📞

Chuyên gia UNDP: Không đánh đổi giữa kinh tế, môi trường, và sức khỏe, mà để chúng tương trợ nhau

Thu Trang 16:28 | 26/02/2022
Theo GS. TS. Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế học cao cấp về phát triển bao trùm, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam cần tạo điều kiện để phục hồi một cách bền vững cả về kinh tế, lẫn môi trường và sức khỏe.
Giáo sư Tiến sĩ Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế học cao cấp về phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị quốc tế ‘Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế’, ngày 25/2 tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bên lề hội nghị "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", Giáo sư Tiến sĩ Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế học cao cấp về phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam, đã chia sẻ với TG&VN về những thách thức và lợi thế của Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế xanh và bao trùm.

Thưa TS. Jonathan Pincus, xin ông đánh giá tầm quan trọng của hội nghị ‘Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế’? Chúng ta sẽ đối mặt với những thách thức nào trong quá trình phục hồi kinh tế xanh và bao trùm?

Hội nghị ngày hôm nay thảo luận về giải pháp phục hồi kinh tế xanh và bao trùm sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, ý tưởng của Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UNDP là mời các diễn giả từ khắp nơi trên thế giới, từ các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu học thuật, và cộng đồng doanh nghiệp để chia sẻ về kinh nghiệm và kế hoạch của họ cho quá trình phục hồi xanh và bao trùm.

Điều quan trọng là sau hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19, chúng ta có cơ hội xây dựng lại nền kinh tế bền vững hơn. Chúng ta biết rằng, đã đến lúc cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ mô hình phát triển cũ, không thực sự xem xét nhiều những tác động lâu dài của con người đối với môi trường, sang áp dụng một tư duy về phát triển mới - trong đó chúng ta không đánh đổi giữa môi trường, kinh tế, và sức khỏe, mà để các yếu tố này tương trợ lẫn nhau.

Vì vậy, trong quá trình phục hồi, chúng ta cần thiết lập tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng một cách bền vững, đối với cả vấn đề khí hậu lẫn các khía cạnh khác của phát triển bền vững.

Ví dụ, ô nhiễm không khí hiện là một vấn đề cần quan tâm ở Việt Nam. Tương tự, ô nhiễm nguồn nước, phá rừng, đô thị hóa,... mọi khía cạnh của phát triển bền vững đều phải được ưu tiên cân nhắc khi chúng ta bước vào giai đoạn phục hồi.

Vậy vấn đề lớn nhất đối với Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế là gì?

Việt Nam đã đưa ra một cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh) vào năm ngoái là đạt được đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tức là còn chưa đầy 30 năm nữa. Đây là một cam kết vô cùng lớn.

Tôi cho rằng một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam sẽ phải đối mặt là thực hiện cam kết trong khi vẫn phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế để đạt được sự thịnh vượng.

Để làm điều này sẽ cần một khoản đầu tư rất lớn vào năng lượng tái tạo, chuyển đổi nhanh chóng từ sử dụng nhà máy nhiệt điện than, vận tải bằng phương tiện có động cơ chạy bằng nhiên liệu xăng dầu,... sang sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng hydro xanh... nhằm đạt mức phát thải ròng bằng “0”vào năm 2050.

Theo tôi, đó là một thách thức vô cùng lớn và sẽ đòi hỏi hàng trăm tỷ USD đầu tư trong vòng 15 năm tới hoặc lâu hơn.

Toàn cảnh Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trước mắt, Việt Nam cần làm gì để phục hồi kinh tế sau đại dịch?

Tôi nghĩ rằng một trong những thành tựu của Việt Nam chính là chương trình tiêm chủng ứng phó với đại dịch. Điều đó có nghĩa là đại dịch có khả năng kết thúc sớm hơn ở Việt Nam.

Chúng ta vẫn cần xem xét tình hình trong vài tháng tới, nhưng tôi nghĩ Việt Nam cần tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi một cách bền vững, cả về khía cạnh sức khỏe lẫn môi trường.

Vì vậy, khi chúng ta vượt qua đại dịch, tất cả các kế hoạch của chính phủ, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần phải được xem xét và điều chỉnh lại để phù hợp với cam kết về khí hậu, cũng như phù hợp với tính bền vững.

Trên cơ sở đó, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam cần được xem xét lại và một số quy hoạch cơ cấu cũng cần được nhìn nhận lại để tạo điều kiện cho việc đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Đáng chú ý, Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (QHĐ VIII) vẫn còn khá nhiều nguồn đầu tư dành cho nhà máy nhiệt điện than. Mặc dù bản quy hoạch này vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng nó cũng đặt một thách thức lớn trước mắt đối với Việt Nam. Đó là làm thế nào để bảo đảm đủ nguồn điện cho quốc gia và ít phụ thuộc vào than hơn, thậm chí là trước năm 2030?

Theo ông, đâu là lợi thế và cơ hội của Việt Nam để phục hồi kinh tế bền vững?

Lợi thế chính của Việt Nam là có một nền kinh tế rất mở, một nền kinh tế thương mại rất thành công, một nền kinh tế đạt nhiều thành tựu trong xuất khẩu ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vô cùng đa dạng, không chỉ là mặt hàng điện tử, quần áo và giày dép mà còn cả nông sản.

Tôi cho rằng đặc điểm kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào kết quả xuất khẩu. Trong tương lai, Việt Nam cần tăng cường hiệu quả xuất khẩu, hay nói cách khác là xuất khẩu nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn từ nông nghiệp và sản xuất.

Một thách thức đồng thời là cơ hội khác là việc khởi động lại ngành du lịch. Du lịch là một phần rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Rất nhiều việc làm phụ thuộc vào ngành du lịch và hoạt động du lịch đã bị đóng băng trong 2 năm qua. Vì vậy, tôi tin rằng việc khởi động lại ngành du lịch một cách an toàn nhưng càng nhanh chóng càng tốt cũng đóng vai trò thực sự quan trọng để phục hồi kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

"Khác với nhiều cuộc thảo luận trước đây, vấn đề đặt ra đối với Chính phủ Việt Nam sau đại dịch Covid-19 không phải chỉ là phục hồi mà là phục hồi như thế nào... Với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26, Chính phủ Việt Nam đã có câu trả lời rõ ràng: đó là sự theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm" - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.