Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans. (Nguồn: HSBC) |
Ông Evans cho rằng, “không quốc gia nào làm tốt hơn Việt Nam” khi gặp khó khăn và trở ngại. Theo ông Evans, là một ngân hàng đã đồng hành với Việt Nam trong suốt 151 năm qua, HSBC hiểu rõ Việt Nam luôn có cách vượt qua mọi khó khăn và trở ngại. Điều này đã được lịch sử kiểm nghiệm.
Ông dự báo với kịch bản tích cực nhất, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ vào khoảng 5-5,5% và đạt 6,8% trong năm 2022. Ông Evans khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng đó và mặc dù Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn đầy thử thách, chúng tôi vẫn nhìn thấy viễn cảnh tích cực cho nền kinh tế này trong tương lai”.
Theo lãnh đạo HSBC Việt Nam, nhà chức trách đã xem xét vấn đề mở cửa trở lại nền kinh tế. HSBC cho hay, việc mở cửa này sẽ được đẩy mạnh từ tháng 10 tới. Tương lai kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và thời điểm mở cửa nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Evans cũng đưa ra cảnh báo trong một kịch bản khác, GDP sẽ tăng trưởng ở mức 3,5-4%, nếu chương trình tiêm vaccine triển khai không đủ nhanh, thời gian giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề và gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh: “Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại và triển khai một cách thận trọng, bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường khác, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và chúng tôi kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam”. Ông Tim Evans cũng tin rằng, ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống, hoạt động tiêu dùng sẽ khôi phục rất mạnh mẽ. Trước đó, khối nghiên cứu toàn cầu của HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam xuống 5,1%, phản ánh tác động nặng nề của làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, với năm 2022, họ lạc quan hơn với dự báo 6,8%.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai một số giải pháp cải cách nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Trong số các biện pháp đó, có việc gia tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ 10-12% lên 14-15% năm 2021.
Theo HSBC, nhà nước có thể xem xét nới rộng thêm hạn mức này nhằm hỗ trợ cho khối doanh nghiệp. Bằng cách này, các ngân hàng có thể cung cấp thêm khoản vay, khi mà giãn cách xã hội đã khiến doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu giảm lãi suất cho vay với các đối tượng là doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Với chính sách này, 16 ngân hàng thương mại đã tiến hành giảm lãi suất trên các khoản vay hiện tại để giải quyết khó khăn về dòng tiền cho các doanh nghiệp.
Việc mở cửa trở lại sẽ giải quyết khó khăn của chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp có thêm đơn hàng và dòng vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng được phục hồi. Những điều này có thể đạt được thông qua sự ổn định của Chính phủ, các chính sách nhất quán, nguồn nhân lực chất lượng, bền bỉ, một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và cam kết của chính phủ đầu tư 7% GDP vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong trung hạn, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Hiện tại, các doanh nghiệp Hàn Quốc, vốn quen thuộc với Việt Nam, vẫn đang tiếp tục đầu tư vào thị trường này.
Chẳng hạn, Samsung dự kiến mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nhằm tăng 47% sản lượng điện thoại màn hình gập lên 25 triệu chiếc. Một công ty khác là LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng.
Các lĩnh vực xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản cũng đang có tín hiệu tích cực khi ngày càng nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại sau chiến dịch tiêm chủng vaccine, cũng như sự gia tăng nhu cầu của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.
HSBC khẳng định: “Trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới, Việt Nam đang được hưởng lợi do xu hướng tự động hóa và số hóa phát triển mạnh trong thời gian dịch bệnh”.
Việt Nam đang rất sẵn sàng cho tương lai, với lượng dự trữ ngoại hối tăng cao, tiền tệ ổn định, lạm phát được kiểm soát, dòng vốn FDI tăng mạnh, đặc biệt là trong sản xuất. Với những điểm mạnh đó, HSBC dự báo, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2022, với triển vọng đáng tin cậy về lâu dài.
| Vì sao chuyên gia vẫn tin FDI khó rời Việt Nam, bất chấp tác động tiêu cực từ Covid-19? Theo nhận định của giới chuyên gia, việc dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dao động vào thời điểm dịch Covid-19 phức tạp là ... |
| Giám đốc điều hành COVAX: 'Cố gắng để không quốc gia nào không được tiếp cận vaccine giữa đại dịch’ Là Giám đốc điều hành Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu (COVAX) của Liên hợp quốc, bà Aurélia Nguyễn - người Pháp gốc Việt, ... |