📞

Chuyển đổi số trong giáo dục: Nếu chỉ bắt chước thì muôn đời sẽ đi sau thiên hạ

Nguyệt Anh 15:53 | 26/04/2021
Chuyển đổi số trong giáo dục không phải chỉ đổi mới công nghệ, nó còn là vấn đề văn hóa và con người... Chúng ta phải nhanh hơn, tăng tốc hơn, sáng tạo hơn, đột phá hơn, nếu chỉ bắt chước sẽ muôn đời đi sau thiên hạ.
PGS. TS Nguyễn Văn Nhã nhận định, chuyển đổi số trong giáo dục không phải chỉ là về đổi mới công nghệ, nó còn là vấn đề văn hóa và con người. (Ảnh: NVCC)

PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã (nguyên Trưởng ban Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định như trên trong cuộc trao đổi với Báo Thế giới & Việt Nam xung quanh vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục.

Chuyển đổi số tác động như thế nào đến việc hướng nghiệp cho học sinh hiện nay, thưa ông?

Đầu tiên phải nhắc lại rằng, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, là tất yếu trong thời đại CMCN 4.0 hiện nay. Chuyển đổi số đang trở thành chiến lược tại nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Gần 90% doanh nghiệp của Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện.

Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn của doanh nghiệp nói riêng và của sự phát triển xã hội nói chung. Đặc biệt hơn, tác động của CMCN 4.0 đã ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng.

Do đó, giáo dục cũng phải thay đổi để phù hợp với xu thế tất yếu này. Việc thay đổi phương pháp giảng dạy ở các cấp học, bậc học, chuyển đổi sách giáo khoa, áp dụng STEM, dạy học trải nghiệm, sáng tạo… là những ví dụ cụ thể.

Cho nên, hướng nghiệp cho học sinh tất nhiên cũng phải thay đổi và đổi mới cho phù hợp. Tôi thường nói với sinh viên là “change or die - Thay đổi hay là chết”!

Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, ngành giáo dục và đào tạo đứng trước thách thức cũng như cơ hội mới như thế nào?

Đây là câu hỏi hay đặt ra cho không chỉ ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mà là cho mỗi người chúng ta. Trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam luôn nhắc lại một thông điệp: Chính phủ với CMCN 4.0, doanh nghiệp với CMCN 4.0, nhà khoa học với CMCN 4.0 và người dân với CMCN 4.0 trước khi truyền đi những thông tin mới nhất về các thành tựu của công nghệ tiên tiến trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cơ hội để phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp dường như ai cũng thấy rõ. Ví dụ như việc cập nhật nhanh chóng và chính xác nhờ hệ thống thông tin hiện đại, mạng xã hội, siêu máy tính. Các báo cáo thông suốt, kịp thời của xã hội điện tử, chính phủ điện tử.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ mới vượt quá sức tưởng tượng. Trải nghiệm khách hàng toàn cầu với hệ thống cung ứng tận nơi. Hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp thay đổi từng ngày, làm gia tăng sự nhanh nhẹn và đổi mới.

Chuyển đổi số trong giáo dục không phải chỉ đổi mới công nghệ, nó còn là vấn đề văn hóa và con người. Thông qua việc số hóa kinh nghiệm học tập, cả giáo viên và học sinh đều có thể cải thiện kỹ năng của mình, với một mục tiêu chung: tạo ra một quy trình giáo dục hấp dẫn và hiệu quả hơn.

Ví dụ như: học viên toàn cầu, e-learning; trải nghiệm tùy chỉnh theo phương thức đào tạo tín chỉ; xây dựng các mô đun học tập hiệu quả; đào tạo ra các lớp giảng viên, giáo viên chất lượng cao…

Trong những năm gần đây, ngành GD&ĐT đã rất quan tâm và tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động của ngành. Mới hôm 24/4 vừa qua, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã khánh thành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là dấu hiệu tích cực để các thầy cô và học sinh có những thực tế trải nghiệm cụ thể trong việc tiệm cận với công nghệ tiên tiến.

Về thách thức, tôi vẫn nói với các em học sinh và sinh viên rằng: Ai chế tạo ra robot? Con người! Người đó là ai, có phải là thầy, là các em không? Không! Vậy thế giới ngày càng “phẳng” hơn về công nghệ, khoa học và kỹ thuật thì lại càng “gồ ghề” hơn về thu nhập và mức độ giàu-nghèo.

