Diễn biến tình hình an ninh ở Haiti đang xấu đi nhanh chóng do sự hoành hành của các băng nhóm tội phạm. (SBS News) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Đức quyết không cấp Taurus cho Ukraine: Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, phải có sự hiện diện của quân nhân nước này nếu muốn cung cấp một hệ thống vũ khí có khả năng tấn công tầm xa như Taurus cho Ukraine nên "điều này là không thể”.
Mô tả cuộc tranh luận về khả năng chuyển giao tên lửa tầm xa cho Ukraine là “kỳ quặc”, ông Scholz nói rằng, Đức không thể cung cấp cho Ukraine một vũ khí có tầm bắn tới 500 km, trong bối cảnh không biết sử dụng đúng cách, nó có thể tấn công một mục tiêu nào đó ở Moscow. (NTV)
Tin liên quan |
Vụ vượt ngục gây 'sốc' và mối quan hệ với các băng đảng khét tiếng ở Haiti |
* Ukraine hy vọng nhận được 18 tỷ USD hỗ trợ quân sự từ 7 nước phương Tây là Đức, Anh, Canada, Đan Mạch, Italy, Hà Lan và Pháp, theo các thỏa thuận an ninh song phương đã được ký kết với thời hạn 10 năm trở lên.
Nước này cũng đang liên tục xây dựng các công sự, với khoảng hơn 500 triệu USD được 'bơm' vào việc này trong năm 2024. (Fakty)
* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thay thế các lãnh đạo quân sự nhằm đưa những "chỉ huy chiến đấu thực tế" từ chiến trường tham gia vào việc xây dựng các quyết sách. Tuy nhiên, ông không tiết lộ cụ thể về các thay đổi nhân sự lãnh đạo. (Telegram)
* Ukraine thừa nhận tấn công cầu đường sắt của Nga ở khu vực Samara vì cho rằng, Moscow sử dụng cây cầu này để vận chuyển quân đội và thiết bị cho Chiến dịch quân sự đặc biệt.
Theo cơ quan Tình báo quân sự Ukraine, thiệt hại do vụ nổ gây rai sẽ khiến tuyến đường này ngừng hoạt động trong "một thời gian dài", song hãng thông tấn TASS đưa tin, giao thông trên tuyến đã được khôi phục. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: Kiev tuyên bố làm nổ tung cây cầu đường sắt Nga, Tổng thống Zelensky lại 'thay máu' quân đội |
Châu Âu
* EU sẽ "tuyệt tình" với khí đốt của Nga quá cảnh qua Ukraine từ năm 2025, theo thông tin từ Ủy viên phụ trách năng lượng Kadri Simson của Liên minh châu Âu (EU).
Ông Simson nói: “EU không quan tâm đến việc gia hạn thỏa thuận về khí đốt với Nga (sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024), nhưng chúng tôi đang nghiên cứu khả năng sử dụng khí đốt của Kiev và hệ thống vận chuyển khí đốt, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Ukraine".
Theo bà Simson, Ủy ban châu Âu đang xem xét nhiều dự án khác nhau để cung cấp ngược thông qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine, chẳng hạn như tới Moldova, nước cũng “có ý định từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga”. (RBC)
* NATO tập trận ở Bắc Âu, Nga cảnh giác: Ngày 4/3, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo cuộc tập trận quân sự quy mô trên lãnh thổ Bắc Âu để đối phó tình hình căng thẳng leo thang ở châu Âu,giữa lúc cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ 3.
Cuộc tập trận mang tên "Phản ứng của Bắc Âu 2024" sẽ có sự tham gia của hơn 20.000 binh sĩ, tới từ 13 quốc gia, do Na Uy dẫn đầu. Đây là lần Phần Lan tham gia lớn nhất với hơn 4.000 binh sĩ tham gia.
Trước động thái này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho hay, Moscow đang giám sát và đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo khả năng phòng thủ của mình.
