📞

Chuyên gia Nga đánh giá các đợt nắng nóng sẽ gia về tăng cường độ và tần suất

17:58 | 08/07/2024
Gần đây, thủ đô Moscow của Nga thường xuyên ghi nhận các hiện tượng thời tiết cực đoan như sương giá nghiêm trọng, nắng nóng bất thường, tuyết rơi dày đặc và mưa lớn nhiệt đới.
Một người đàn ông nằm gần đài phun nước trong công viên khi thời tiết nắng nóng ở Moscow, Nga, ngày 2/7. (Nguồn: Reuters)

Dẫn lời chuyên gia về các vấn đề khí hậu của Quỹ “Thiên nhiên và con người”, ông Alexey Kokorin cho biết, biểu hiện rõ ràng nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan là những đợt nắng nóng mà người dân thủ đô Moscow đang phải trải qua.

Nếu ở thế kỷ XIX, những làn sóng nhiệt mạnh xảy ra 50 năm một lần thì bây giờ khoảng cách rút xuống còn 10 năm hoặc thậm chí ngắn hơn.

Dự báo cho thấy, rõ ràng trong khoảng 40 năm nữa những hiện tượng này sẽ xảy ra nhiều gấp 3 lần so với hiện tại. Nghĩa là, nắng nóng cực độ sẽ xảy ra 3 năm 1 lần.

Thống kê gần đây cho thấy trong 40 năm qua, các đợt nắng nóng đã trở nên thường xuyên hơn gấp rưỡi. Ví dụ, nếu trước đây có 60 đợt mỗi năm trên khắp thế giới thì bây giờ con số này có thể lên tới 90.

Chuyên gia Alexey Kokorin cho biết, khoa học đã chứng minh rằng, việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt đóng vai trò chủ đạo dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.

Và những loại nhiên liệu này sẽ còn được sử dụng ít nhất 50 năm nữa. Vì vậy, cần đặt ra nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về biện pháp đối phó, chuyên gia chỉ ra hai biện pháp cơ bản, thích ứng và giảm phát thải cho cả cấp quốc gia và cá nhân.

Ở cấp độ hộ gia đình, một giải pháp thích ứng là mua máy điều hòa không khí cho người thân lớn tuổi đang phải chịu đựng những đợt nắng nóng hoặc thậm chí tốt hơn là chuyển họ rời thành phố về nông thôn sống.

Ở cấp độ thành phố, đó là xác định cây nào không chịu được gió giật mạnh cần chặt bỏ nhưng phải thay thế bằng những cây mới có khả năng chống chịu gió mạnh.

Về cách giảm khí thải, chuyên gia Alexey Kokorin cho biết, dù không thể tác động đến việc một nhà máy điện vận hành bằng than, khí đốt hay năng lượng Mặt trời, song mỗi người đều có thể đóng góp bằng cách tiết kiệm hơn trong tiêu thụ điện, nước, thực phẩm - không mua hoặc vứt đồ “thừa” đi.

Chuyên gia khuyến khích người dân ủng hộ chính quyền và doanh nghiệp thực hiện các dự án thân thiện với môi trường, gây hại tối thiểu cho môi trường. Ví dụ, thay vì làm đường xuyên qua rừng thì làm đường chạy theo bìa rừng để giữ nguyên thiên nhiên nhất có thể.

(theo TTXVN)