Trong lịch sử hình thành 4 cuộc Cách mạng công nghiệp của nhân loại, Việt Nam luôn đi sau, luôn bị "delay" (chậm trễ), nếu không nói là chậm thay đổi, chậm đổi mới và lạc hậu quá xa so với khu vực và thế giới. Vấn đề là chúng ta phải nhanh hơn, tăng tốc hơn, sáng tạo hơn, đột phá hơn, nếu chỉ bắt chước thiên hạ thì muôn đời sẽ đi sau.

Thực tế, không ít ngành nghề được đào tạo theo khả năng của nhà trường chứ chưa đáp ứng được đơn đặt hàng của xã hội. Và liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp như hiện nay?

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thất nghiệp của các cử nhân, thạc sĩ như hiện nay là sự nghiệp GD&ĐT đang rất thiếu các thầy giỏi, thiếu các nhà quản trị giỏi!

Đơn cử là giáo dục đại học và cao đẳng, rất ít và rất hiếm có người giỏi cả 3 lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu và quản trị đại học. Đấy là chưa kể không ít người có đầy mình bắng cấp, danh hiệu nhưng năng lực rất hạn chế.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang tăng cường triển khai đào tạo cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp để bắt kịp với thời đại, bắt kịp với “Kỷ nguyên mới của Quản trị” (theo tiêu đề cuốn sách của Richard Darft).

Tôi thiển nghĩ, ngành GD&ĐT - thay vì kêu gọi đội ngũ giáo viên hãy tâm huyết hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới GD&ĐT, hãy tạo điều kiện cho họ được đi đào tạo và đào tạo lại ở trong và ngoài nước (chứ không phải là bồi dưỡng hè như đang làm).

Đồng thời, ngành cũng cần quan tâm thực sự hơn nữa tới đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên. Đó mới là giải pháp hữu hiệu để thay đổi chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung, làm giảm con số sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp nói riêng.

Có ý kiến cho rằng, đào tạo đại học ở nước ta vẫn chưa “bắt sóng” được nhu cầu của thị trường lao động, ông nghĩ sao?

Thực tế cho thấy, đang có sự phân hóa theo 2 phía:

Một bên là những đại học tiên tiến của Việt Nam đã và đang lọt vào top 500 hoặc 1.000 đại học hàng đầu khu vực và thế giới. Nhiều thầy cô rất tâm huyết cống hiến và hy sinh cho thế hệ trẻ, cho sự thay đổi và phát triển của sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện giáo dục Việt Nam.

Còn một bên đang “gõ trống liên thanh” lên các trang thông tin của cơ sở đào tạo, nhưng đội ngũ lãnh đạo, giảng viên ở đó trì trệ, chậm đổi mới, kéo theo làm hao phí không ít tiền của và mồ hôi, nước mắt của các bậc phụ huynh và sinh viên. Do vậy, cần có các giải pháp làm giảm phía này, tất nhiên việc đó không hề đơn giản, nó gian nan như việc chống nạn tham ô, tham nhũng vậy.

Chắc chắn với xu thế chuyển đổi số hiện nay, với các kênh thông tin ngày càng nhanh nhạy, công bằng và chính trực thì sự nghiệp giáo dục sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Hiện nay, không ít học sinh vẫn thường chạy theo nghề hot, lương cao, tuy nhiên khi ra trường xu thế có thể thay đổi. Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ hiện nay?

Thế giới ngày nay là thời đại của các công nghệ tiên tiến, là thời đại của VUCA (4 từ viết tắt tiếng Anh là Volatility - Biến động, Uncertainty - Không chắc chắn, Complexity - Phức tạp, Ambiguity - Mơ hồ).

Nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhiều ngành nghề mới sẽ ra đời. Thực tế đã và đang chứng minh, kiểm nghiệm rất rõ điều này. Cho nên, các bạn trẻ phải luôn sẵn sàng đón nhận những bất ngờ ập đến. Người thành công là người luôn sẵn sàng và chuẩn bị chu đáo để khi có thời cơ là đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề mới đó.

Cơ hội dành cho tất cả mọi người, nhưng thực tế, người sẵn sàng để đón nhận thử thách và vượt lên thành công không nhiều.

Nhu cầu có thu nhập cao là một trong các nhu cầu chính đáng của con người. Tuy nhiên, tiền chỉ là phương tiện cần thiết của cuộc sống chứ không phải là mục đích sống.

Cuộc đời này không quan trọng là bạn được đóng vai gì, to hay nhỏ. Quan trọng là bạn có yêu, có đam mê và dám cống hiến hết mình. Chắc chắn, cuối cùng bạn sẽ là người hạnh phúc. Nhiều khi nghề chọn bạn chứ không phải bạn chọn nghề.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS!

(thực hiện)