Chuyên gia Y tế cho rằng phải cho trẻ em trở lại trường. (Nguồn: Dân trí) |
Đây là thời điểm phù hợp để học sinh trở lại trường
Tại Hội thảo trực tuyến về tổ chức dạy học trực tiếp an toàn chống dịch, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 19/1, nhiều chuyên gia Y tế cho rằng, không thể chờ đợi thêm nữa, đây là thời điểm phù hợp để đưa trẻ em trở lại trường học.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ủng hộ việc mở cửa trường học trở lại bởi chúng ta đã có tỷ lệ bao phủ vaccine 2 mũi gần 100%.
Trẻ em 12-17 tuổi cũng được bao phủ vaccine và sắp tới chuẩn bị tiêm cho đối tượng trẻ em từ 5-11 tuổi.
Về phía Bộ Y tế, sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để ban hành các nội dung an toàn cho học sinh khi trở lại trường. Đại biểu Quốc hội, GS. Nguyễn Anh Trí cũng khẳng định, hiện nhiều người đặt câu hỏi: "Bao giờ mới an toàn trở lại"?
Ông Nguyễn Anh Trí cho rằng, câu hỏi này hoàn toàn có lý nhưng thực tế hiện nay, chúng ta chỉ có thể chọn thời điểm an toàn nhất chứ không phải an toàn tuyệt đối.
Do đó, ông Trí khẳng định, đây thực sự là thời điểm phù hợp để đưa học sinh trở lại trường học bởi nếu kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại. "Phải lo cho trẻ em đi học trở lại, nếu không chúng ta có lỗi", GS Trí nói.
Cũng theo GS. Nguyễn Anh Trí, để học sinh trở lại trường an toàn, cần nhất ở ba công đoạn: Ở nhà, trên đường đi và tại trường học.
Trong đó, công đoạn ở nhà quan trọng nhất bởi mỗi gia đình có một lối sống khác nhau, cách thức phòng chống khác nhau. Do vậy, trước hết mỗi gia đình phải thực sự an toàn, sau đó mới đến các phương án chống dịch ở nhà trường nếu học sinh đi học trực tiếp.
PGS.TS. Lê Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế cũng ủng hộ chủ trương mở cửa trường học bởi việc học trực tuyến lâu dài rất ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng học tập của giáo viên, học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, ông Nga cho rằng, sau 2 năm chống dịch, chúng ta đã biết rõ cơ chế lây truyền nên có các biện pháp bảo vệ cá nhân, bảo vệ cộng đồng, không còn hoang mang như thời kỳ đầu của đại dịch.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ, nếu có lây lan trong trường học vẫn an toàn hơn việc lây lan trong cộng đồng. Do đó quan điểm của ông cần thiết phải mở cửa trở lại, không để học online quá lâu.
Đại diện Tổ chức UNICEF tại Việt Nam cũng hoan nghênh chủ trương của Việt Nam khi tái mở cửa trường học, bảo vệ thể chất cho các em.
Chuyên gia Lê Huy Nga cũng chỉ ra, hiện thế giới có khoảng 600 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và không thể đến trường học.
Nhiều bằng chứng cho thấy, trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều khi đóng cửa trường học như: Tảo hôn, bạo lực gia đình… vì các em bị ngắt khỏi các mối quan hệ bạn bè, giáo viên.
Cần mở cửa trường học an toàn
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian khá dài - hơn 2 năm qua, ngành giáo dục đã tổ chức, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động dạy và học để thích ứng với dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trường học.
Với những vùng an toàn, trường học duy trì dạy học trực tiếp, nơi dịch phát sinh phức tạp thì chuyển sang dạy học trực tuyến, học trên truyền hình, nhiều nơi tổ chức một cách linh hoạt, dạy học kết hợp giữa các hình thức.
Sau thời gian dài trẻ không được đến trường, hoặc đến trường rất ít, theo Bộ trưởng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học mà còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, kinh tế, cũng như những tác động nhiều mặt khác.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine trên cả nước đã rất cao; điều kiện thuốc chữa có cải thiện; điều kiện phòng chống dịch cũng như hiểu biết và thích ứng của người dân đã tốt hơn; địa phương có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch.
Với sự khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phân tích kinh nghiệm các nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đây chính là lúc chúng ta cần điều chỉnh để mở cửa trường học một cách an toàn, như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Nghị quyết 128/NQ-CP.
"Đến thời điểm này, khi các điều kiện đã được tăng cường, chúng ta đã có đẩy đủ căn cứ, kinh nghiệm để quyết tâm đưa học sinh quay trở lại trường học. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất ráo riết việc đưa học sinh trở lại trường học. Chúng tôi đề nghị các lãnh đạo địa phương chuẩn bị các điều kiện chu đáo, cần có kế hoạch và hành động kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn.
Đưa học sinh THCS trở lên đến trường học là một yêu cầu. Còn với học sinh mầm non, tiểu học, cần chuẩn bị các điều kiện, cần làm tư tưởng để có sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên. Tránh tình trạng cực đoan, hoặc là chần chừ e dè thái quá, hoặc chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho các trường, cho thầy cô", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng lưu ý trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường, cần có hoạt động cho học sinh hội nhập trở lại. Học trực tuyến kéo dài khiến học sinh ngại học trực tiếp vì mất thói quen trong thời gian dài. Tạo cho học sinh cảm giác hứng thú khi đến trường. Tuy nhiên, cũng không được lãng phí những nội dung tích cực có được khi dạy học trực tuyến trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, đợt bùng phát lần thứ 4, toàn ngành có 130.014 cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên mắc Covid-19. Đến nay, có khoảng 4.800 giáo viên, học sinh đang điều trị. Trong khi đó, học sinh và giáo viên được tiêm vaccine hiện đạt tỉ lệ khá cao. Mũi 1 cho trẻ 12-17 tuổi đạt hơn 90%; mũi 2 đạt 72,2%; Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 đạt 82%; mũi 3 đạt 28,2%. Tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng học sinh từ khối 7 đến khối 12 đi học trực tiếp đạt tỷ lệ 98,48%. Qua 20 ngày tổ chức học trực tiếp có 130 trường hợp nhiễm là giáo viên, nhân viên và học sinh. Tỉ lệ lây nhiễm là 0,002%. Tất cả các trường hợp đã được xử lý theo kịch bản nên việc dạy và học tại các trường vẫn triển khai bình thường. Tại Bắc Giang, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, đa số trường học đã mở cửa và tỉ lệ lây nhiễm tại trường học rất thấp, chỉ khoảng 0,009%. |