📞

Chuyên gia tâm lý: 'Điện thoại là công cụ, trút giận vào nó chỉ thể hiện sự bất lực của người lớn'

Phi Khanh 13:50 | 22/03/2022
Trên mạng xã hội cũng có rất nhiều cạm bẫy. Mà cạm bẫy thì mình sẽ học kỹ năng để tránh nó, chứ điện thoại chỉ là công cụ, trút giận vào nó thể hiện sự bất lực của người lớn.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, cần dạy trẻ kỹ năng để tránh cạm bẫy trên mạng xã hội chứ không phải kiểm soát điện thoại. (Ảnh: NVCC)

Đó là quan điểm của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) với Báo Thế giới & Việt Nam liên quan đến câu chuyện một người mẹ nổi nóng khi phát hiện con truy cập vào những hình ảnh không lành mạnh trên mạng xã hội.

Theo ông, những nội dung như thế nào được coi là độc hại trên không gian mạng?

Có rất nhiều thông tin không lành mạnh trên mạng Internet mà chúng ta hay gọi bằng thuật ngữ “rác mạng”.

Đó là những thông tin có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, mạo danh về tổ chức, cá nhân; những nội dung mang tính bạo lực, thông điệp thù hận, văn hóa phẩm đồi trụy; nội dung gây sợ hãi, thù địch, đe dọa, bắt nạt, quấy rối trên mạng; nội dung khuyến khích sử dụng chất gây nghiện; nội dung khuyến khích việc tự sát và tự gây tổn thương…

Có 76,95 triệu người dùng Internet và mạng xã hội ở Việt Nam vào tháng 1/2022. Có rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là người trẻ tuổi. Đa số trẻ em bắt đầu sử dụng Internet chủ động từ 9-11 tuổi.

Độ tuổi trẻ em bắt đầu sử dụng Internet ngày càng giảm, thậm chí có trẻ 2-3 tuổi đã bắt đầu sử dụng thiết bị kết nối mạng Internet.

Nhóm 7-12 tuổi tiếp cận sử dụng Internet và mạng xã hội đã tăng lên gấp 3 lần trong 10 năm qua. Trung bình thời gian sử dụng 6h38p trong tháng 2/2022.

Trẻ vào mạng chủ yếu chat, chơi game, gửi tin nhắn, đọc tin, đăng ảnh, xem phim, nghe nhạc, mua sắm, thư điện tử, học tập và tìm kiếm thông tin.

Vậy, từ phía nhà trường, giáo viên đã làm gì để hạn chế việc này trong quá trình giảng dạy, theo ông?

Ngành giáo dục đã ý thức được vấn đề này. Tôi được mời tham gia viết bộ sách "Hướng dẫn sử dụng mạng an toàn dành cho học sinh tiểu học" do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phê duyệt từ năm 2020.

Nhưng trong 2 năm qua, chúng ta quá quan tâm vào các vấn đề y tế và phòng dịch Covid-19 nên công tác chuẩn bị hướng dẫn về kỹ năng an toàn mạng cho các em đã bị lãng quên.

"Trút giận vào điện thoại có thể chỉ mang đến cho cha mẹ cảm giác mình kiểm soát được tình huống trong chốc lát. Nhưng sau đó là sự hối hận, rất nhiều rắc rối tiếp theo do con bắt đầu chống đối, không nghe lời cha mẹ nữa. Việc nổi nóng không khiến con nghe lời mà có khi còn làm sự việc trầm trọng hơn".

Thầy cô trong thời gian học trực tuyến cũng chủ yếu hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị thôi chứ không hướng dẫn sử dụng công nghệ một cách an toàn. Trong giai đoạn đầu khi học trực tuyến, chúng ta đã chứng kiến những tai nạn đáng tiếc, kể cả người lạ vào phát nội dung không phù hợp trong lớp học.

Đặc biệt, chính các thầy cô cũng để lộ những hình ảnh phản cảm. Người lớn còn chưa có kỹ năng thì làm sao mà giáo dục được con.

Để hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của không gian mạng tới học sinh, phải trang bị cho các em những nhóm kỹ năng. Đó là, đảm bảo sự cân bằng trong cuộc sống thực và thế giới ảo; xây dựng hình ảnh bản thân lành mạnh trên mạng; bảo mật thông tin số; giao tiếp thân thiện trên mạng; xử lý sự cố và bắt nạt trực tuyến; tin tức mạng và đánh giá tin tức mạng.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ cảm thấy sốc, thậm chí đã đập vỡ điện thoại của con, cấm con dùng máy tính, điện thoại... khi phát hiện con truy cập vào các đường dẫn, hay các nhóm, hội có nội dung độc hại. Hành động đó có nên?

Chúng ta cần phải hiểu trong thế giới công nghệ hiện nay, không thể tuyệt giao con với mạng Internet được vì ở trên đó cũng là tri thức, là kết nối, là cơ hội việc làm và cơ hội phát triển cho con.

