Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, ASEAN+3 ngày 14/4. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Theo Tân Hoa xã, Hội nghị khẳng định đối mặt với dịch bệnh đầy bất ngờ, cộng đồng quốc tế cần hợp tác y tế công cộng hơn bao giờ hết, đồng thời cần duy trì sự điều phối, kết nối các chính sách phòng chống dịch Covid-19. Về vấn đề này, ASEAN+3 đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp chính sách.
“Lời kêu gọi hợp tác chống dịch bệnh đang gia tăng ở Đông Á. Hội nghị đặc biệt giữa ASEAN và các nhà lãnh đạo Đông Á chắc chắn tạo nền tảng cấp cao cho các quốc gia trong khu vực để phối hợp chính sách chống dịch, thiết lập các cơ chế phòng ngừa và kiểm soát dịch chung trong khu vực”, Tân Hoa xã đưa tin
Hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn lời chuyên gia Philippines cho rằng, ASEAN+3 có dân số đông và sự giao lưu mật thiết. Nếu Đông Á có thể thiết lập cơ chế phối hợp phòng chống dịch bệnh ở cấp độ cao thì sẽ đóng góp đáng kể cho hợp tác toàn cầu để đối phó với dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 đã "giáng đòn mạnh" vào nền kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính ở nhiều quốc gia tiếp tục biến động và nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, cơ chế hợp tác ASEAN+3 nhận được nhiều kỳ vọng có thể giúp ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ổn định chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng công nghiệp, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế khu vực.
Hoàng Tải Hạo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hợp tác an ninh toàn cầu thuộc Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, khẳng định trước tác động của dịch bệnh, mọi quốc gia đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế và càng ưu tiên lợi ích quốc gia.
Nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị ASEAN+3 lần này là làm thế nào để duy trì xu hướng kinh tế mở, duy trì " toàn cầu hóa kinh tế" và tìm cách khôi phục kinh tế của các nước trong khu vực.
ASEAN+3 có tổng khối lượng GDP khổng lồ, có sự hội nhập sâu rộng đối với chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, đồng thời có trao đổi thương mại chặt chẽ. Nhiều chuyên gia tin rằng nếu ASEAN+3 có thể tăng cường kết nối chính sách kinh tế vĩ mô và cùng thúc đẩy phục hồi sản xuất, trao đổi thương mại trong khu vực thì sẽ giúp các nước vượt qua khó khăn.
Một giáo sư thuộc Đại học Bách khoa Malaysia cho rằng, về lâu dài, ASEAN+3 cần hợp tác để xây dựng kế hoạch hành động chung nhằm đảm bảo các hoạt động thương mại khu vực trong tương lai có thể được thực hiện một cách hiệu quả.