Đánh giá, “Phản ứng của Bắc Âu 2024 mang tính chất đối đầu và khiêu khích”, ông Grushko đồng thời cho biết thêm, bất kỳ cuộc tập trận nào, đặc biệt là gần đường dây liên lạc đều “làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố quân sự”. (Anadolu, TASS)
* EU đề xuất gói thúc đẩy quốc phòng đầy tham vọng: Ngày 5/3, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất một chương trình công nghiệp quốc phòng mới đầy tham vọng, trị giá 1,5 tỷ Euro (1,63 tỷ USD), được trích từ ngân sách EU trong giai đoạn từ năm 2025-2027.
Chương trình kêu gọi 27 quốc gia thành viên mua chung ít nhất 40% số thượng trang thiết bị quốc phòng trước cuối năm 2030 nhằm mục đích nâng giá trị thương mại quốc phòng nội khối chiếm ít nhất 35% thị trường quốc phòng EU.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Magrethe Vestager nhấn mạnh: “Chúng ta cần đạt được sự cân bằng xuyên Đại Tây Dương một cách đúng phù hợp, bất kể động lực bầu cử ở Mỹ. Chúng ta phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính mình, trong khi, tất nhiên, vẫn toàn tâm toàn ý với NATO".
Theo và Vestager, việc nâng cao khả năng hành động "sẽ khiến chúng ta trở thành một đồng minh mạnh mẽ hơn”. (AFP)
* Nga cảnh báo Đức về đoạn ghi âm bị rò rỉ: Ngày 5/3, chính phủ Đức kịch liệt bác bỏ cáo buộc rằng, đoạn ghi âm, bị nhà báo Nga tiết lộ, về cuộc trò chuyện của các sĩ quan quân đội cấp cao Đức là dấu hiệu cho thấy Berlin đang chuẩn bị cho cuộc chiến chống Nga.
Một người phát ngôn của Thủ tướng Đức khẳng định, vụ rò rỉ là một phần trong “cuộc chiến thông tin” của Nga chống phương Tây và mục đích là tạo ra sự bất hòa trong nội bộ quốc gia.
Chính phủ Đức đang tìm cách ngăn chặn hậu quả ở trong nước liên quan vụ rò rỉ và cam kết sẽ điều tra nhanh chóng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cảnh báo: “Nếu không làm gì và người dân Đức không ngăn chặn điều này thì trước hết sẽ có những hậu quả thảm khốc đối với chính nước này". (Washington Post)
TIN LIÊN QUAN | |
20.000 quân NATO đổ bộ đến Bắc Âu, Nga theo dõi sát, sẵn sàng 'mọi phương tiện cần thiết' |
Châu Á-Thái Bình Dương
* Triều Tiên cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải "trả giá đắt" khi tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên Lá chắn Tự do, vốn được khai mạc ngày 4/3 và sẽ kéo dài 11 ngày.
Một người phát ngôn của Triều Tiên nêu rõ, quân đội nước này sẽ giám sát “những hành động phiêu lưu” của những nước này và tiến hành “các hoạt động quân sự có trách nhiệm” để kiểm soát tình hình an ninh bất ổn. (Yonhap)
* Trung Quốc khai mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV vào sáng 5/3, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh,kéo dài đến hết ngày 11/3.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các vị lãnh đạo cấp cao của đảng, nhà nước, cùng gần 3.000 đại biểu đại diện cho các dân tộc, các tầng lớp nhân dân nước này đã tham dự kỳ họp.
Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc sẽ xem xét và thảo luận một loạt báo cáo về công tác của chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024, tình hình thực hiện ngân sách năm 2023 và dự toán năm 2024.. (THX)
* Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng 7,2% trong năm 2024, theo báo cáo công tác chính thức của Trung Quốc mà hãng Reuters thu thập được.
Tỷ lệ này tương tự như năm ngoái, nhưng cao hơn dự báo tăng trưởng kinh tế của chính phủ. Đây là năm thứ 9 liên tiếp, Trung Quốc duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng ở mức một con số.
Ngân sách cho thấy, Trung Quốc đã phân bổ 1,67 nghìn tỷ Nhân dân tệ (230,60 tỷ USD) cho chi tiêu quân sự.
Trước tin này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho rằng, Trung Quốc liên tục nâng chi tiêu quốc phòng để tăng cường sức mạnh quân sự “mà không có đủ sự minh bạch”. (Reuters, Kyodo)
* Trung Quốc-Maldives ký thỏa thuận quân sự, theo đó Bắc Kinh sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự miễn phí cho Male, tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước.
