Nhỏ Bình thường Lớn

Chuyên gia Australia: Đức tính kiên cường của nền kinh tế và con người Việt Nam trong đại dịch Covid-19

TGVN. Trang Diễn đàn Đông Á ngày 6/10 đăng bài viết của Suiwah Leung, Phó Giáo sư kinh tế danh dự tại Trường Chính sách công Crawford (Đại học Quốc gia Australia) nhận định về sự phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam thời kỳ Covid-19.

Theo ông Suiwah Leung, nền kinh tế và con người Việt Nam thường được mô tả là "kiên cường". Đức tính này đã được phát huy hơn bao giờ hết trong đại dịch Covid-19. Sau khi chiến thắng được đại dịch, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP 1,8% trong nửa đầu năm 2020 trong khi hầu hết các nơi trên thế giới chứng kiến mức tăng trưởng âm.

Báo cáo đánh giá tháng 7/2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam là nhờ vào 2 động lực: nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, thay nhau tăng trưởng trong 2quý đầu năm 2020.

Chuyên gia Australia: Đức tính kiên cường của nền kinh tế và con người Việt Nam trong đại dịch Covid-19
Tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam là nhờ vào 2 động lực: nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. (Nguồn: Reuters)

Từ tháng 1 đến giữa tháng 4, xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức tăng 13%/tháng trước khi các đối tác thương mại, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm. Trong thời kỳ này, tiêu dùng nội địa lại giảm do việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa nghiêm ngặt.

Sau đó, từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 6, nền kinh tế Việt Nam chuyển sang chế độ hồi phục, trong đó sản xuất tăng 30% trong khi xuất khẩu hàng hóa giảm. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ở mức 2,8–3% trong năm 2020 và quay trở lại mức trước khủng hoảng là 6,8% vào năm tới.

Dự báo của WB phụ thuộc vào việc Chính phủ tích cực sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn và việc nền kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ chuyển hướng thương mại và đầu tư trong trung hạn thông qua các hiệp định thương mại tự do khu vực như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa có hiệu lực hôm 1/8.

Một trong những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngay lập tức là nới lỏng các hạn chế đi lại do ngành du lịch đóng góp khoảng 10% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Các biện pháp tài khóa khác được Việt Nam áp dụng bao gồm tăng chi tiêu cho chương trình đầu tư công đã được phê duyệt, đặc biệt là cho các dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) đang trong quá trình triển khai. Hỗ trợ chiến lược từ khu vực tư nhân, chẳng hạn như đầu tư vào cơ sở hạ tầng số quốc gia, cũng đang được thực hiện.

Tin liên quan
Việt Nam - ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á Việt Nam - ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á

Giữa tháng 8, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã ra mắt nền tảng blockchain akaChain giúp các công ty tiết kiệm được rất nhiều thời gian như thủ tục điện tử Know Your Customer, chấm điểm tín dụng và các chương trình khách hàng thân thiết. Khả năng bảo mật và tính minh bạch của công nghệ này sẽ được cải thiện trong tương lai. Ở một quốc gia có dân số tương đối trẻ, việc dạy và học từ xa, cũng như chăm sóc sức khỏe từ xa, là những tiến bộ được thúc đẩy trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Khu vực kinh tế tư nhân chính thức là lĩnh vực cần được hỗ trợ nhiều hơn. Khu vực kinh tế tư nhân phi chính thức của Việt Nam (trong lĩnh vực du lịch và các dịch vụ khác) rất lớn và có thể phục hồi nhanh hơn khu vực chính thức sau khi các hạn chế Covid-19 được nới lỏng.

Báo cáo của WB chỉ ra một số rủi ro liên quan đến chiến lược ngắn hạn và trung hạn này.

Thứ nhất, về vị thế đối ngoại của Việt Nam, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài và dòng kiều hối trong 5 năm qua đã tạo ra một vùng đệm dự trữ ngoại hối khá thoải mái. Cơ cấu công nghiệp của Việt Nam là xuất khẩu gắn liền với đầu vào nhập khẩu. Vì vậy, một khi xuất khẩu hàng hóa giảm, nhập khẩu cũng giảm theo, và vì thế, cán cân thương mại hàng hóa không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nghịch lý là, mối liên kết này trong cơ cấu công nghiệp của Việt Nam lại là một cản trở nghiêm trọng đối với tăng trưởng nhanh trong dài hạn.

Thứ hai, tài khóa được tăng cường trong 3 năm qua tạo ra dư địa cho việc thúc đẩy tài khóa trong ngắn hạn mà không làm tăng đáng kể gánh nặng nợ công, vốn đã giảm xuống khoảng 55% GDP. Tuy nhiên, dự kiến nợ công tăng cao có thể tạo thêm áp lực thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), một chương trình bị đình trệ từ năm 2018. Điều này sẽ có lợi ích lâu dài đáng kể.

Cuối cùng, nới lỏng tiền tệ là việc cần làm ngay, nhưng có thể làm giảm chất lượng các khoản vay và tăng số lượng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Quản lý rủi ro này sẽ là phép thử đối với tính hiệu quả của các cơ cấu quản lý của chính phủ cần thiết cho tăng trưởng dài hạn.

Những cải cách cơ bản cần thiết để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình vẫn không thay đổi. Những cải cách này bao gồm tái cấu trúc ngân hàng và DNNN, xây dựng các tổ chức công hiệu quả và có trách nhiệm giải trình. Trong một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, và trong thời kỳ kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, khả năng chống chịu ngắn hạn cần phải được kết hợp với ý chí chính trị để tiếp tục các cải cách cơ cấu nhằm tạo động lực cho tăng trưởng dài hạn.

Mặc dù có thể có một yếu tố may mắn trong việc chuyển hướng thương mại và đầu tư ngắn hạn cũng như về thời điểm xử lý đại dịch, nhưng nhìn chung, Việt Nam đã có chính sách tốt và chính sách này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Sẵn lợi thế, kinh tế Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'vượt ải' Covid-19

Sẵn lợi thế, kinh tế Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'vượt ải' Covid-19

TGVN. Với mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng ...

ICAEW: Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á tăng trưởng dương năm 2020

ICAEW: Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á tăng trưởng dương năm 2020

TGVN. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics được ủy quyền bởi ICAEW (The Institute of ...

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020

TGVN. VEPR dự đoán, sẽ có hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020, trong đó, khả năng cao tăng trưởng kinh ...

(theo Diễn đàn Đông Á)