📞

Chuyên gia Brunei 'mở lối' phát triển ngành Halal cho Việt Nam

Ngọc Anh 20:10 | 29/11/2024
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal nhờ vị trí chiến lược và nhu cầu ngày càng tăng từ các nước trong khu vực.

Ông Sabirin Othman, Chủ tịch Tập đoàn PDS ABATTOIR SDN BHD (Brunei Darussalam) trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp Halal của Việt Nam.

Ông Sabirin Othman, Chủ tịch Tập đoàn PDS ABATTOIR SDN BHD cho rằng Việt Nam nên tận dụng chuyên môn và kinh nghiệm về Halal từ những quốc gia láng giềng. (Nguồn: Tập đoàn PDS ABATTOIR SDN BHD)

Theo ông, ngành công nghiệp Halal đang phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liệu rằng đây có phải thời điểm thích hợp để Việt Nam thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal?

Theo tôi, hiện nay Việt Nam nên bắt đầu xem xét tiềm năng sản xuất các sản phẩm Halal bởi Việt Nam cũng đang dần đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu.Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, địa phương vẫn còn thiếu chứng nhận Halal.

Ngoài ra, vị trí chiến lược trong khu vực Đông Dương cũng như láng giềng với Trung Quốc mang lại cho Việt Nam nhiều lợi thế về thương mại và giao thương quốc tế. Đồng thời, khi phát triển sản phẩm Halal, Việt Nam cũng có thể thúc đẩy hơn nữa ngành du lịch, đặc biệt là du lịch Halal.

Hiện nay, Brunei Darussalam đang là một thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp Halal nở rộ. Ông có thể chia sẻ về xu hướng phát triển của thị trường Halal ở Brunei Darussalam cũng như trong khu vực ASEAN và trên thế giới hay không?

Thị trường Halal ở Brunei Darussalam đang ngày càng “thay da đổi thịt”. Trước đây, Brunei chủ yếu tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, chính phủ dần khuyến khích doanh nghiệp xây dựng năng lực chế biến dư thừa nhằm mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất. Các cơ quan quản lý liên quan cũng tích cực tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế, từ đó thúc đẩy phát triển ngành Halal tại Brunei.

Trong khi đó, ở thị trường ASEAN và toàn cầu, nhu cầu với các sản phẩm Halal ngày càng tăng cao. ASEAN với hơn 40% dân số là người Hồi giáo, đã trở thành một thị trường tiềm năng cho sản phẩm Halal. Bên cạnh đó, thu nhập khả dụng toàn cầu cũng tăng lên, đặc biệt ở nhóm thu nhập trung bình, kéo theo nhu cầu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm Halal lớn hơn. ASEAN cũng đang chú trọng vào hỗ trợ kết nối và thương mại trong khu vực để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Halal.

Brunei Darussalam đang nổi lên như một hình mẫu trong việc phát triển ngành công nghiệp Halal, ông có thể chia sẻ thêm những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể học hỏi để thúc đẩy sự phát triển ngành Halal của mình không?

Brunei đã thành công trong việc thiết lập các chứng nhận Halal uy tín và được công nhận trên toàn cầu, đây là bài học quý giá mà Việt Nam có thể học hỏi để phát triển ngành công nghiệp Halal của riêng mình.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cung ứng liên tục nguồn nhân lực có đủ trình độ chuyên môn, Brunei đã tận dụng vai trò của các trường đại học địa phương nhằm cung cấp những chương trình và khóa học liên quan. Hiện nay, Brunei còn mở rộng trọng tâm sang xây dựng năng lực chế biến dư thừa, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết lập chuỗi cung ứng logistics Halal, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Brunei Darussalam đang là một thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp Halal nở rộ. (Nguồn: Biz Brunei)

Tại thời điểm hiện tại, dân số Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng và thu nhập tại nhiều quốc gia đang dần cải thiện, kéo theo xu hướng bùng nổ của các sản phẩm Halal. Ông có thể chia sẻ thêm về sự phát triển của nhu cầu này và dự đoán về xu hướng trong tương lai?

Dân số Hồi giáo toàn cầu hiện ước tính khoảng 1,9 tỷ người, dự kiến đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030, chiếm 26% dân số thế giới. Chính vì vậy, nhu cầu về sản phẩm Halal đang tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi tập trung khoảng 62% người Hồi giáo, với các thị trường trọng điểm bao gồm Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Malaysia...

Các sản phẩm Halal không chỉ thu hút người Hồi giáo mà còn hấp dẫn người không theo đạo Hồi nhờ sự an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh cao và quy trình sản xuất “đạo đức”. Bên cạnh đó, năm 2023, ngành công nghiệp Halal toàn cầu được định giá khoảng 1,97 nghìn tỷ USD và dự kiến mở rộng lên 3,3 nghìn tỷ USD vào năm 2030, qua đó thể hiện xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai của ngành công nghiệp này.

Trong bối cảnh thị trường Halal toàn cầu đang mở rộng và tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, việc xây dựng thương hiệu Halal uy tín là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Liệu làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu của riêng mình, được cộng đồng Halal chấp nhận và duy trì chất lượng ổn định, thưa ông?

Để xây dựng thương hiệu Halal riêng và được cộng đồng Halal chấp nhận, các doanh nghiệp Việt Nam cần từng bước thiết lập những tiêu chuẩn và năng lực quản lý Halal, cũng như đảm bảo các công ty sản xuất trong nước tuân thủ đầy đủ quy định.

Việt Nam cũng có thể tận dụng chuyên môn và kinh nghiệm từ những quốc gia láng giềng để thực hiện mục tiêu này. Chứng nhận Halal là một hệ thống tiêu chuẩn mà doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng sẽ bổ sung cho các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bởi nó bao gồm nhiều yếu tố về vệ sinh và truy xuất nguồn gốc.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần xem xét chứng nhận Halal như một phần không thể thiếu trong việc lên kế hoạch cho chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và an toàn thực phẩm trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!