Chuyển đổi số là xu thế tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0 và ngành du lịch cũng không ngoại lệ. (Nguồn: LinkedIn) |
Nhu cầu tất yếu sau đại dịch
Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QÐ-TTg phê duyệt "Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025".
Trên thực tế, chuyển đổi số trong ngành du lịch có thể hiểu là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu.
Trong khi đó, mô hình kinh doanh du lịch hiện đại và các kênh đại lý du lịch trực tuyến ngày càng phổ biến, như sự bùng nổ của các ứng dụng Booking, Agoda, Expedia, Traveloka, Klook...
Ngoài việc ứng dụng công nghệ vào việc kinh doanh tour du lịch, chuyển đổi số còn phải chuyển đổi cả trong các thủ tục hành chính như nhập cảnh, đăng ký thị thực hay quan trọng hơn hiện nay là phát triển các ứng dụng "sức khỏe số", để giảm bớt thủ tục y tế, xét nghiệm đồng thời giúp nước sở tại có thể dễ dàng quản lý, đảm bảo sức khỏe của khách du lịch.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, đại dịch Covid-19 làm cho ngành du lịch trải qua "những ngày đau đớn" nhưng cũng là cuộc thanh lọc chưa từng có. Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0.
Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì hiện nay, chính "sóng thần" Covid-19 lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là chết?
Ông Hoàng Quang Phòng nhận thấy: "Dù đại dịch đã khiến cả 'ngành công nghiệp không khói' trở nên khó khăn nhưng nhìn ở một góc độ khác, Covid-19 chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình giống như một cuộc 'lột xác' để toàn ngành có bước đệm phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới".
TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định, công nghệ là một trong những chìa khóa giúp giải các "bài toán" kinh doanh và du lịch là một trong số những bài toán đó. Vì vậy, chuyển đổi số ngành du lịch được đánh giá là vô cùng cần thiết.
Theo TS. Hà Văn Siêu, với góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, chuyển đổi số được nhìn nhận là quá trình chuyển dịch, hình thành nền tảng, môi trường kết nối, giao dịch, tương tác giữa các chủ thể trong ngành du lịch bằng công cụ, ứng dụng, dữ liệu số.
Với tính năng vượt trội của công nghệ số mà những giao dịch, tương tác trong ngành du lịch có thể trở nên hiệu quả hơn và có thể tạo ra những bứt phá mới trong hoạt động du lịch.
Ngoài việc ứng dụng công nghệ vào việc kinh doanh tour du lịch, chuyển đổi số còn phải chuyển đổi cả trong các thủ tục hành chính như nhập cảnh, đăng kí thị thực. (Nguồn: Vietravel) |
Tìm hướng đi đúng trong chuyển đổi số
Là một trong những thành phố đã trải qua "sóng gió" Covid-19, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng làm mới mình để bắt kịp xu thế tất yếu.
Cụ thể, thời gian qua, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện một số giải pháp công nghệ như tổ chức nhiều hội thảo về số hóa, du lịch thông minh… để hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành cũng như nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh còn nhanh chóng triển khai website và app du lịch. Trong đó, có 1 website chính để cập nhật liên tục chính sách, quy định mới sau đại dịch và 1 trang web chuyên về quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phẩm du lịch, tích hợp bản đồ 3D, clip 360 độ…
Bản đồ tài nguyên du lịch TP. Hồ Chí Minh được công bố gồm 366 điểm đến, đưa lên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth…
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của ngành du lịch nói chung, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho biết, Sở du lịch địa phương đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án du lịch thông minh, gần đây nhất đang triển khai hàng loạt các nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý.
Ông Lê Trương Hiền Hòa khẳng định: "Đây là giải pháp cần có khi nhu cầu chuyển đổi số của người dân và các doanh nghiệp ở mọi quy mô gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gia tăng mạnh mẽ".
Hay tại Phú Thọ, trong 6 tháng đầu năm 2022, địa phương đã đón trên một triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó có 358.000 lượt khách lưu trú, doanh thu du lịch dịch vụ ước đạt 1.600 tỷ đồng.
Để có được kết quả đó, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch Phú Thọ với du khách trong và ngoài nước trên nền tảng công nghệ thông tin, đưa hình ảnh địa phương tiếp cận nhanh nhất đến với du khách.
Hiện nay, những hình ảnh quê hương, con người Đất Tổ, các sản phẩm du lịch Phú Thọ được giới thiệu trên các website dulichphutho.com.vn và dulichtaybac.vn; quảng bá thông qua các trang facebook và page: “Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Phú Thọ”, “Du lịch Phú Thọ”, “Hát Xoan Phú Thọ” và “Sản phẩm du lịch Phú Thọ”, kênh Zalo Du lịch Phú Thọ và kênh Tiktok Du lịch Phú Thọ, App du lịch thông minh phuthotourism đã quảng bá du lịch Phú Thọ đến với du khách, các đơn vị kinh doanh du lịch, đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch trên toàn quốc.
Thời gian tới, để tìm ra được hướng đi đúng trong chuyển đổi số, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc nhận định, ngành du lịch sẽ từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh.
Trong đó, ưu tiên phát triển trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; Hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.
Ông Nguyễn Lê Phúc nói: “Đồng hành cùng phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch là nhiệm vụ được chúng tôi ưu tiên, qua đó tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ phát huy sự đổi mới, sáng tạo, đóng góp các ý tưởng mới”.
Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc HanoiTourism Như Thị Ngần cho hay, rất nhiều tình huống, sự vội vàng trong chuyển đổi số khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng đã khiến doanh nghiệp vừa lãng phí rất nhiều nguồn lực về tài chính, vừa tạo ra sức ép chồng chéo về quy trình và thủ tục luân chuyển hồ sơ chứng từ cho nhân sự thực hiện. Từ đó, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, chưa kể sẽ làm chậm tốc độ phát triển của doanh nghiệp.
Vì vậy, để thực hiện được việc chuyển đổi số du lịch, bà Như Thị Ngần nhận thấy, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng về tài chính để duy trì hệ thống và đảm bảo nâng cấp liên tục.
Song song với đó, nhân sự phải được đào tạo bài bản, đầy đủ nhằm đảm bảo vận hành đúng kĩ thuật. Bởi chỉ cần một khâu sai sót là ảnh hưởng kết quả của cả dây chuyền vận hành, thậm chí bị ngưng trệ và gây hậu quả khó lường.
Ngoài ra, quy trình làm việc phải rõ ràng, ổn định, khoa học và phù hợp với định hướng, nguồn lực của hệ thống.