Tiến sĩ Winai Dahlan, Giám đốc Trung tâm Halal của Đại học Chulalongkorn cho rằng, điều quan trọng nhất trong ngành công nghiệp Halal là niềm tin. (Nguồn: Quốc tế Media) |
Tiến sĩ Winai Dahlan, Giám đốc Trung tâm Halal của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam về những kinh nghiệm của Thái Lan trong phát triển ngành công nghiệp Halal, bên lề Hội nghị Halal “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững”, ngày 22/10, tại Hà Nội.
Thưa ông, Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn và cơ hội nào khi tiến sâu vào thị trường Halal quốc tế?
Quả thực hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn để bước chân vào thị trường Halal toàn cầu. Nhưng đương nhiên tôi cũng hy vọng nếu phát triển tốt hệ thống sản phẩm Halal, Việt Nam sẽ có cơ hội quý giá để nâng cao hơn nữa vị thế, tương tự những gì Thái Lan đã trải qua hơn 20 năm trước.
Theo tôi, Việt Nam và Thái Lan có thể thúc đẩy hợp tác để gặt hái thành công hơn nữa trong ngành công nghiệp thực phẩm và phi thực phẩm. Tôi tin rằng đây là một cơ hội lớn, dù vẫn còn nhiều hạn chế mà chúng ta cần cùng nhau khắc phục.
Trong bối cảnh này, Thái Lan có thể hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin cho Việt Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp Halal, cũng như sự hợp tác của hai nước chúng ta.
Ông có thể chia sẻ thêm về những kinh nghiệm quý báu từ Thái Lan mà Việt Nam có thể học hỏi để xây dựng và mở rộng ngành công nghiệp Halal?
Ngành công nghiệp Halal tại Thái Lan đã phát triển rất nhanh. Thái Lan không phải là một quốc gia theo đạo Hồi, phần lớn dân số của chúng tôi là Phật tử, chỉ có 5% dân số là người Hồi giáo. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn tập trung và xây dựng tầm nhìn phát triển ngành công nghiệp Halal trong nước.
Hai mươi năm trước, chính phủ đã thông qua nghị quyết thành lập Trung tâm Khoa học Halal tại Đại học Chulalongkorn nhằm nâng cao chất lượng và sự tin tưởng cho các sản phẩm, dịch vụ Halal từ Thái Lan. Từ đó, những sản phẩm này được người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn thế giới yêu thích và đón nhận.
Tại Đại học Chulalongkorn, chúng tôi đẩy mạnh phát triển trên nhiều phương diện, tiêu biểu như phòng nghiên cứu Halal. Chúng tôi có phòng nghiên cứu rộng 2.000 m² với 200 thiết bị khoa học, 50 nhà khoa học, tất cả đều là người Hồi giáo và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức Hồi giáo trong nước.
Trong 20 năm qua, chúng tôi đã phân tích hơn 200.000 mẫu thực phẩm. Đó là điểm sáng đầu tiên trong hành trình phát triển Halal của Thái Lan.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thiết lập Hệ thống chất lượng thông tin thực tế Halal (HALQ) nhằm tiêu chuẩn hóa thị trường này. Các nhà máy sản xuất thực phẩm Halal đều yêu cầu chứng nhận từ các tổ chức Hồi giáo. Vì vậy, chúng tôi thu thập mẫu từ các nhà máy và gửi đến phòng nghiên cứu để kiểm tra. Hệ thống này đã triển khai trong 1.112 nhà máy thực phẩm Halal tại Thái Lan. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phát triển hệ thống công nghệ số. Chúng tôi đã thành lập Chuỗi Halal (Halal Blockchain). Đến nay, chúng tôi đã hoàn thiện Chuỗi Halal đầu tiên và áp dụng trong các nhà máy thực phẩm. Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng hệ thống này sang ngành công nghiệp mỹ phẩm và du lịch.
Tôi hy vọng những kinh nghiệm này sẽ có ích cho việc phát triển ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam, cũng mong muốn chúng ta có thể hợp tác bền chặt hơn.
Hơn hết, tôi nghĩ điều quan trọng nhất trong ngành công nghiệp Halal là niềm tin, niềm tin từ người tiêu dùng, đặc biệt là từ những nhà nhập khẩu sản phẩm. Xây dựng niềm tin là quá trình thực sự khó khăn. Với Thái Lan, chúng tôi không chỉ dựa vào tôn giáo, mà còn sử dụng công nghệ và khoa học, đặc biệt là công nghệ số, để phát triển niềm tin Halal trên toàn cầu.
Tôi nghĩ rằng đây là một bài học quan trọng mà Việt Nam có thể học hỏi và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm. Từ đó, chúng ta có thể cùng nhau tiến xa hơn trong thị trường Halal, với sự tin tưởng từ người tiêu dùng Hồi giáo toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!