📞

Chuyên gia IOM: 'Tôi thấy nỗ lực nghiêm túc của Việt Nam nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư'

Thu Trang 06:30 | 14/07/2023
Đó là chia sẻ của ông Stuart Simpson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) với Báo Thế giới & Việt Nam khi đánh giá về việc thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Việt Nam trong những năm gần đây.
Ông Stuart Simpson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Di cư quốc tế. (Nguồn: IOM)

Xin ông chia sẻ một số ấn tượng về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự?

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có Kế hoạch triển khai quốc gia (NPA) về Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM). Tôi đánh giá cao vai trò tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc hiện thực hóa thỏa thuận GCM thông qua kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào ngày 20/3/2020.

Điều này cho thấy Việt Nam đã hợp tác hiệu quả như thế nào với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong các vấn đề di cư quốc tế, đồng thời cũng cho thấy cam kết của Chính phủ trong quản lý tốt hơn di cư quốc tế.

Năm 2022, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hơn 18 tỷ USD, đưa Việt Nam vào tốp ba quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nằm trong tốp 10 toàn cầu về lượng kiều hối. Vì vậy, Luật số 69/2020/QH14 về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (hay Luật 69) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đóng vai trò then chốt, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, cũng như bảo đảm tuyển dụng công bằng lao động di cư.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực nghiêm túc nhằm tạo ra môi trường di cư minh bạch, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, đồng thời thực hiện các hành động chống buôn bán người. Điển hình là việc triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó có các giải pháp, nhiệm vụ mới phòng, chống mua bán người trên mọi lĩnh vực.

Ông đánh giá thế nào về việc Việt Nam tích cực tham gia các cam kết quốc tế như Thoả thuận GCM?

GCM là thỏa thuận thương lượng liên chính phủ đầu tiên về di cư và là công cụ hiệu quả để các quốc gia thảo luận về cách tốt nhất để giải quyết các thách thức đối với việc di cư mà không ảnh hưởng đến quyền của người dân và chủ quyền của các quốc gia.

Bằng cách đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng GCM và thông qua Kế hoạch triển khai GCM, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình trong việc thúc đẩy hiểu biết chung, chia sẻ trách nhiệm và thống nhất mục đích để Thỏa thuận GCM hoạt động vì tất cả mọi người.

Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận GCM, do IOM và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức vào tháng 12/2022, thu hút nhiều đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ các cấp, các tổ chức, đoàn thể xã hội và viện nghiên cứu. Thống kê công bố tại hội nghị cho biết, 57 địa phương và 7 bộ, ngành của Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện GCM và đây là một thành tích đáng ghi nhận.

Ngoài thành công này, IOM tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hơn nữa để tăng cường hợp tác liên ngành trong tất cả các lĩnh vực của quản lý di cư, thúc đẩy di cư an toàn thông qua số liệu cụ thể và chia sẻ các thực tiễn tốt nhất trong việc thực hiện Thoả thuận GCM, giúp Việt Nam đạt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Lao động di cư nữ trong nước là một trong những đối tượng cần hỗ trợ. Ảnh minh họa. (Nguồn: baophunuthudo)

Hiện nay IOM đang triển khai nhiều dự án tại Việt Nam để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư an toàn và trật tự, giúp Việt Nam đạt được SDGs. Ông hãy nêu một số dự án nổi bật?

Tại Việt Nam, với vai trò là cơ quan hàng đầu của Liên hợp quốc (LHQ) về di cư, IOM hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ, đoàn thể xã hội, khu vực tư nhân và người di cư để tìm giải pháp cho vấn đề, hỗ trợ nhân đạo cho người di cư gặp khó khăn và thúc đẩy hợp tác giải quyết những thách thức liên quan.

"Bằng cách đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng GCM và thông qua Kế hoạch triển khai GCM, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình trong việc thúc đẩy hiểu biết chung, chia sẻ trách nhiệm và thống nhất mục đích để Thỏa thuận GCM hoạt động vì tất cả mọi người", ông Stuart Simpson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IOM, nhận định.

Để hỗ trợ cam kết của Việt Nam trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, dưới sự hỗ trợ của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, IOM phối hợp với các cơ quan Chính phủ và chính quyền địa phương để hiện thực hóa tiềm năng của họ trong việc giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của các cá nhân và cộng đồng đối với nô lệ thời hiện đại (TMSV), bao gồm thay đổi hành vi mua bán người thông qua truyền thông, tăng cường tiếp cận công lý, hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập với phương châm lấy nạn nhân làm trung tâm.

