📞

Chuyên gia kinh tế Ireland Alan Barrett: Việt Nam đã có những bước tiến lớn về kinh tế

Trần Liễu 08:57 | 02/11/2023
Việt Nam đã tận dụng tốt những lĩnh vực mà mình có lợi thế. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều thách thức. Việt Nam có thể cần phải suy nghĩ về việc nâng cao trình độ người lao động để thu hút FDI dựa trên kỹ năng.
Giáo sư, Tiến sĩ Alan Barrett. (Nguồn: USSH Media)

Trong chuyến công tác mới đây tới Việt Nam, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Ireland (ESRI), Giáo sư Alan Barrett (*) đã dành cho Báo Thế giới & Việt Nam một bài trả lời phỏng vấn độc quyền. Ông đưa ra những nhận định về kinh tế Việt Nam, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế của đất nước Ireland trong quá trình chuyển đổi kinh tế suốt 50 năm qua.

Xin chào Giáo sư Alan Barrett. Trước hết, xin cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Thế giới & Việt Nam. Được biết, đây là chuyến công tác đầu tiên của ông tới Việt Nam. Cảm nhận của ông về Việt Nam như thế nào?

Vâng, đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và thật tuyệt vời khi được thảo luận với các đồng nghiệp về nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng và phát triển như thế nào trong những năm gần đây.

Trong chương trình hoạt động tại Việt Nam, Giáo sư đã có buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế của Ireland với Việt Nam”. Tại sao ông chọn chủ đề này trong thời điểm hiện tại?

Ireland đã trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế trong 50 năm qua. Đất nước chúng tôi đã chuyển từ một trong những nền kinh tế nghèo nhất châu Âu trở thành một trong những nền kinh tế giàu có hơn. Phần lớn sự chuyển đổi này liên quan việc định hướng lại chính sách kinh tế.

Theo đó, các chính sách bảo hộ hướng nội được thay thế bằng các chính sách nhấn mạnh đến thu hút đầu tư nước ngoài và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Mô hình tăng trưởng của Ireland có xu hướng được cộng đồng quốc tế quan tâm và rõ ràng đây là trường hợp tương tự Việt Nam hiện nay.

Giáo sư, Tiến sĩ Alan Barrett trong buổi nói chuyện cùng sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 10/2023. (Nguồn: USSH Media)

Kể từ sau Đổi mới (1986), kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với thành tích đáng kể trong xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lương thực và các sản phẩm thế mạnh như dệt may, da giày, nông thủy sản… hay thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Là chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ireland, Giáo sư nhận định như thế nào về quá trình phát triển đó của Việt Nam? Theo Giáo sư, đâu là thế mạnh cũng như thách thức đối với kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay?

Tôi không thể tự nhận mình là chuyên gia về Việt Nam nhưng khi tìm hiểu về nền kinh tế trước chuyến thăm, tôi thấy, rõ ràng, Việt Nam đã có những bước tiến lớn. Và như câu hỏi của bạn gợi ý, Việt Nam đã tận dụng tốt những lĩnh vực mà mình có lợi thế so sánh.

Tuy nhiên, nhìn về phía trước, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức mà tất cả các quốc gia khác đều gặp phải như giữ vững và nâng cao thành quả tăng trưởng kinh tế, cũng như xử lý mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và vấn đề gia tăng phát thải khí nhà kính.

Như trên ông nói, vài thập niên qua, Ireland đã phát triển vượt bậc, chuyển từ nền kinh tế nhỏ dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế dựa trên dịch vụ hiện đại và cởi mở, với thành tích đáng kể trong thu hút FDI. Theo Giáo sư, thực tế này ở Ireland có điểm tương đồng nào với Việt Nam? Và đất nước chúng tôi có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm thành công của Ireland?

Có lẽ những bài học quan trọng nhất liên quan đến các giai đoạn sau của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đối với nhiều quốc gia, làn sóng FDI ban đầu dựa trên chi phí lao động thấp và tính chất công việc với yêu cầu kỹ năng tương đối thấp.

Tất nhiên, đây là điều tích cực so với tình trạng không có việc làm của người lao động. Tuy nhiên, theo thời gian, tham vọng sẽ tăng lên. Đó là, FDI cần mang lại nhiều việc làm chất lượng cao hơn, hàm lượng tri thức cao hơn.

Vấn đề này thực sự cần thiết để thỏa mãn mong muốn nhiều sinh viên Việt Nam thông minh mà tôi đã gặp ở Hà Nội trong chuyến công tác. Nhưng Việt Nam cũng có thể cần phải suy nghĩ về việc nâng cao trình độ học vấn một cách tổng quát hơn - như Ireland đã làm - để thu hút FDI dựa trên kỹ năng.

Ngày nay, Ireland là điểm đến của giáo dục đại học chất lượng cao, trung tâm đổi mới công nghệ và dẫn đầu về dược phẩm. Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam hiện rất chú trọng phát triển. Theo Giáo sư, kinh nghiệm thành công của Ireland có điểm nào phù hợp với Việt Nam? Việt Nam nên có những giải pháp gì để khắc phục hạn chế và phát huy thế mạnh của mình?

Như tôi đã đề cập ở trên, cần có trình độ học vấn cao của người dân để đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Điểm thứ hai, cụ thể hơn đối với dược phẩm, liên quan đến môi trường pháp lý.

Ireland đã được hưởng lợi từ việc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vì việc cấp phép dược phẩm được thực hiện ở cấp EU. Các công ty dược phẩm cần sự chắc chắn về việc cấp phép và các khía cạnh pháp lý khác trong ngành của họ, vì vậy, việc có các tổ chức mạnh mẽ và được tôn trọng là điều then chốt.

Ông có thể chia sẻ về mục tiêu và kết quả chuyến công tác đầu tiên này tới Việt Nam?

Hy vọng của tôi trong chuyến công tác là tìm hiểu về Việt Nam từ các nhà kinh tế đồng nghiệp và những người khác, đồng thời truyền đạt một số bài học từ câu chuyện kinh tế của Ireland - cả những thành công và thất bại.

Tôi nghĩ mục tiêu trong chuyến thăm của tôi rất phù hợp với một trong những mục tiêu chính của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam - tăng cường tương tác và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn giữa Ireland và Việt Nam.

Xin cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Alan Barrett!


(*) Giáo sư, Tiến sĩ Alan Barrett hiện là Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Kinh tế và xã hội Ireland (ESRI) - trung tâm hàng đầu của Ireland về nghiên cứu khoa học xã hội theo định hướng chính sách. Ông là người thường xuyên được mời trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vấn đề kinh tế và được trích dẫn trên các tờ báo như The New York Times, The Wall Street Journal The Economist.