Thỏa thuận được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu yêu cầu Ấn Độ rút các nhân viên quân sự khỏi đảo quốc này, đợt một trước ngày 10/3 và đợt cuối trước ngày 10/5. (India Today)
* Tân Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif nêu nhiệm vụ hàng đầu: Ngày 4/3, phát biểu tại cuộc cuộc họp cấp cao vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Sharif nhấn mạnh: “Chúng ta được giao nhiệm vụ cải thiện nền kinh tế và đây là ưu tiên hàng đầu của chính phủ chúng ta”.
Chính phủ Pakistan sẽ chuẩn bị một kế hoạch hành động trên cơ sở khẩn cấp để điều chỉnh tình hình kinh tế chung của đất nước và cải thiện các chỉ số, đồng thời chính phủ sẽ thúc đẩy đầu tư và cung cấp cơ sở vật chất cho cộng đồng doanh nghiệp. (TTXVN)
* Ấn Độ muốn tăng cường quan hệ với Hàn Quốc: Ngày 5/3, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã thăm Hàn Quốc và sẽ cùng với người đồng cấp nước chủ nhà Cho Tae-yul đồng chủ trì Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ-Hàn Quốc (JCM) lần thứ 10.
Theo Đại sứ quán Ấn Độ tại Seoul, mục đích chính tổ chức cuộc họp JCM lần thứ 10 là để đánh giá hợp tác song phương một cách toàn diện, tìm kiếm cơ hội mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận về lợi ích chung của khu vực và toàn cầu.
Trong thời gian ở thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Jaishankar sẽ có các tiếp xúc với nhiều quan chức Hàn Quốc trong các lĩnh vực kinh tế và văn hóa, đồng thời sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với những người đứng đầu các tổ chức nghiên cứu nổi tiếng của Hàn Quốc để thúc đẩy đối thoại về các vấn đề địa chính trị quan trọng. (The Korea Herald)
TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ chưa rút hết quân, Maldives ký ngay thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Trung Quốc |
Trung Đông-châu Phi
* Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) họp về tình hình Dải Gaza vào rạng sáng 5/3 ở New York. Tại đây, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis đã lên án tình hình "thảm khốc, nhân đạo và đáng xấu hổ" ở Dải Gaza.
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Hàng chục Đại sứ cũng lên án tình hình nhân đạo tại vùng lãnh thổ này. (THX)
* Israel phá hủy đường hầm lớn nhất của Hamas từng được phát hiện: Ngày 5/3, Quân đội Israel (IDF) thông báo đã phá hủy và bịt kín toàn bộ đoạn đường hầm được cho là lớn nhất của phong trào Hamas tại Dải Gaza, được phát hiện hồi tháng 12/2023.
Theo IDF, tổng chiều dài của đoạn đường hầm khoảng 2,5 km, một số đoạn sâu nhất tới 50 mét và đủ rộng cho ô tô đi qua. Đường hầm này có mục đích phục vụ các đợt tấn công, thay vì phòng thủ hoặc di chuyển, trong đó đoạn gần nhất lãnh thổ Israel cách cửa khẩu Erez khoảng 400 mét. (Times of Israel)
* Đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza không đạt đột phá: Ngày 5/3, cuộc đàm phán giữa phong trào Hồi giáo Hamas và các nhà trung gian hòa giải về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã kết thúc mà không đạt được đột phá, khi chỉ vài ngày nữa tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu.
Thủ lĩnh cấp cao của Hamas Bassem Naim cho biết, trong 2 ngày diễn ra đàm phán tại Cairo (Ai Cập), lực lượng này trình đề xuất thỏa thuận ngừng bắn lên các nhà hòa giải và chờ phản hồi của phía Israel. Trong vòng đàm phán này, Israel không cử phái đoàn tham dự.
Ông Naim cho rằng: “Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không muốn đạt thỏa thuận và quả bóng hiện nằm ở phía Mỹ” để hối thúc ông Netanyahu đàm phán. (Asharq Al Awsat)
* Ai Cập lên kế hoạch mở rộng Kênh đào Suez, theo lời Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie ngày 4/3. Dự án - được SCA cấp toàn bộ vốn, sẽ giúp tăng khả năng tiếp nhận tàu thuyền và góp phần giảm tắc nghẽn giao thông đường thủy qua kênh đào này.