Từ 2018-2022, dự án đã nâng cao năng lực cho hơn 1.700 cán bộ làm công tác chống mua bán người, nâng cao nhận thức của hơn 2,93 triệu người về phòng chống mua bán người và di cư an toàn, đồng thời giúp 1.680 nạn nhân tiếp cận các cơ hội việc làm tại địa phương và tìm thấy con đường di cư lao động phổ thông.

IOM tự hào khi góp phần cải thiện khả năng tiếp cận của những người lao động với các kỹ năng thiết yếu như kỹ thuật số, kỹ năng mềm, xin việc, kinh doanh… ; giúp họ chuyển đổi môi trường làm việc kỹ thuật số; đồng thời thúc đẩy khả năng thích ứng và phục hồi trước sự thay đổi.

Đối với sáng kiến này, IOM phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cùng Microsoft phát triển và quảng bá nền tảng học tập điện tử congdanso.edu.vn. Sau gần hai năm hoạt động, nền tảng học trực tuyến mang lại lợi ích cho hơn 13.000 người học Việt Nam (khoảng 51% là phụ nữ), đặc biệt là lao động di cư trong nước.

Đồng thời, IOM hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật ở cấp trung ương và cấp tỉnh trong cuộc chiến chống mua bán người và đưa người trái phép qua biên giới, hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân tại địa phương, tăng cường chuyên môn, nguồn lực và nhân sự để triển khai và thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Điển hình là thông qua dự án “Nâng cao năng lực trong đấu tranh phòng, chống mua bán người cho cán bộ tuyến đầu biên giới” của IOM do Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, Bộ tài liệu “Đào tạo về phòng, chống mua bán người và Bảo vệ nạn nhân” cho sĩ quan bộ đội biên phòng tuyến đầu đã được phát triển. Tài liệu được Bộ Quốc phòng phê duyệt để tập huấn cho 436 sĩ quan ở 12 tỉnh biên giới, trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để chống mua bán người một cách hiệu quả.

Chúng tôi nỗ lực vận động, tuyển dụng có đạo đức nhằm bảo đảm quyền của người lao động di cư, cải thiện sức khỏe họ, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu. Chúng tôi hy vọng sớm hỗ trợ Việt Nam tăng cường cơ sở dữ liệu về mua bán người cũng như di cư quốc tế. Đồng thời, chúng tôi làm việc với các đối tác chính phủ để tăng cường khung pháp lý quản lý di cư theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự.

Hội nghị tổng kết Dự án và Lễ công bố Bộ tài liệu tập huấn về phòng chống mua bán người cho cán bộ tuyến đầu biên giới ngày 30/5. (Nguồn: IOM)

Hiện Việt Nam là Ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Ông kỳ vọng gì về những đóng góp của Việt Nam tại cơ quan này nhằm thúc đẩy hơn nữa quyền của người di cư?

Chúng tôi chúc mừng Việt Nam được bầu làm Ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là cơ hội tuyệt vời nhưng cũng đi kèm những trách nhiệm to lớn và chúng tôi hy vọng rằng, Việt Nam sẽ đi đầu trong việc thực hiện các tiêu chuẩn cao nhất về tôn trọng quyền con người cả ở trong nước và quốc tế, bao gồm quyền của người di cư.

Đây cũng là dịp để Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia đi đầu trong vận động cho các cách tiếp cận dựa trên quyền con người nhằm chống biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề di cư, đi kèm với trách nhiệm đưa ra báo cáo về việc thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã nhận được.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ đại diện cho khu vực ASEAN chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với các vấn đề quyền con người nảy sinh trên toàn thế giới, hợp tác đầy đủ với các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền, một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật và định hướng đóng góp vào SDGs của khu vực.

Tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đã và đang tác động không nhỏ đến quá trình di cư an toàn. Theo ông, chúng ta cần làm gì để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với di cư?

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) kết luận rằng các tác động của biến đổi khí hậu, kết hợp với sự gia tăng dân số nhanh chóng ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai khí hậu, có thể sẽ dẫn đến tình trạng di cư nhiều hơn trong tương lai và việc di dời dân cư lâu dài có thể ngày càng trở nên cần thiết.

Là một trong những quốc gia nằm ở lưu vực sông Mekong, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với tác động nặng nề của tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán nghiêm trọng, sụt lún đất và các tác động khí hậu khác.

