồng, rắn, thuồng luồng cá sấu đi đánh giặc. Chiến thắng trở về, ông được vua phong là Bát Hải Đại Vương và được dân Đào Động lập đền thờ, tôn thành hoàng làng.

Chặng dừng chân tiếp theo của Đoàn là đền Trần Nam Định, nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần gồm 3 công trình kiến trúc chính, là đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của các hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Đến Đền Trần không ai không nhắc đến Lễ hội đền Trần diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội được mở đầu bằng Lễ khai ấn.

Chương trình của Đoàn chúng tôi có điểm đến cuối cùng chính là tìm hiểu văn hóa tại Đất Mẹ. Mẹ ở đây tức là Mẫu. Về với hội Phủ Dầy tức là về lễ Mẫu, về nơi quê hương dòng họ sinh ra Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Khoảng 1h đồng hồ từ Đến Trần, Đoàn đến Phủ Dầy là nơi Thánh Mẫu giáng sinh, là quê hương lại có âm phần của Thánh Mẫu và Tổ Tiên sinh ra thánh Mẫu. Đây là di tích lịch sử quốc gia được đông đảo các du khách về thăm quan chiêm bái. Nơi đây có nhiều hoạt động thực hành Nghi lễ lên đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Chứng kiến Nghi lễ lên đồng được thực hành tại Cộng đồng nơi Phủ Dầy, chị Nguyễn Mai (Nhà Khách Chính phủ) chia sẻ: “Mình rất thích xem lên đồng và đặc biệt thích nghe điệu hát Chầu văn. Hy vọng năm nay, Hồ sơ Tín nghưỡng thờ Mẫu trong đó có Nghi lễ Lên đồng được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể”.

Đoàn trở về Hà Nội trong tiết mưa Xuân ấm áp, sau một chuyến thăm quan và tìm hiểu văn hóa tại hai tỉnh Thái Bình, Nam Định và làm từ thiện thật nhiều ý nghĩa.