Dự án này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu về tính khả thi, tác động môi trường, nghiên cứu kỹ thuật, nghiên cứu về đất, quá trình nạo vét và các nghiên cứu khác. (Reuters)
* Somalia chính thức trở thành thành viên thứ 8 của Cộng đồng Đông Phi (EAC) vào ngày 4/3.
Tổng thư ký EAC Peter Mathuki tuyên bố, một phái đoàn cấp cao do Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Somalia Jibril Abdirashid Haji Abdi dẫn đầu đã trao văn kiện phê chuẩn Hiệp ước gia nhập EAC cho ông Mathuki tại trụ sở của khối ở thành phố Arusha, miền Bắc Tanzania.
Bảy quốc gia thành viên khác của EAC là Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Rwanda, Nam Sudan, Uganda và Tanzania. (EAC)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột ở Dải Gaza: Đại hội đồng LHQ nhóm họp, AL hối thúc hành động khẩn 'không chờ đợi' |
Châu Mỹ
* Khủng hoảng Haiti: Tình hình an ninh ở Haiti tiếp tục diễn biến xấu khi các vụ xả súng của băng nhóm tội phạm tiếp diễn trong ngày 4/3 tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti, đặc biệt là xung quanh sân bay.
Đại sứ quán nhiều nước như Mỹ, Canada, Pháp, Tây Ban Nha đã tạm thời đóng cửa. Mỹ và Mexico cũng khuyến cáo công dân không du lịch đến Haiti.
Các nước láng giềng Haiti như CH Dominica, Bahamas kích hoạt các biện pháp bảo vệ biên giới đề phòng tội phạm nhập cảnh trái phép.
Ngày 4/3, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình an ninh đang xấu đi nhanh chóng tại Haiti, khẳng định sự cần thiết phải khẩn trương hành động, nhất là việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho một sứ mệnh an ninh đa quốc gia do LHQ bảo trợ tại nước này. (Reuters, Al Jazeera)
* Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang EMC bắt đầu hòa đàm vòng thứ 4, trong đó tập trung bàn thảo các vấn đề như trao đổi lãnh thổ hoặc sự tham gia của xã hội trong tiến trình hòa bình. Vòng hòa đàm tại San José del Guaviare sẽ kéo dài đến ngày 9/3. (TTXVN)
* Mexico bác bỏ tin tham gia BRICS trong năm 2024, nêu rõ, nước này ủng hộ sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), song khẳng định chưa có ý định tham gia. (TASS)
| Pháp đã đổ bao nhiêu vũ khí đến Ukraine? Mới đây, Bộ Quốc phòng Pháp đã công bố danh sách viện trợ quân sự cho Ukraine trong hai năm Kiev xảy ra xung đột ... |
| Tin thế giới ngày 4/3: Tổng thống Biden gặp bất lợi trước bầu cử, nổ cầu đường sắt ở Nga, Gaza sắp đạt được ngừng bắn Tổng thống Ukraine tuyên bố sẽ chiến thắng, Trung Quốc vẫn thua Mỹ về chi tiêu quốc phòng, cựu Thủ tướng Pakistan tuyên thệ nhậm ... |
| Điểm tin thế giới sáng 5/3: Nga triệu Đại sứ Đức, Albania mở lại căn cứ không quân thời Liên Xô, công dân Mỹ rời Haiti càng sớm càng tốt... Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 5/3. |
| Tình hình Ukraine: Kiev tuyên bố làm nổ tung cây cầu đường sắt Nga, Tổng thống Zelensky lại 'thay máu' quân đội Ngày 4/3, Ukraine thừa nhận đã cho nổ tung một cây cầu đường sắt ở khu vực Samara phía Tây Nam nước Nga vì cây ... |
| Tài sản Nga bị phong tỏa: EU sắp đưa ra phán quyết, Ukraine kêu gọi chuyển giao cho Kiev quyền kiểm soát Ngày 4/3, trang mạng Euractiv trích dẫn các nguồn giấu tên tiết lộ, Ủy ban châu Âu (EC) trong 2 tuần tới có thể sẽ ... |