📞

Chuyển đổi số, địa phương đầu tiên kết nối hơn 2.000 cụm loa truyền thanh thông minh

08:54 | 29/12/2024
Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai kết nối thành công các cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông (loa truyền thanh thông minh) tới 2.019 cụm loa của hơn 70 xã, phường, thị trấn.
Chuyển đổi số, Hải Phòng kết nối hơn 2.000 cụm loa truyền thanh thông minh. Ảnh: Loa thông minh tại đường Quang Trung, quận Hồng Bàng. (Nguồn: thanhphohaiphong.gov.vn)

Cùng với sự phát triển của các công cụ thông tin, tuyên truyền khác, hệ thống truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông thế hệ mới được coi là giải pháp đột phá về chuyển đổi sốcủa hệ thống đài truyền thanh tại cơ sở.

Tính đến nay, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai kết nối thành công các cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông (loa truyền thanh thông minh) tới 2.019 cụm loa của hơn 70 xã, phường, thị trấn.

Xác định vai trò quan trọng của hệ thống đài truyền thanh cơ sở, ngay từ năm 2019, Hải Phòng triển khai thí điểm hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số tại phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân và xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng.

Với nhiều ưu điểm vượt trội, công nghệ truyền thanh kỹ thuật số gần như khắc phục được những vướng mắc, hạn chế của hệ thống truyền thanh theo các công nghệ truyền thống.

Trong năm 2021, quận Hồng Bàng tổ chức Hội nghị chuyển giao công nghệ hệ thống truyền thanh số và bàn giao cho 5 phường trên địa bàn: Phan Bội Châu, Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Hạ Lý, Sở Dầu.

Hệ thống truyền thanh thông minh-truyền thanh kỹ thuật số được triển khai lắp đặt tại quận Hồng Bàng có thể hạn chế tối đa việc bị chèn sóng, nhiễu sóng, tăng cường an ninh thông tin, tín hiệu, chất lượng âm thanh ổn định, không phụ thuộc vào thời tiết, phát được mọi lúc, mọi nơi.

Quận Ngô Quyền cũng đã phối hợp với Công ty Điện lực Hải Phòng lắp đặt hệ thống loa truyền thanh thông minh tại 100% số phường và đưa vào sử dụng đồng loạt từ tháng 4/2023.

Nếu hệ thống truyền thanh cơ sở trước đây bộc lộ nhiều hạn chế như dễ hỏng hóc, khó sửa chữa, bảo dưỡng; vùng phát thanh bị giới hạn (trong phạm vi 3-5km đối với FM hữu tuyến và 10-15km đối với FM vô tuyến); không lắp đặt được các cụm loa ở vùng sâu vùng xa; chất lượng âm thanh không ổn định, lẫn tạp âm, chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết và phụ thuộc vào công suất máy tăng âm... thì giải pháp truyền thanh thông minh sử dụng thiết bị IoT và hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây có thể thay thế và khắc phục hoàn toàn những nhược điểm này.

Truyền thanh số không dây thế hệ mới sử dụng sóng di động 3G/4G của mạng viễn thông để truyền tải dữ liệu âm thanh từ hệ thống tập trung đến các cụm loa. Hệ thống không cần sử dụng máy tăng âm, máy phát sóng, cột ăng-ten, tủ điện, dây dẫn, bảng phân tuyến…

So với hệ thống phát thanh vô tuyến và hữu tuyến trước đây, loại hình truyền thanh thông minh mới có nhiều ưu điểm vượt trội như: không cần dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển, vận hành thiết bị, chất lượng âm thanh rõ ràng. Việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin trở nên dễ dàng, nhanh chóng; qua đó, giúp tiết kiệm thời gian, công sức trong vận hành đài.

Truyền thanh thông minh được xem là giải pháp tối ưu cho hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, bảo đảm thông tin được thông suốt, phát thanh trên diện rộng, kịp thời, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại 4.0.

Tại Hải Phòng, hạ tầng mạng viễn thông, Internet băng rộng cố định và viễn thông, internet băng rộng di động đã được đầu tư rộng khắp tới 100% các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố; 100% mạng cáp đồng đã được thay thế bằng cáp quang với phạm vi bao phủ đến 100% các thôn, tổ dân phố.

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã đầu tư và đưa vào khai thác mới 242 trạm BTS, nâng tổng số trạm thu phát sóng thông tin di động mặt đất (BTS) công nghệ 4G, 5G trên toàn địa bàn thành phố lên 2.684 trạm, cơ bản xóa toàn bộ các vùng lõm sóng. Vùng phủ 4G đạt 100% các khu dân cư, nâng tốc độ tải khoảng 16% so với cuối năm 2023, cao hơn 62% so với yêu cầu tối thiểu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mạng băng rộng cố định đạt vùng phủ 94% hộ gia đình tăng 3% so với năm 2023 (năm 2023 đạt xấp xỉ 91%). Đã có thêm 1 trung tâm dữ liệu điện toán đám mây được doanh nghiệp đầu tư và đưa vào khai thác trên địa bàn thành phố.

(theo Vietnamnet)