Chuyển đổi số là giải pháp tất yếu để các doanh nghiệp tồn tại trong bối cảnh Covid-19. (Nguồn: Vietnamnet) |
Xu hướng tất yếu
Nhận định về chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình hội nhập và từ tác động bởi đại dịch Covid-19.
Covid-19 đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng.
Chính vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Dr SME Vũ Tuấn Anh cho rằng, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải cạnh tranh với các thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ trong nước sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài “đè bẹp”, dần “chết yểu”.
Hiện tại, các công nghệ chuyển đổi số như điện toán đám mây, vạn vận hấp dẫn (IoT)... đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam do các đơn vị Việt Nam nghiên cứu và triển khai. Đây chính là một lợi thế quan trọng so với quá khứ nếu như các doanh nghiệp thật sự quyết tâm chuyển đổi.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, luật chơi trong tương lai sẽ là “cá nhanh nuốt cá chậm” chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Nghĩa là ngay cả các doanh nghiệp “cá mập”, nếu không chịu chuyển đổi số thì vẫn có thể có ngày chấm dứt, hoặc trở nên èo uột, nhường lại sân chơi cho lớp “đàn em” nhưng lại nhận dạng nhanh các quy luật cuộc chơi, thích nghi nhanh với xã hội 4.0.
Báo cáo mới nhất của DBT Center cho thấy, trong 5-10 năm tới, 60% các doanh nghiệp sẽ bị đào thải nếu không chuyển đổi số. Trong bối cảnh dịch bệnh, chuyển đổi số còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
"Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần phải biết rõ mình muốn gì, mình cần gì, kỳ vọng trong tương lai như thế nào; còn thiếu gì để thỏa mãn dữ liệu đầu ra mà mình mong muốn". (Phó Tổng Giám đốc Softech Corporation Ngô Thanh Tùng) |
Chính vì vậy, nếu dũng cảm bước lên hành trình chuyển đổi số thì đây sẽ là đòn bẩy rất tốt để doanh nghiệp địa phương có thể tận dụng sức mạnh đặc thù, tri thức bản địa và các điều kiện riêng biệt của địa phương mình để vươn lên phát triển, xâm nhập thị trường toàn cầu và cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ tại cấp độ quốc gia và toàn cầu.
"Chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số không phải là tư duy ngày mai đi mua một phần mềm hay một công nghệ về áp dụng mà cần quan tâm tới bối cảnh nguồn lực và những điều kiện riêng mà doanh nghiệp đang có", ông Vũ Tuấn Anh cho biết.
Covid-19 là cú hích
Đại dịch Covid-19 được ví như là một “cú hích” lớn cho các chương trình chuyển đổi số, từ quy mô doanh nghiệp đến quy mô quốc gia, dù không ai mong muốn. Những làn sóng dịch “trồi lên, sụt xuống” thời gian vừa qua đã đặt nhiều quốc gia, doanh nghiệp vào tâm thế phải tập trung cho quá trình chuyển đổi số càng nhanh càng tốt để thích nghi với thực tiễn.
Tháng 6/2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục đích đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Chính phủ cũng đưa ra 3 trụ cột chính của chương trình chuyển đổi số quốc gia là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số và trong số đó, qua những gì đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng, thì những ngành diễn ra chuyển đổi số sớm nhất có thể kể đến là: tài chính, giao thông và du lịch.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số được xác định là chìa khóa phát triển tất yếu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc đầu tư công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số được xem là một giải pháp giúp doanh nghiệp đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Trong thời gian giãn cách xã hội, phần lớn doanh nghiệp đẩy mạnh số hoá, triển khai hình thức làm việc online, họp trực tuyến, người dân thực hiện giao dịch trực tuyến triệt để... Công nghệ thông tin, nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, giao dịch trực tuyến đã phát huy mạnh mẽ trong dịch bệnh.
Chia sẻ với TG&VN, chị Đ.T.X, Phó Giám đốc một công ty TNHH sản xuất và thương mại có trụ sở tại Thái Bình cho hay, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, để ứng phó với dịch Covid-19, công ty phấn đấu đạt mục tiêu kép, vừa phòng dịch, vừa phát triển doanh nghiệp.
Chị Đ.T.X nhấn mạnh: "Trong thời gian toàn tỉnh giãn cách xã hội (từ ngày 6-20/5), công ty đã chủ động triển khai hoạt động làm việc từ xa. Công ty duy trì đều dặn lịch họp bằng hình thức trực tuyến, báo cáo và phân công công việc theo hình thức trực tuyến. Công ty đã chuyển đổi một số dữ liệu ở dạng sách, hồ sơ, giấy tờ như dự trù chi phí, hóa đơn, hồ sơ nhân sự, dữ liệu khách hàng... sang dữ liệu điện tử.
Việc trao đổi với đối tác cũng được chúng tôi tiến hành theo hình thức này. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên wesite của công ty. Thời gian tới, công ty dự định sẽ quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử".
Theo một khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số trong thời gian qua đã có những tiến triển rất đáng phấn khởi. Trước dịch Covid-19, hơn 50% doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, thêm hơn 25% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. |
Giải pháp "gỡ khó"
Nhận định về hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, theo CEO công ty du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên, các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, gia tăng hiệu suất công việc và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang nền tảng số thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu của việc sử dụng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến hiệu quả nhất định.
Cụ thể, trong bối cảnh dịch Covid-19, việc chuyển sang nền tảng số của doanh nghiệp Việt Nam giúp thích ứng với thị trường trong bối cảnh bình thường mới. Trong đó, việc chỉ đạo, điều hành thông qua môi trường trực tuyến bắt đầu được trọng dụng.
Dịch Covid-19 thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Việt chú trọng đầu tư vào nền tảng số, qua đó tạo thuận lợi cho đội ngũ, cán bộ nhân viên làm việc từ xa thông qua nền tảng số kết nối trong doanh nghiệp.
Nền tảng số còn giúp tiết giảm nhân lực, giảm chi phí thông tin và giao dịch; chuẩn hóa quy trình, phản ứng kịp thời, qua đó giúp nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ; nâng cao chất lượng công việc và gia tăng năng suất.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ vẫn loay hoay trong hành trình chuyển đổi số. Một phần bởi doanh nghiệp còn hạn chế về tài chính.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp e dè chuyển đổi số bởi sự thụ động, chưa quyết liệt trong việc thay đổi bộ máy, thiếu kỹ năng và thiếu nguồn tài nguyên cần thiết, cũng như công nghệ chưa đáp ứng được nền tảng số.
Để "hòa mình" vào hành trình chuyển đổi số, chuyên gia kinh tế Phạm Trí Hùng cho rằng, doanh nghiệp nên bắt tay vào chuyển đổi số theo 5 hướng chủ đạo, đó là: số hóa các sản phẩm và dịch vụ, số hóa tiếp thị và kênh phân phối, số hóa hệ sinh thái, số hóa quy trình sản xuất, số hóa chuỗi cung ứng.
Còn Phó Tổng Giám đốc Softech Corporation Ngô Thanh Tùng khẳng định: "Trọng tâm chuyển đổi số trong doanh nghiệp là phát triển các phần mềm ứng dụng, có thể giải quyết các bài toán kinh doanh và vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Ví dụ như hệ thống thương mại điện tử, chăm sóc khách hàng, quản lý nhân sự...
Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần phải biết rõ mình muốn gì, mình cần gì, kỳ vọng trong tương lai như thế nào; còn thiếu gì để thỏa mãn dữ liệu đầu ra mà mình mong muốn".