📞

Chuyên gia Nga: Xung đột biên giới Trung Quốc-Ấn Độ không phải là mâu thuẫn chính

Văn An 11:34 | 27/06/2021
Các chuyên gia có ý kiến khác nhau về khả năng Trung Quốc- Ấn Độ sớm giải quyết những mâu thuẫn giữa hai nước, cụ thể là tranh chấp lãnh thổ.
Trung Quốc tăng gấp đôi vị trí quân sự dọc biên giới với Ấn Độ trong 3 năm qua.

Theo chuyên gia Alexei Kupriyanov, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Kinh tế Quốc tế và Quan hệ Đối ngoại của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IMEMO RAS), đối với Ấn Độ, điều quan trọng là hợp tác với các quốc gia quan tâm đến việc kiềm chế Trung Quốc - Australia, Nhật Bản và Mỹ.

Phát biểu trên trong hội nghị trực tuyến "Yếu tố Trung Quốc trong quan hệ Nga-Ấn" do Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai tổ chức, ông Kupriyanov nói: "Xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc không mang tính sống còn, bởi vì hai quốc gia này, hai nền văn minh này đã cùng tồn tại trong 3 nghìn năm và sẽ cùng tồn tại trong tương lai.

Những gì đang xảy ra trong quan hệ giữa hai nước chỉ là một giai đoạn ngắn trong lịch sử lâu dài của họ. Tôi tin rằng, nếu New Delhi và Bắc Kinh thực sự có ý muốn thì những vấn đề này sẽ sớm được giải quyết để làm hài lòng cả hai bên".

Trong khi đó, bà Rajeswari Pillai Rajagopalan, Giám đốc Trung tâm An ninh, Chiến lược & Công nghệ (CSST) tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát-ORF (Ấn Độ), cho rằng, căng thẳng trong quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh đã duy trì trong gần 30-40 năm, hai bên đang sử dụng nhiều hình thức khác nhau để giải quyết vấn đề, bao gồm cả cuộc đàm phán của hai vị thủ tướng.

Bà phân tích: "Tôi nghĩ rằng, sẽ không dễ dàng để giải quyết xung đột này. Chúng tôi có thể nói rằng, các xung đột biên giới không phải là điểm xung đột chính giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Điều tương tự cũng áp dụng cho Kashmir và Pakistan. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong số những vấn đề tồn tại giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tranh chấp này chỉ là một triệu chứng của những vấn đề lớn hơn đang tồn tại giữa hai nước".

Theo chuyên gia này, Trung Quốc muốn bá chủ trong khu vực, trong khi Ấn Độ muốn để các nước khác ở châu Á cũng trỗi dậy về mặt kinh tế.

(theo Sputnik)