Trung Quốc cần xây dựng uy tín của sức mạnh quốc gia để tạo ra những tác động chiến lược. (Nguồn: Strategist) |
Cách “tự đánh bại”
Theo chuyên gia Allan Behm, với sức mạnh nổi trội về kinh tế và chiến lược chính trị, Trung Quốc đang sở hữu một sức mạnh quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn. Nhưng để làm được điều này, Trung Quốc cần xây dựng uy tín của sức mạnh quốc gia để tạo ra những tác động chiến lược.
Kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ đã khẳng định được vị thế của mình và nhờ đó có khả năng chi phối thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia Allan Behm cho rằng, đến thời Tổng thống Donald Trump, ông muốn thu hẹp phạm vi can dự của nước Mỹ để phát triển chính sách “nước Mỹ trên hết”. Trung Quốc cũng đã không bỏ lỡ cơ hội này nhưng có lẽ Trung Quốc đã không sử dụng quyền lực của mình để thay thế ảnh hưởng của Mỹ một cách hợp pháp.
Về kinh tế, chuyên gia Allan Behm nhận định, sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh cũng là một cái “bẫy” cho nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là với sức mạnh kinh tế hiện tại của Trung Quốc, nền kinh tế của quốc gia này sẽ vẫn chi phối lợi ích kinh tế của nhiều nước trong khu vực. Với Australia, theo như cựu Tổng Giám đốc Văn phòng Đánh giá Quốc gia Allan Gyngell, dù muốn hay không, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn tác động mạnh mẽ tới tương lai nền kinh tế Australia.
Thượng nghị sỹ Australia Peter Hartcher cũng đã có những nghiên cứu nhằm đưa ra những gợi ý nghiêm túc về phương hướng chính sách của Australia đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia Allan Behm cho rằng, những nghiên cứu này lại không giải quyết được những vấn đề cơ bản về tư duy và tạo ra một cảm giác bất an cũng như thiếu sự tự tin của một “người chơi” toàn cầu.
Chuyên gia Allan Behm nhấn mạnh, hành xử quốc tế của Trung Quốc cho thấy một hình ảnh không thân thiện, có thiên hướng “thổi phồng, khuất phục” hơn là “đàm phán và thuyết phục”. Đó là cách mà Trung Quốc tự đánh bại mình. Sự trở lại với phương cách ngoại giao của Trung Quốc sẽ tốt hơn cho chính quốc gia này và cộng đồng quốc tế. Ngoại giao, theo nhà lý luận Ernest Satow là ứng dụng trí thông minh và chiến thuật để điều tiết mối quan hệ giữa các chính phủ. Với những gì Trung Quốc đang thể hiện hiện nay, các cuộc đối thoại đều có thể dẫn đến những đối đầu.
Ám ảnh nỗi lo
Gần đây, quan hệ Australia - Trung Quốc tiếp tục căng thẳng do vấn đề sở hữu trí tuệ và tấn công mạng. Theo chuyên gia Allan Behm, Trung Quốc cũng đã nỗ lực tìm cách “cài cắm” người vào Quốc hội Australia. Tuy nhiên, những tính toán của Bắc Kinh cũng “vụng về” như chính tham vọng của họ. Wang Liqiang, người tự nhận là gián điệp Trung Quốc đào tẩu, đã cung cấp cho Cơ quan phản gián Australia danh tính các sĩ quan tình báo quân sự cấp cao của Trung Quốc tại Hong Kong, cùng cách họ tài trợ và tiến hành các hoạt động tại Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) và Australia.
Những lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc trước đây chỉ hiện lên mơ hồ. Giờ đây, người Australia cảm thấy tham vọng chính trị của Bắc Kinh và các hoạt động gián điệp trở nên rõ ràng và cụ thể hơn. "Đây là vấn đề không thể lờ đi được", Hugh White, cựu quan chức tình báo giảng dạy tại Đại học Quốc gia Australia, nói. "Chúng ta đã đánh giá thấp mức độ gia tăng sức mạnh của Trung Quốc và tham vọng sử dụng sức mạnh đó".
Công chúng Australia cũng đang giảm thiện cảm với Trung Quốc. Hastie, Chủ tịch Ủy ban tình báo Quốc hội Australia, nói rằng văn phòng của ông đã nhận được email và thư từ nhiều người dân trên khắp đất nước, bày tỏ sự phẫn nộ và lo lắng về các hành động của Trung Quốc tại Australia.
Còn các quan chức Mỹ thường mô tả Australia như một phép thử, một đồng minh của Washington nhưng có mối quan hệ đủ gần gũi với Bắc Kinh để xem điều gì sẽ xảy ra với các nước khác.