📞

Chuyên gia cảnh báo những lỗ hổng nghiêm trọng của Bidenomics

Mai Ly 18:30 | 13/07/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị mô phỏng phong cách mạnh tay chi tiêu của cựu Tổng thống Franklin Roosevelt, nhưng đây là điều mà ông Roosevelt luôn cố gắng tránh trước Thế chiến thứ hai. Nguyên nhân là biện pháp này dẫn đến lạm phát, yếu tố làm thất bại chính sách kinh tế theo học thuyết kinh tế Keynes trong thập niên 1970.
Chuyên gia cảnh báo, chính sách kinh tế của Tổng thống Biden (Bidenomics) có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. (Nguồn: WSJ)

Bóng ma lạm phát

Từ tháng 1/2021 đến nay, Chính quyền Joe Biden đã chi hoặc cam kết chi 1.900 tỷ USD để trực tiếp cứu trợ những người gặp khó khăn do dịch bệnh, 2.700 tỷ USD hỗ trợ đầu tư và kinh doanh, 1.800 tỷ USD cho phúc lợi và giáo dục. Những khoản chi này tổng cộng lên đến 6.400 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP của Mỹ.

Gói hỗ trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD sẽ giảm dần, và trong 10 năm tới, Mỹ sẽ chi khoảng 4.500 tỷ USD, chiếm 20% GDP.

Những khoản chi này chủ yếu là nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mua trái phiếu để "bơm tiền", sau đó Chính phủ sẽ tăng thuế.

Giới quan sát đặt câu hỏi, đây là nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư công lớn có quy mô lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến thứ II đến nay, hay là chi tiêu hoang phí dẫn đến lạm phát?

Thực tế là không có phương pháp chính xác để đo lường sự thiếu hụt sản lượng, nghĩa là chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng, hay nói cách khác là mức độ sa sút mà nền kinh tế có thể hấp thụ trước khi giá cả bắt đầu tăng lên.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến cuối năm nay, tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ vượt qua mức tiềm năng, và kinh tế châu Âu thì tiệm cận tăng trưởng tiềm năng. Điều này cho thấy kịch bản lạm phát sẽ xảy ra trong tương lai, cũng như nhu cầu tất yếu là phải đảo ngược tình trạng thâm hụt.

Điều này trái ngược với những quan điểm tin tưởng hoặc hy vọng rằng chương trình đầu tư của chính phủ sẽ tăng cường sản lượng tiềm năng của kinh tế Mỹ, từ đó tăng trưởng phi lạm phát sẽ diễn ra nhanh hơn.

Nội dung chủ yếu của Bidenomics (chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden) là nâng cao năng suất lao động thông qua giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, đây là một kế hoạch dài hạn.

Trong ngắn hạn, cái gọi là "nút thắt cổ chai" nguồn cung có thể sẽ khiến lạm phát tăng lên. Do đó, chương trình nghị sự quá tham vọng là điều rất nguy hiểm, có thể dẫn đến sự chuyển hướng đột ngột của chính sách kinh tế và khiến nguy cơ suy thoái quay trở lại.

Hai kiến nghị cho chính quyền Biden

Theo các chuyên gia, sẽ có một lộ trình ổn định hơn dành cho nước Mỹ, nhưng dường như chính quyền của ông Joe Biden chưa dành nhiều sự quan tâm đối với hai kiến nghị.

Thứ nhất là bảo đảm việc làm của người Mỹ, tức là chính phủ nên hỗ trợ những người không tìm được việc ở khu vực tư nhân có việc làm, với mức lương cố định theo giờ không thấp hơn mức lương tối thiểu quốc gia.

Kế hoạch này có rất nhiều ưu điểm. Bảo đảm việc làm sẽ loại bỏ nhu cầu tính toán thiếu hụt sản lượng, bởi mục tiêu của kế hoạch không phải là nhu cầu sản lượng tương lai, mà là nhu cầu lao động trước mắt.