Tất nhiên trên mạng xã hội cũng có rất nhiều cạm bẫy. Mà cạm bẫy thì mình sẽ học kỹ năng để tránh, chứ điện thoại chỉ là công cụ, trút giận vào nó chỉ thể hiện sự bất lực của người lớn.

Ngoài ra, nó lại mang đến cho con một biểu tượng rất xấu xí về hình ảnh cha mẹ nóng giận, mất kiểm soát cảm xúc. Nó làm con cái chúng ta cảm thấy tội lỗi, đau khổ. Nó làm rạn nứt mối quan hệ cha mẹ - con cái.

Trút giận như vậy có thể chỉ mang đến cho cha mẹ cảm giác mình kiểm soát được tình huống trong chốc lát. Nhưng sau đó là sự hối hận, rồi rất nhiều rắc rối tiếp theo do con cái bắt đầu chống đối, không nghe lời cha mẹ nữa. Việc nổi nóng không khiến con cái nghe lời mà có khi còn làm sự việc trầm trọng hơn.

Với những cha mẹ đã trót nổi nóng với con, chúng ta nên dũng cảm ngồi lại với con và xin lỗi. Hãy làm cho con hiểu được rằng đằng sau phản ứng giận dữ hôm đó là tình yêu thương, là nỗi lo của cha mẹ, là mong muốn cho con được tốt... nhưng cách thể hiện đã không phản ánh được những điều đó.

Trẻ cảm thấy cô đơn khi bị cha mẹ kiểm soát điện thoại, máy tính. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Phụ huynh nên làm gì và nói về việc giáo dục giới tính hiện nay thế nào?

Với những đứa trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, các con bắt đầu tò mò về giới tính, quan tâm đến sức khỏe sinh sản. Vì vậy, con cái chủ động tìm kiếm các nội dung 18+ khi bước vào tuổi này cũng là bình thường.

Theo một số thống kê, nội dung 18+ đang chiếm khoảng 21% nội dung trên mạng nên việc con cái chúng ta vô tình tiếp cận với những nội dung này cũng không phải là trường hợp cá biệt.

Thế nên, khi bắt quả tang con đang xem nội dung 18+, theo đúng quy trình là mình phải sốc. Nhưng các bậc cha mẹ thông thái cần nhận ra rằng, con có thể đến tuổi đang tìm hiểu về vấn đề giới tính và chúng ta đã giáo dục con quá muộn, hoặc chúng ta đã vô tư đưa cho con thiết bị kết nối mạng internet mà hoàn toàn không hướng dẫn con một phương pháp an toàn nào cả.

"Với những cha mẹ đã trót nổi nóng với con rồi, chúng ta nên dũng cảm ngồi lại với con và xin lỗi. Hãy làm cho con hiểu được rằng đằng sau phản ứng giận dữ hôm đó là tình yêu thương, là nỗi lo của cha mẹ, là mong muốn cho con được tốt... nhưng cách thể hiện đã không phản ánh được những điều đó".

Mà riêng với 18+, đợi đến khi bắt quả tang là chậm rồi. Cha mẹ thấy con liên tục thức đem xem điện thoại, mang điện thoại vào phòng riêng khóa cửa, lịch sử trình duyệt lúc nào cũng trống trơn, bố mẹ vào phòng là giật mình và chuyển sang cửa sổ máy tính khác... đều là dấu hiệu nghi ngờ.

Do vậy, cha mẹ cần trang bị cho con kiến thức về an toàn mạng. Đồng thời, sẵn sàng nói chuyện với con về kiến thức 18+ theo tiếp cận khoa học.

Để làm được như thế, cha mẹ cần xây dựng sự tin tưởng. Hãy nói với con rằng: “mẹ có thể bận bây giờ nhưng chắc chắn sẽ dành thời gian để nghe con”, “mẹ hiểu những cảm giác của con về những băn khoăn”, “bố sẽ giữ bí mật nếu con muốn”, “bố rất vui vì con đã tin tưởng để chia sẻ”…

Có trẻ sẽ lý luận là "bố mẹ cần tôn trọng quyền riêng tư của con", không được xem điện thoại hay kiểm tra máy tính của con. Vậy phụ huynh nên ứng xử ra sao, cần kiểm soát thế nào để không khiến trẻ bị tổn thương?

Cha mẹ cần nói với con về mối quan hệ giữa tôn trọng và an toàn. Có bao nhiêu cha mẹ biết cách đặt chế độ hạn chế các nội dung 18+ trên điện thoại của con?

Bao nhiêu cha mẹ biết sử dụng chức năng quản lý thời gian sử dụng điện thoại của con từ xa? Bao nhiêu cha mẹ biết cài các ứng dụng quản lý việc sử dụng phần mềm và cách trang web truy cập?

Việc quản lý qua ứng dụng như thế vừa vẫn tôn trọng quyền riêng tư mà vẫn giúp con an toàn trong thế giới ảo.

Xin cảm ơn PGS!