📞

Chuyên gia Đức lo ngại tác động tiêu cực của việc Mỹ giảm thuế

11:23 | 21/12/2017
Chính sách cải cách thuế của Mỹ tạo ra các nguy cơ đối với hoạt động đầu tư và thị trường việc làm của Đức. Đây là cảnh báo của một số chuyên gia kinh tế hàng đầu của Đức khi nhận định về những tác động tiêu cực của chính sách thuế mà Mỹ đang theo đuổi đối với nền kinh tế hàng đầu châu Âu và lớn thứ 4 trên thế giới này. 

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Washington, Mỹ, ngày 20/12 sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế sâu rộng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế (Ifo), ông Clemens Fuest đánh giá Washington đang đi theo xu hướng quốc tế, đó là theo đuổi chính sách giảm thuế và điều này sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh đối với hoạt động đầu tư và thị trường việc làm.

Nguyên nhân là do trong khi mức thuế trung bình của doanh nghiệp ở hầu hết các nước là thành viên của Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) hiện nay là 25%, các doanh nghiệp, tập đoàn Mỹ lại được hưởng mức thuế thấp hơn, chỉ 21% sau khi được điều chỉnh từ mức 35% theo dự luật thuế sửa đổi của Mỹ. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Universia)

Trong khi đó, Giám đốc Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI) Joechim Lang lưu ý thêm rằng những quy định đề cập trong dự luật thuế mới của Mỹ liên quan đến khấu hao và các hoạt động thương mại xuyên biên giới sẽ tạo ra những động lực đáng kể để thay đổi hoạt động và đầu tư của các doanh nghiệp vào Mỹ. Nói cách khác, Mỹ sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn, thu hút nhiều đầu tư hơn với lợi thế là những sửa đổi thuế mới. 

Trước thực tế này, nhà kinh tế trưởng của Liên đoàn Kỹ thuật Đức (VDMA), ông  Ralph Wiechers đã hối thúc Berlin cần có biện pháp ứng phó kịp thời bằng cách giảm gánh nặng tài chính cho các công ty đang hoạt động tại Đức nếu chính phủ liên bang muốn ngăn chặn làn sóng các doanh nghiệp và lao động tới Mỹ.

Ngoài biện pháp giảm thuế, ông Wiechers đề xuất có hình thức trợ cấp mới cho các nghiên cứu do các công ty vừa và nhỏ thực hiện. Chia sẻ nhận định trên, ông Lang cho rằng việc Mỹ thay đổi chính sách thuế đã đặt ra vấn đề cấp bách đối với Chính phủ Đức, đó là sửa đổi toàn diện hệ thống thuế của nước này. 

Về dự thảo luật cải cách thuế vừa được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 20/12 và đang chờ Tổng thống Trump ký ban hành, giới chức Mỹ hi vọng đây sẽ là yếu tố thu hút các công ty đa quốc gia của Mỹ trở về nước đầu tư và hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Mỹ, thay vì hoạt động ở nước ngoài để tránh những khoản thuế lớn theo quy định thuế hiện hành của nước này. Nhờ đó mà thị trường lao động Mỹ sẽ tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập của người lao động cũng tăng theo.

Tuy nhiên, cho đến nay, những người phản đối chính sách cải cách thuế cho rằng sau khi thu được lợi nhuận cao, các công ty sẽ sử dụng nguồn lợi nhuận này vào các mục đích khác, thay vì đầu tư phát triển kinh tế. Thực tế này đã từng xảy ra dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George Bush. Vào thời điểm đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua một luật cải cách thuế tương tự và các công ty sau đó đã đưa 312 tỷ USD tiền mặt về nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu sau đó cho thấy phần lớn số tiền này đã được huy động mua cổ tức, hơn là phục vụ hoạt động đầu tư. Chính vì lí do này, cho đến này, nhiều người hoài nghi tính hiệu quả của chính sách cải cách thuế đối với sự tăng trưởng kinh tế Mỹ. 

Trong phiên giao dịch đêm 20/12, chỉ số đồng USD trong rổ 6 ngoại tệ dự trữ đã giảm 0,14% xuống còn 93,313 điểm. Đồng Euro, bảng Anh và AUD của Australia đều tăng điểm so với USD, trong khi đồng Yen Nhật, France Thụy Sỹ và CAD của Canada đều mất giá trước đồng USD.

(theo TTXVN)