Với tiêu đề “Việt Nam dễ bị tổn thương: Một câu chuyện bằng ảnh về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long”, những hình ảnh chân thực về tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ được trình chiếu vào tháng 6 tại Mỹ.
Nhà nghiên cứu môi trường người Mỹ Lione Clare trong chuyến khảo sát tại miền Nam Việt Nam. (Nguồn: KCAW) |
Sau khóa học của mình tại trường Đại học Montana, Lione Clare đã quyết định dành một tháng ở miền Nam Việt Nam để nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với con người và hệ sinh thái nông nghiệp.
Để kể lại một câu chuyện sinh động bằng hình ảnh, Lione Clare đã chụp rất nhiều hình ảnh để làm tư liệu. Cô sẽ thảo luận về những hình ảnh này cùng với những phát hiện trong chuyến đi của mình trong buổi thuyết trình.
"Đề tài về biến đổi khí hậu đã được tôi tập trung nghiên cứu từ khi học ở trường nhưng thực sự chỉ khi đến Việt Nam tôi mới thấy biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến một khu vực như thế nào", Lione Clare chia sẻ.
Theo dự báo, đến năm 2030, khoảng 45% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn do nước biển dâng và hiện tượng xâm nhập mặn, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia cũng như khu vực.
"Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những nguy cơ tổn thất rõ rệt, ảnh hưởng nhiều nhất là khu vực sản xuất nông nghiệp. Đã đến lúc, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cần có những giải pháp chủ động, phù hợp và kịp thời", Clare khuyến nghị.