Chuyên gia IMF đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. (Nguồn: Sputnik) |
Thông tin trên được ông Daniel Leigh đưa ra bên lề Hội nghị mùa Xuân của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF tại Washington, Mỹ.
Theo ông, nền kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 và cú sốc vào năm 2022, khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra. Sang đầu năm nay, đà phục hồi đang diễn ra tốt đẹp hơn, nhưng rồi thế giới lại phải chứng kiến sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ.
Những yếu tố nêu trên đã làm dấy lên nhiều bất ổn đối với triển vọng kinh tế thế giới. Vị chuyên gia này cho rằng, dự báo triển vọng năm nay sẽ chậm lại, từ 3,4% của năm 2022 xuống còn 2,8% vào năm 2023, trước khi dần phục hồi ở mức 3%.
Về kinh tế Việt Nam, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Vụ nghiên cứu Kinh tế thế giới của IMF đánh giá, đất nước này và phần lớn các nước thuộc châu Á là những điểm sáng của kinh tế thế giới năm nay.
Ông nói: "Trong một môi trường mà hầu hết kinh tế thế giới đang chậm lại châu Á, đặc biệt là các thị trường mới nổi đang tăng trưởng khá nhanh. Chẳng hạn như Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 6%, nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi khác.
Ngoài ra, lạm phát của khu vực này cũng thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Các ngân hàng trung ương tại châu Á đang thắt chặt chính sách để đưa lạm phát trở lại mục tiêu".
Vị chuyên gia này nhận định, mức tăng trưởng hơn 8% vào năm 2022 là một điểm sáng của khu vực. IMF vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho Việt Nam theo hướng tốt hơn kỳ vọng trước đó. Nguyên nhân một phần là sự phục hồi của Việt Nam sau Covid-19, một phần khác là sự chuyển hướng thương mại. Một số khoản đầu tư đang chuyển sang Việt Nam và đây cũng là một động lực cho Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Daniel Leigh cho hay, mặc dù tốc độ sẽ chậm lại nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức rất cao, dự kiến đạt 5,8% vào năm 2023 và sau đó là 6,9% vào năm 2024. Sự giảm tốc trên chủ yếu do các đối tác đang tăng trưởng yếu hơn.
Song song với đó, lạm phát ở Việt Nam cũng tương đối thấp, chỉ 3,15% vào năm 2022 và sẽ tăng lên 4,3% vào năm 2024.
Ông Daniel Leigh đưa ra một số khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những quý còn lại của năm nay và 5 năm tới. Đó là việc điều chỉnh, chống lạm phát như ở các quốc gia khác có thể gây căng thẳng trên thị trường nhà đất. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất có tình trạng như vậy.
Quan điểm của IMF là chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào việc kiểm soát lạm phát, chính sách tài khóa cần tiếp tục hướng tới mục tiêu hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Còn về ổn định tài chính, chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ ổn định thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng các công cụ cụ thể. Nhưng điều đó không nên làm xao lãng động thái tổng thể hướng tới ổn định lạm phát.
| Nhân dân tệ đạt 'kỳ tích ấn tượng' tại Moscow, liên minh Nga-Trung Quốc sẽ 'truất ngôi' USD? Sau khi phải hứng chịu các đòn trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây, Nga đã thực hiện một số điều chỉnh chiến ... |
| Không còn 'đau đầu' vì khủng hoảng năng lượng, Đức sở hữu 'bảo bối' gì? Những lo lắng về khủng hoảng năng lượng của Đức đã qua và nền kinh tế lớn nhất châu Âu được cho là sẽ phục ... |
| Kinh tế Ukraine bế tắc, cần hơn 400 tỷ USD hoặc nhiều nữa, Tổng thống Zelensky đang ‘ủ mưu’ gì? Trong cuộc họp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi thế giới ... |
| Kinh tế Việt Nam nỗ lực vượt khó Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, Quốc hội và Chính phủ đã chủ động, kịp thời ban ... |
| The Economist: Vị thế IMF bị lung lay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vốn được thành lập để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu. Trong gần 80 năm ... |