Ngược lại, điều này đã xác lập định nghĩa rõ ràng về toàn dụng lao động, tức là tất cả những người sẵn sàng, mong muốn và có thể làm việc đều có việc làm mới với mức lương cơ bản nhất định. Xét theo tiêu chuẩn này, hiện nay Mỹ đang thiếu việc làm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, các biện pháp bảo đảm việc làm là bộ đệm của thị trường lao động. Ví dụ, Đạo luật Humphrey-Hawkins năm 1978 của Mỹ cho phép chính quyền liên bang thiết lập việc làm trong khu vực công để giảm tỷ lệ thất nghiệp, phát triển các chính sách tiền tệ mới để kiềm chế lạm phát, và các biện pháp nhằm tăng tính thanh khoản cũng như việc làm của khu vực tư nhân.

Những nguồn "dự trữ việc làm" trong khu vực công như vậy có thể tăng giảm dựa trên sự phục hồi của khu vực kinh tế tư nhân, từ đó tạo ra tác dụng ổn định thị trường việc làm hiệu quả hơn so với bảo hiểm thất nghiệp.

Nhà nghiên cứu Pavlina R. Tcherneva của Đại học Bard cho rằng, bảo đảm việc làm cho người lao động sẽ đóng vai trò ổn định tăng trưởng kinh tế và giá cả.

Thứ hai là kế hoạch "thương mại tự do bù trừ" (Compensated Free Trade) của nhà kinh tế Vladimir Masch.

Theo kế hoạch "thương mại tự do bù trừ", nhà kinh tế Vladimir Masch đề cập đến chính sách để đạt được sự cân bằng thương mại, đó là đặt ra giới hạn trên đối với tổng thâm hụt thương mại quốc gia, đồng thời giới hạn tương ứng giá trị hàng hóa được phép nhập khẩu từ mỗi đối tác thương mại.

Chẳng hạn, hiện nay trong thâm hụt thương mại của Mỹ có khoảng 300 tỷ USD đến từ Trung Quốc, chiếm khoảng 50% tổng thâm hụt thương mại của Mỹ. Washington có thể hạn chế lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu hàng năm sang Mỹ không vượt mức 200 tỷ USD. Nếu Trung Quốc xuất khẩu nhiều hơn thì phải trả một khoản tiền phạt tương đương với phần vượt quá hạn ngạch.

Kể từ khi bước vào thiên niên kỷ mới, Mỹ đã mất hàng triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất, sau khi hoạt động sản xuất gia công dịch chuyển sang các nền kinh tế châu Á với chi phí lao động rẻ hơn. Thâm hụt tài khoản vãng lai mang tính kết cấu của Mỹ trung bình khoảng 5% GDP.

Một trong những mục tiêu chủ yếu của Chính quyền Tổng thống Joe Biden là xây dựng lại năng lực sản xuất của Mỹ.

Đại dịch Covid-19 đã khiến tất cả các nước phi công nghiệp hóa đồng tình với một quan điểm truyền thống rằng, họ nên dành các hợp đồng mua hàng thiết yếu cho các nhà sản xuất trong nước, và biện pháp thúc đẩy sản xuất tại Mỹ của ông Biden dường như cũng hưởng ứng phương châm "nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, kế hoạch tái cân bằng thương mại thông qua trợ cấp cho các nhà sản xuất trong nước, hoặc bằng thỏa thuận thương mại và hiệp định quốc tế của ông Biden dường như còn mơ hồ và thiếu sức thuyết phục.

Theo nhà kinh tế Vladimir Masch, "thương mại tự do bù trừ" sẽ kích thích các doanh nghiệp và việc làm bên ngoài quay trở lại nước Mỹ.

Ngoài ra, cơ chế này còn có thể chấm dứt cuộc chiến thương mại, bởi các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ sẽ tìm cách hạ thấp giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, để thu hẹp mức thâm hụt thương mại về mức được chấp thuận.

Các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách kích thích kinh tế cần chú ý nhiều hơn đến vấn đề tránh lạm phát, đồng thời đảm bảo cơ hội việc làm được tạo ra trong nước.

Chính quyền của ông Joe Biden nếu có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, thì sẽ tránh được các chính sách thắt lưng buộc bụng, đồng thời thúc đẩy toàn dụng lao động và năng lực sản xuất cần thiết để thực hiện mục tiêu này.

(theo Liên hợp Buổi sáng)