Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, muốn chuyển đổi số trong giáo dục thành công, con người không chỉ phải thay đổi để thích nghi, mà phải thay đổi để dẫn dắt quá trình đó. (Ảnh: MOET) |
Chuyển đổi số trong giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng trở thành công dân toàn cầu. Vậy theo ông, chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu và ai phải thay đổi đầu tiên?
Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo phải bắt đầu từ những người thầy và cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, việc đầu tiên phải tập trung vào đổi mới phương pháp, công nghệ dạy và học, theo hướng lấy người học là trung tâm, là chủ thể của quá trình giáo dục.
Đồng thời, phải gắn với đổi mới quản lý giáo dục theo hướng phục vụ người dân và lấy dữ liệu làm nền tảng. Mọi quyết định về chính sách và về điều hành phải dựa trên phân tích dữ liệu, mang lại lợi ích cho người học và đội ngũ nhà giáo.
Câu chuyện chuyển đổi số trong giáo dục đã thực hiện trên thực tế nước ta ra sao, thưa ông?
Giáo dục nước ta đã có bước tiến lớn khi thể hiện được năng lực chuyển đổi sang học online qua đợt đại dịch Covid-19. Điều này không chỉ thể hiện ở tỉ lệ gần 80% học sinh, sinh viên đã chuyển sang học online mà còn ở sự đổi mới trong cách dạy và học online, tạo hứng thú cho cả thầy và trò.
Cơ sở dữ liệu toàn ngành đang được hoàn thiện, trong đó dữ liệu giáo dục phổ thông đã gần như hoàn chỉnh, 100% trường phổ thông được kết nối vào trục kết nối dữ liệu của ngành. Hầu hết các trường đại học áp dụng phương pháp học trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngày càng nhiều trường xây dựng, khai thác và chia sẻ các kho học liệu trực tuyến.
Công nghệ giáo dục với cốt lõi là công nghệ số đang trở thành một xu hướng lớn trong giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học.
Trong quá trình chuyển đổi sẽ tạo ra cơ hội cũng như gặp những thách thức, rào cản gì?
Chuyển đổi số tạo ra thay đổi tư duy dạy và học, thay đổi tư duy quản lý. Đồng thời, tạo cơ hội cho người dân dễ dàng tiếp cận với giáo dục, giảm chi phí quản lý đồng thời tăng hiệu quả và chất lượng của quá trình dạy và học. Nhưng thách thức lớn nhất, rào cản lớn nhất cũng chính là thay đổi tư duy của nhà quản lý, thay đổi tư duy của người thầy.
Vậy muốn thành công thì con người phải thay đổi ra sao để thích nghi, thưa ông?
Muốn chuyển đổi số thành công, con người không chỉ phải thay đổi để thích nghi, mà phải thay đổi để dẫn dắt quá trình đó. Cần phải hành động để tạo ra sự thay đổi chứ không chờ đợi mọi thứ sẽ thay đổi.
Con người phải thay đổi để thích nghi thì chuyển đổi số mới thành công. Bởi lẽ, giờ đây học sinh, sinh viên có quá nhiều kênh thông tin, tài liệu. Người thầy cần phải thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang biết chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được chương trình, giáo án; đặc biệt phải làm sao cá thể hóa tới từng học sinh.
Để Việt Nam trở thành nước đi đầu về chuyển đổi số trong giáo dục thì cần những điều kiện cần và đủ nào?
Việt Nam có thể trở thành một trong những nước đi đầu về chuyển đổi số trong giáo dục, nếu từng nhà trường và từng người thầy đặt mình ở vị trí tiên phong. Nhà nước cũng cần có những chính sách phù hợp và đầu tư tương xứng.
Ông có thể đưa ra gợi ý, giải pháp cụ thể?
Chúng ta nên tận dụng những công nghệ nền tảng, các công cụ phần mềm sẵn có và bắt đầu chuyển đổi số bằng những việc nhỏ nhưng mang lại tác động lớn. Đó là đổi mới quản lý từng lớp học, đổi mới nội dung từng tiết học, từng bài giảng, làm sao để tăng tương tác giữa thầy và trò trong và ngoài lớp học, làm sao để từng học sinh được tham gia tích cực, chủ động hơn vào quá trình học tập. Hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự học, sử dụng các kho học liệu mở và phần mềm miễn phí sẵn có.
Khi học sinh được tương tác nhiều hơn, tiến bộ hơn qua từng tiết học, các em sẽ hứng thú hơn và tham gia tích cực hơn, đó là thành công quan trọng bước đầu. Khi nhiều lớp trong trường cùng làm, nhiều trường trong một địa phương cùng làm sẽ có kinh nghiệm chia sẻ và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!