Theo Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2020, 1,3 triệu người đã rời ĐBSCL trong thập kỷ qua do thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, cơ hội tạo thu nhập và đề phòng thiên tai. Chỉ riêng trong năm 2022, đã có khoảng 353.000 lượt di dời trong nước do thiên tai gây ra và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống và khả năng di chuyển của người dân, đặc biệt là nhóm dân số dễ bị tổn thương vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sinh kế chính. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy tỷ lệ di cư ra nước ngoài của ĐBSCL là 45%, cao nhất trong các vùng của cả nước, cao hơn gấp đôi tỷ lệ di cư ra nước ngoài trung bình của cả nước là 20%.

Chúng ta cần tạo ra một cơ chế hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội và các tổ chức khác để giải quyết vấn đề này và nâng cao nhận thức về di cư trước tác động của biến đổi khí hậu, trong đó bảo đảm những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất có thể đưa ra quyết định sáng suốt để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Về lâu dài, di cư bắt buộc có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, an toàn và sinh kế của đất nước, đồng thời đe dọa cuộc sống của các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

IOM đã và đang tiến hành các nghiên cứu về khả năng di cư của con người do biến đổi khí hậu ở trong nước và khu vực. Một số nghiên cứu do IOM thực hiện với sự hợp tác của các tổ chức khác đã chỉ ra rằng di cư tự nguyện có thể cải thiện tăng trưởng kinh tế, phúc lợi và khả năng chống chịu khí hậu của người dân nông thôn địa phương, người di cư và những người ở lại.

Tuy nhiên, hiện di cư và tái định cư vẫn còn hạn chế trong các cuộc tranh luận và chương trình nghị sự về phát triển. Do đó, Việt Nam nên bắt đầu thúc đẩy việc lồng ghép các vấn đề về biến đổi khí hậu, di cư và tái định cư, đồng thời đưa ra các chính sách và chiến lược phù hợp để giảm thiểu tác động của việc di dời dân cư.

Để đối phó với các tác động của khí hậu, di cư có thể bao gồm việc di dời chủ động như một chiến lược thích ứng đến di dời bắt buộc khi đối mặt với các rủi ro đe dọa tính mạng. Trong trường hợp này, chính phủ cần hỗ trợ những người có nguyện vọng ở lại quê hương lâu dài và an toàn nhất có thể thông qua đầu tư vào các biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng tại địa phương, bao gồm nâng cao năng lực hỗ trợ các tỉnh quản lý rủi ro môi trường và đất đai.

Các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cần được ưu tiên giải quyết để giảm thiểu rủi ro phải di dời và các thách thức khác liên quan đến suy thoái môi trường và thảm họa.

Mặt khác, khi người dân buộc phải di dời tránh các tác động của biến đổi khí hậu hoặc lựa chọn di cư như một hình thức thích ứng, chính phủ Việt Nam nên mở rộng khả năng tiếp cận bảo vệ những cá nhân và nhóm người phải di dời này.

Thông thường, những cá nhân có nguy cơ cao nhất là những người ít có khả năng chủ động di dời nhất. Các kế hoạch phục hồi và thích ứng phải xem xét khả năng tiếp cận, bảo vệ trẻ em, quyền của người khuyết tật, bình đẳng giới và nhu cầu bảo vệ cho các nhóm dân số trong các tình huống dễ bị tổn thương.

Để bảo đảm tính công bằng và hòa nhập, các cuộc tham vấn với các cá nhân và cộng đồng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu nên cung cấp thông tin về các phản ứng và kế hoạch của chính phủ nhằm giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với di cư. Bất kỳ kế hoạch tái định cư nào cũng phải tôn trọng và duy trì hộ gia đình, cộng đồng, sự gắn kết xã hội, quan hệ họ hàng và tránh chia cắt gia đình.

Điều quan trọng nữa là đầu tư vào việc tăng cường khả năng của các tổ chức chuyên ngành trong việc dự báo và thích ứng với các hình thức biến đổi khí hậu khác nhau để việc di cư có thể được lên kế hoạch hoặc trong một số trường hợp có thể tránh được.

Do đó, IOM sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai của cộng đồng, tập trung vào khía cạnh quản lý di dời. Giải quyết những thách thức về di cư đòi hỏi nỗ lực hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng ta cần tạo ra một cơ chế hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội và các tổ chức khác để giải quyết vấn đề này và nâng cao nhận thức về di cư trước tác động của biến đổi khí hậu, trong đó bảo đảm những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất có thể đưa ra quyết định sáng suốt để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

(thực hiện)