📞

Chuyên gia Nga nói về cách chế tạo đạn xuyên giáp mới, có khả năng giảm thanh

BQT 10:37 | 06/04/2020
TGVN. Viện nghiên cứu TsNIItochmash đã phát triển loại đạn xuyên giáp mới, có khả năng giảm thanh, Tập đoàn nhà nước Rostec (Nga) cho biết. Chuyên gia quân sự, nhà sử học về vũ khí Maxim Popenker đã nói về tính năng của sản phẩm mới này trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Súng lục Udav được trang bị cho quân đội Nga. (Nguồn: Sputnik)

Viện nghiên cứu kỹ thuật chính xác Trung ương TsNIItochmash thuộc Tập đoàn nhà nước Rostec đã phát triển loại đạn xuyên giáp giảm thanh mới. Đạn cỡ nòng 9 milimet có khả năng xuyên qua áo giáp chống đạn hạng nhẹ, được thiết kế cho súng lục Udav.

Trước đây, đạn giảm thanh không thể xuyên thủng lớp áo giáp chống đạn hạng nhẹ do tốc độ bay thấp - khoảng 200-300 mét mỗi giây. Đạn bay với tốc độ 400 mét mỗi giây có thể làm việc này, nhưng lại không thể giảm thanh.

Để giải quyết bài toán này, các nhà phát triển của TsNIItochmash đã tăng khối lượng viên đạn và chế thêm mũi nhọn ở đầu phía trước. Do đó, viên đạn bắn giảm thanh, không phát lửa và duy trì được sức mạnh xuyên giáp.

Maxim Popenker, chuyên gia quân sự, nhà sử học vũ khí, người lập ra bách khoa toàn thư trực tuyến về vũ khí nhỏ thế kỷ XX và XXI, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik đã đánh giá cao phát triển mới này.

"Loại đạn này cần thiết để sát thương mục tiêu mặc áo giáp chống đạn hạng nhẹ, cũng như ẩn nấp sau một số chướng ngại vật, ví dụ như cửa xe, hàng rào cứng có thể ngăn chặn đạn súng lục bình thường.

Đạn mới này có gì đặc biệt? Để đạt được khả năng xuyên giáp tốt nhất, đạn bắn ra phải có tốc độ cao và để giảm thanh, vận tốc bay phải nhỏ hơn tốc độ âm thanh. Các kỹ sư của TsNIItochmash đã tạo ra viên đạn nặng, tốc độ cận âm tương đối chậm, lõi xuyên giáp hình dạng đặc biệt. Thông thường lõi xuyên giáp có dạng kim hoặc đinh, đầu hơi tù, nhưng các chuyên gia Nga đã phát triển lõi dưới dạng hình côn, hai cạnh, không đẩy các sợi áo giáp ra ngoài, mà cắt chúng - giải pháp này khá hiệu quả, độc đáo, cho phép súng ngắn bắn giảm thanh tiêu diệt mục tiêu, ví dụ như những kẻ khủng bố hoặc kẻ cướp có vũ trang nguy hiểm", ông Maxim Popenker nhận xét.

(theo Sputnik)