Bài viết của chuyên gia ASEAN Kavi Chongkittavorn về ông Vũ Khoan trên tờ Thai PBS World. (Ảnh chụp màn hình) |
Cuối năm 1994, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan dẫn đầu đoàn công tác tới Ban Thư ký ASEAN có trụ sở tại Jakarta. Lúc ấy, ông Vũ Khoan thực hiện một nhiệm vụ quan trọng, đó là tìm hiểu về ASEAN trước khi Việt Nam đưa ra quyết định mang tính lịch sử rằng có tham gia trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN hay không.
Chuyên gia ASEAN Kavi Chongkittavorn, khi đó là trợ lý đặc biệt của Tổng Thư ký ASEAN đã ghi lại những câu hỏi và quan điểm của ông Vũ Khoan trong cuộc họp kéo dài 1,5 tiếng với các quan chức cấp cao của Ban Thư ký.
Một trong số những câu hỏi đầu tiên mà ông Vũ Khoan đưa ra là “Đâu là những lợi ích khi là thành viên của ASEAN?” hay “Có bao nhiêu hiệp định, thỏa thuận mà Việt Nam phải tham gia và tuân thủ khi gia nhập?”… Ông Vũ Khoan rất tò mò về các quy tắc, quy định trong ASEAN.
Các câu hỏi của ông Vũ Khoan cũng tập trung vào mối quan hệ đối ngoại của khối, khi Việt Nam đang thúc đẩy vị thế của mình trong khu vực và quốc tế. Gần cuối buổi, ông Vũ Khoan còn gửi một loạt câu hỏi để Ban thư ký trả lời sau.
Theo chuyên gia Kavi Chongkittavorn, trong mắt những người làm về ASEAN, ông Vũ Khoan nổi tiếng là nhà đàm phán có phong thái nhẹ nhàng nhưng lập luận cứng rắn. Nhà ngoại giao Việt Nam nói tiếng Anh trôi chảy, đầu óc nhanh nhạy và phản ứng linh hoạt.
Việc Việt Nam gia nhập ASEAN là một tiền lệ chưa từng có đối với ASEAN lúc bấy giờ, nhiều người còn bày tỏ sự nghi ngại về việc Việt Nam có thể hòa nhập ASEAN hay không. Nhưng rõ ràng, Việt Nam đã làm rất tốt, sau 28 năm, Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên đi đầu trong ASEAN.
Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, ông Vũ Khoan tham gia cùng các quan chức cấp cao khác bàn bạc về các mặt hợp tác trong ASEAN. Tại một cuộc họp quan chức cấp cao ở Brunei Darussalam, nước đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 1995, ông Vũ Khoan là người đã giúp các đồng nghiệp ASEAN khác thống nhất tên viết tắt của Hội nghị Á-Âu (ASEM).
Trong cuộc thảo luận kéo dài hai ngày, các quan chức ASEAN không thể nhất trí về từ viết tắt AEM của hội nghị, vì từ này trùng lặp với từ viết tắt của Cuộc họp Kinh tế ASEAN. Cuối cùng, ông Vũ Khoan đề xuất viết tắt của Hội nghị Á-Âu là “ASEM”. Theo ông Vũ Khoan, từ viết tắt này sẽ giải quyết được vấn đề. Ở Việt Nam, các từ viết tắt thường sử dụng hai chữ cái đầu của tên hoặc chức danh.
Có một khoảng dừng tại cuộc họp và sau đó người chủ trì cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN hỏi liệu có bất kỳ sự phản đối nào không. Lại một khoảng lặng tiếp đó. Chủ tọa sau đó thông báo rằng không có phản đối. Đó là một khoảnh khắc đáng nhớ trong biên niên sử về sự phát triển của ASEAN.