📞

Chuyên gia hàng đầu: Mặc ông Trump hù dọa, Trung Quốc vẫn tự tin đặt mức tăng trưởng 5% cho năm 2025

Hồng Anh 17:46 | 08/11/2024
Theo ông Zhang Ming, Phó giám đốc Viện Tài chính và Ngân hàng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ đặt lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 5% vào năm 2025 bất chấp lời đe dọa về việc tăng thuế quan trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.
Cú sốc thuế quan sau khi ông Trump đắc cử sẽ có thể gây tác động tiêu cực đáng kể đến tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2025, theo chuyên gia kinh tế Zhang Minh. (Nguồn: Youtube)

Ông Zhang Minh dự báo, cú sốc thương mại tiềm tàng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế vào đầu năm 2025, nhưng Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ lấy lại đà tăng trưởng vào cuối năm nay để đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế 60% tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu được bầu thêm một lần nữa.

"Cú sốc thuế quan sau khi ông Trump đắc cử sẽ có thể gây tác động tiêu cực đáng kể đến tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2025", ông Zhang Minh viết trong một bài báo được đăng trên kênh truyền thông xã hội WeChat cá nhân hôm thứ Tư.

Hiện tại, xuất khẩu đang chiếm khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, và Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Ở nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump từng phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đưa ra những lời cảnh báo đanh thép tới Bắc Kinh trong thời gian tranh cử như sẽ thu hồi Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Trung Quốc hay siết chặt các nhà sản xuất Trung Quốc thành lập nhà máy ở Mexico để trốn thuế ở Mỹ...

Quy chế PNTR là cơ chế đặc biệt mà Mỹ cấp cho một quốc gia để thiết lập quan hệ thương mại với Mỹ trên nền tảng bình đẳng. Quy chế này tương tự với Quy chế Tối huệ quốc (MFN), vốn được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhiều quốc gia khác sử dụng.

"Với kịch bản này, chính phủ Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng cường các chính sách kinh tế vĩ mô mở rộng để đạt được mức tăng trưởng khoảng 5%. Cụ thể, Bắc Kinh có thể đặt tỷ lệ thâm hụt tài chính trên GDP ở mức từ 4-5% vào năm 2025, tăng so với mục tiêu thâm hụt 3% được đặt ra vào tháng 3 năm nay", ông dự báo.

Ngoài ra, chính quyền trung ương cũng có khả năng phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt quy mô lớn để tạo điều kiện cho sự thay đổi.

Về chính sách tiền tệ, chuyên gia kinh tế hàng đầu tin rằng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có dư địa để cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc - lượng tiền mặt mà các ngân hàng thương mại phải nắm giữ làm dự trữ - và lãi suất, duy trì lập trường mở rộng cho đến khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt khoảng 2%.

CPI của Trung Quốc đã dao động quanh mức 0% kể từ tháng 3 năm ngoái, với chỉ số lạm phát chính chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 9/2024, sau khi phá vỡ mức 2% vào tháng 1/2023.

“Trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng xấu đi, chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực giảm nợ của chính quyền địa phương và thúc đẩy sự ổn định của thị trường bất động sản”, ông Zhang cho biết.

Ông cho biết thêm, các hạn chế mua bất động sản tại các đô thị loại 1 có thể được dỡ bỏ vào năm tới để ổn định giá nhà tại các khu vực đắc địa. Bắt đầu từ cuối tháng 9, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các biện pháp kích thích nhằm vào thị trường chứng khoán và nhà ở để thúc đẩy nền kinh tế trong nước đang trì trệ, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất quan trọng.

Giới quan sát theo dõi thị trường dự kiến ​​trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt sẽ được phát hành sau cuộc họp đang diễn ra của cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc - Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, kết thúc vào ngày 8/11.

(theo SCMP)