📞

Chuyên gia lý giải lập trường của Ấn Độ trong xung đột Nga-Ukraine

Minh Vương 10:00 | 12/03/2022
Chuyên gia về Ấn Độ và an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Viện Hudson (Mỹ), TS. Satoru Nagao đã chia sẻ với TG&VN về lập trường của Ấn Độ trong xung đột Nga-Ukraine.
Nga và Ấn Độ có quan hệ hợp tác chặt chẽ trên nhiều mặt, đặc biệt là quốc phòng. Trong ảnh: Binh sĩ Ấn Độ và Nga trò chuyện trong tập trận năm 2017. (Nguồn: RIA)

TS. Satoru Nagao cho rằng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định các bên liên quan cần giải quyết vấn đề thông qua đối thoại hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, New Delhi đã không tỏ thái độ gay gắt với Moscow sau khi chính quyền Tổng thống Vladimir Putin mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Đồng thời, Ấn Độ cũng bỏ phiếu trắng về dự thảo liên quan đến chiến dịch này tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/3.

Theo TS. Satoru Nagao, Nga là đối tác đặc biệt quan trọng với Ấn Độ. Hơn một nửa vũ khí, thiết bị quốc phòng nước này dựa đến từ Nga.

Hầu hết các vũ khí của Ấn Độ được sử dụng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên đối mặt nguy cơ hỏng hóc. Do đó, Ấn Độ cần bộ phận thay thế, sửa chữa từ Nga.

Quan trọng hơn, lá phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Moscow đóng vai trò đặc biệt quan trọng với New Delhi, nhất là trong các chiến dịch tiêu diệt các phần tử khủng bố ẩn náu tại biên giới Ấn Độ-Pakistan.

Năm 2016, đặc nhiệm Ấn Độ đã tấn công một số căn cứ của các phần tử khủng bố trong khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Năm 2019, không quân Ấn Độ cũng ném bom các cơ sở được cho là sào huyệt của lực lượng khủng bố trên lãnh thổ Pakistan.

Trong tương lai, Ấn Độ có thể triển khai một chiến dịch quy mô hơn nữa để đối phó với các mối đe dọa này. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng cộng đồng quốc tế sẽ lên tiếng. Khi đó, Ấn Độ cần sự ủng hộ, như cách Moscow thời Liên Xô cũ từng bỏ phiếu ủng hộ New Delhi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971.

Ngoài ra, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Ấn Độ và Liên Xô cũ, nay là Nga, vẫn rất sâu sắc và có ảnh hưởng lớn trong chính trị nội bộ tại quốc gia Nam Á. Đây là lý do đằng sau lá phiếu trắng của Ấn Độ trong phiên bỏ phiếu ngày 2/3.

Tuy nhiên, TS. Satoru Nagao cũng cho rằng về dài hạn, xu hướng này có thể sẽ thay đổi.

Trong giai đoạn gần đây, Ấn Độ đã đa dạng hoá kho vũ khí khi nhập khẩu thêm nhiều khí tài chiến lược từ Mỹ, Anh, Pháp và Israel, thay vì chỉ dựa vào Nga như trước. Nếu như chỉ 10 năm trước, vũ khí Nga chiếm tới 85% tổng khí tài trong quân đội Ấn Độ thì tới năm 2019, con số này đã giảm xuống dưới 40%.

Hiện Nga vẫn là nhà cung cấp và bảo trì vũ khí lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, trong tương lai, điều này chắc chắn sẽ thay đổi và kèm theo đó là lập trường chính trị của New Delhi về quan hệ với Moscow.

Ngoài ra, Mỹ cũng dần thay đổi thái độ với các chiến dịch chống khủng bố của Ấn Độ trên đất Pakistan. Các tuyên bố chung Mỹ-Ấn, Nhật-Ấn và cuộc họp Ngoại trưởng Bộ tứ trong tháng qua cũng ủng hỗ nỗ lực chống khủng bố của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Moscow đang củng cố quan hệ với Bắc Kinh, vốn được New Delhi coi là mối đe dọa an ninh lớn nhất.

Đồng thời, Nga cũng tiếp tục xuất khẩu vũ khí sang Pakistan, trong đó có trực thăng tấn công MI-35. Động cơ của máy bay chiến đấu JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất là động cơ của Nga.

Do đó, trong tương lai, quan hệ Nga-Ấn Độ sẽ chứng kiến nhiều thay đổi so với trước.