📞

Chuyên gia quốc tế: Động thái của Trung Quốc ở Biển Đông 'đang dần hủy hoại' trật tự thế giới

Thu Hiền 14:42 | 04/06/2020
TGVN. Các chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc sẽ không dễ dàng trong việc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông và những hành động của Bắc Kinh đang hủy hoại những thông lệ quốc tế.
Tuyên bố ADIZ, Bắc Kinh có thể kích động phản ứng mạnh mẽ về mặt ngoại giao. (Nguồn: AP)

Tin tức về các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) đối với Biển Đông lại được thổi bùng trên báo chí giữa lúc căng thẳng gia tăng trong khu vực này. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng Trung Quốc sẽ triển khai biện pháp mang tính gây hấn và khó thực hiện này.

Bắc Kinh đã có kế hoạch lập ADIZ ở Biển Đông từ năm 2010. Theo SCMP, ADIZ sẽ được công bố vào “thời điểm thích hợp” và sẽ bao trùm toàn bộ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam và Đông Sa.

Hiện Trung Quốc chưa hề thông báo rằng việc tuyên bố ADIZ sẽ sắp xảy ra. Tuy nhiên, gần đây, Bắc Kinh lại tiến hành những động thái đơn phương nhằm khẳng định quyền tài phán trên khắp Biển Đông.

Cụ thể, từ tháng 4 và tháng 5, Trung Quốc đã điều tàu khảo sát đến vùng lãnh hải của Malaysia nhằm gây sức ép với tập đoàn dầu khí Malaysia đang thăm dò dầu khí. Trung Quốc hồi tháng 4 cũng tuyên bố 2 quận hành chính mới để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

ADIZ mà Trung Quốc đề xuất ở Biển Đông sẽ bao trùm một khu vực rộng lớn. Giới chuyên gia cho rằng việc triển khai ADIZ ở Biển Đông sẽ đặt ra những thách thức to lớn về mặt hậu cần đối với không quân Trung Quốc và có thể kích động phản ứng mạnh mẽ về mặt ngoại giao.

Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, nhận định rằng vào thời điểm này, Trung Quốc khó lòng tuyên bố một điều gì đó mà họ không thể triển khai.

Hiện không có bất kỳ luật lệ hoặc hiệp ước quốc tế nào quy định cụ thể về khu vực nào có thể và không thể là một ADIZ hợp lệ.

Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Hoa Đông hồi năm 2013 nhằm đáp trả việc Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Động thái này của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối của các các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản...

Theo chuyên gia Glaser, ngôn từ mà Trung Quốc sử dụng đối với ADIZ hồi năm 2013 không giống so với những thuật ngữ mà các nước khác đã sử dụng do ngôn từ hồi năm 2013 “cảnh báo một số hậu quả nếu máy bay không tự nhận dạng”. Do vậy, các nước đã phản đối ngôn từ “mang tính đe dọa” này.

Còn theo ông Brendan Mulvaney, Giám đốc Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Trung Quốc trụ sở tại Alabama, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông tương tự như cách họ thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông bằng cách áp đặt sức ép ngoại giao và cưỡng ép về kinh tế đối với các công ty vận tải hàng không, các chuyến bay chở hành khách và những nước mà các chuyến bay này xuất phát. Hiện nay, phần lớn các nước và công ty trong khu vực tuân thủ ADIZ ở Biển Hoa Đông, cho dù Mỹ và Nhật Bản vẫn không thừa nhận khu vực này.

Cả hai chuyên gia Glaser và Mulvaney đều không cho rằng Trung Quốc sẽ có thể dễ dàng triển khai một cách hiệu quả ADIZ ở Biển Đông nếu một khu vực như vậy sớm được công bố.

Bắc Kinh trong những năm gần đây đã không tôn trọng luật quốc tế khi khẳng định những quyền chủ quyền rộng lớn và xây dựng các đảo nhân tạo cũng như các chiến thuật sử dụng vũ lực để uy hiếp tàu thuyền của các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Mulvaney cho rằng đây là một minh chứng nữa cho thấy Trung Quốc “đang dần hủy hoại” trật tự thế giới hiện nay và những thông lệ quốc tế.

(theo Eurasia Review)