📞

Chuyên gia: Sự không chắc chắn về nguồn cung khí đốt là 'liều thuốc độc' với kinh tế Đức

Linh Chi 10:50 | 19/08/2022
Marcel Fratzscher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) nhận định, vấn đề nguồn cung khí đốt tại Berlin có thể tồn tại đến vào mùa Xuân năm sau. Ông cho rằng, sự không chắc chắn là "liều thuốc độc" cho nền kinh tế.
Các đường ống tại cơ sở lưu trữ khí đốt của công ty VNG AG ở Bad Lauchstaedt, Đức. (Nguồn: Reuters)

Dữ liệu mới nhất được tổng hợp bởi nhóm GIE đại diện cho các công ty điều hành cơ sở hạ tầng khí đốt ở châu Âu công bố ngày 14/8 cho thấy, các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã được lấp đầy hơn 75%.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã lên kế hoạch để mức dự trữ khí đốt đạt 75% vào ngày 1/9. Các mục tiêu tiếp theo là 85% vào ngày 1/10 và 95% vào ngày 1/11.

Các quốc gia châu Âu đang chạy đua để lấp đầy các cơ sở dự trữ dưới lòng đất bằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên để có đủ nhiên liệu giúp giữ ấm cho các ngôi nhà trong mùa Đông tới.

Cuộc đua của châu Âu nhằm tiết kiệm năng lượng diễn ra trong bối cảnh giá năng lượng tăng chóng mặt. Chi phí năng lượng đã khiến hóa đơn thanh toán của các hộ gia đình tăng cao, đẩy lạm phát tại châu Âu lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Nga đã giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong những tuần gần đây. Dòng chảy khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đến Đức hiện chỉ hoạt động ở mức 20% khối lượng đã thỏa thuận.

Moscow cho rằng nguyên nhân là do thiết bị thuộc đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 bị lỗi. Tuy nhiên, Berlin coi việc cắt giảm nguồn cung là một động thái nhằm gieo rắc sự bất ổn với châu Âu và làm tăng tăng giá năng lượng trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: "Đức đã xây dựng một mô hình kinh doanh mà phần lớn dựa trên sự phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga. Mô hình này đã thất bại và sẽ không quay lại. Chúng ta phải xây dựng mô hình mới với tốc độ cực nhanh".

Bộ trưởng Năng lượng Đức lưu ý, việc tái cơ cấu này đôi khi khiến người ta phải dùng đến "liều thuốc đắng", bao gồm cả hỗ trợ các công ty bằng chi phí ngân sách nhà nước, cũng như đưa ra một khoản phí tiện ích bổ sung cho hệ thống sưởi bằng khí đốt.

Mức phí này được lên kế hoạch áp dụng từ ngày 1/10 trong vòng hai năm.

Bình luận của Bộ trưởng Robert Habeck được đưa ra khi nhà điều hành thị trường khí đốt của Đức - Trading Hub Europe - thông báo rằng, các hộ gia đình trên toàn quốc sẽ phải trả thêm gần 500 Euro (507,3 USD) mỗi năm cho khí đốt.

Mức thuế mới được đưa ra nhằm giúp các công ty năng lượng trang trải chi phí để tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga.

Trước tháng 2/2022, hơn 50% khí đốt của Đức đến từ Nga. Hiện tại, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang chiến đấu để tăng cường nguồn cung cấp khí đốt mùa Đông, trong bối cảnh lo ngại Moscow có thể "khóa van" khí đốt hoàn toàn.

(theo CNBC)