Ngành dệt may chủ động ứng phó với làn sóng Covid-19 lần thứ 4. (Nguồn: Báo Đấu thầu) |
Kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 4 tháng năm 2021 đạt gần 10 tỷ USD, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tin mừng cho ngành dệt may và là tiền đề quan trọng để đạt được mục tiêu 39 tỷ USD toàn ngành đã đề ra trong năm nay.
Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, với điểm nóng là các khu công nghiệp đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may “đứng ngồi không yên”.
Doanh nghiệp "căng mình" chống dịch
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho hay, tình hình Covid-19 trên thế giới, châu Á và tại Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Đây thực sự là mối lo lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của các doanh nghiệp và việc làm, đời sống người lao động, đặc biệt với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Dệt may Việt Nam hiện cũng là ngành có lực lượng lao động lớn với gần 3 triệu người, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, có đóng góp quan trọng về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2021, dự kiến ngành Dệt may sẽ xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD. Có những doanh nghiệp sử dụng hàng vạn người tập trung với mật độ cao.
Ông Vũ Đức Giang cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành đã ký kết đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.
Do vậy, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam, mới đây Hiệp hội Dệt may đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế: Ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch. Ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vaccine tiêm cho người lao động theo chủ trương xã hội hoá mà chính phủ đề xuất để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng.
"Các đơn hàng ngành dệt may đang có sự phục hồi khá nhưng nếu phát sinh phải cách ly thì không chỉ không có tăng trưởng mà còn có nguy cơ phải chịu phạt hợp đồng. Đây là thách thức và rủi ro vô cùng lớn, là nguy cơ với tất cả các doanh nghiệp dệt may". - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường. |
Song song với đó, tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vaccine về cho Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho rằng, đặc thù của ngành may mặc và cụ thể là May 10 là sử dụng nhiều lao động. Tổng cộng 12.000 lao động làm tại 18 nhà máy ở nhiều tỉnh, thành phố, đây là vấn đề khó khăn khi phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chỉ cần có 1 ca nhiễm sẽ ảnh hưởng toàn bộ dây chuyền và phải đóng cửa nhà máy.
Tổng Giám đốc May 10 nhấn mạnh: “Đợt dịch lần 4 này là lần bùng phát có nguy cơ ảnh hưởng lớn sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nguy cơ sức khoẻ người lao động. Chúng tôi đã phải căng mình chống dịch từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm, theo dõi trên tất cả các phòng, ban chống dịch, xây dựng tổ phòng chống Covid-19 ngau tại Công ty”.
Không chỉ thế, doanh nghiệp làm rất nghiêm túc khâu rà soát, truy vết, khoanh vùng người lao động có tiếp xúc hoặc ở gần bán kính ca nhiễm F0, F1, làm triệt để, kiên quyết, yêu cầu cách ly F2 và thậm chí là F3 tại nhà.
Cùng với đó là các biện pháp như khử khuẩn, đo nhiệt độ, thực hiện đầy đủ 5K đối với người lao động từ cổng vào, ngăn nguồn lây… Các bàn ăn đều sử dụng vách ngăn và giới hạn số người từ 6 thành 4, mỗi người 1 buồng, trên bàn thì có poster tuyên truyền để người lao động khi ăn dù chỉ 5 phút cũng nhìn vào đó để thực hiện.
Tập trung cao độ thực hiện mục tiêu kép
Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, để ứng phó với dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành dệt may đang tập trung cao độ thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo đơn hàng cho đối tác.
Chia sẻ với TG&VN, bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, Giám đốc một Công ty May Xuất khẩu có trụ sở tại Thái Bình cho biết, ngay khi làn sóng Covid-19 mới xuất hiện, công ty đã sớm khởi động lại các chương trình phòng chống dịch ở mức cao, lưu trữ thông tin, tổ chức khai báo y tế đối với tất cả cán bộ công nhân viên, cũng như khách ra vào.
Hàng ngày, công ty thống kê các địa điểm có ca F0, yêu cầu công nhân viên khai báo y tế. Trong quá trình khai báo, nếu phát hiện ra các trường hợp F1, F2 thì lập tức phối hợp với địa phương để có phương án cho từng trường hợp cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm chia sẻ, công ty đã trang bị đầy đủ cho người lao động các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch như cồn sát khuẩn, đeo khẩu trang y tế… đồng thời, liên tục tuyên truyền về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K.
"Chúng tôi luôn sát sao trong việc nhắc nhở người lao động tuân thủ nguyên tắc phòng dịch. Công ty cũng có chế tài xử phạt người lao động không tuân thủ quy định phòng dịch, nhẹ thì nhắc nhở, phạt tiền, nặng hơn thì khiển trách cảnh cáo. Chúng tôi quyết tâm vượt qua đại dịch lần này, đảm bảo sức khỏe cho công nhân viên và đảm bảo tiến độ sản xuất của công ty", bà Gấm nói.
Vẫn cần giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dù đã chủ động ứng phó với đại dịch nhưng đặc điểm của ngành dệt may Việt Nam là mật độ người làm việc và số lượng lao động cao. Nếu trong doanh nghiệp có ca mắc Covid-19, chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 - 21 ngày, coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn.
Không chỉ thế, hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký đơn hàng đến hết năm. Nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn doanh nghiệp sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu nhận định, 3 đợt dịch trước đã tạo cho các doanh nghiệp tính thích ứng cao, luôn luôn cảnh giác và thường trực giải pháp, cũng như rèn cho người lao động thói quen mới trong thời đại dịch. Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may vẫn cần những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cũng nhận thấy, cùng với những nỗ lực của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần được thực hiện nhanh chóng.
Ngoài giảm thuế, lùi thời gian nộp tiền đất cho doanh nghiệp, cần đổi mới thêm các chính sách, luật đất đai. Nhiều nhóm đầu tư rút từ Trung Quốc hay nước khác vào Việt Nam rất cần đất đai, đầu tư thêm công nghệ... cần tạo chính sách thuận lợi cho họ để tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp trong nước.
"Ngoài ra, công nghệ 4.0 đã được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nếu không đào tạo nhanh cho lao động thì không đáp ứng được yêu cầu công nghệ. Bởi vậy, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động thông qua các bộ, sở, hoặc có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo lao động", ông Nguyễn Xuân Dương kiến nghị.