📞

Chuyện người gieo mầm tiếng Việt (Kỳ cuối): Lan toả văn hoá, lịch sử qua từng cuốn sách

AN BÌNH 15:00 | 05/10/2024
Mỗi “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài” đều có một con đường, hành trình riêng để góp phần lan toả và gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ. Với Thủy Lê-Scherello, những cuốn sách song ngữ Việt-Đức chính là nhịp cầu giúp chị thực hiện sứ mệnh ấy.
Chị Thủy Lê-Scherello cùng các cuốn sách song ngữ. (Ảnh: NVCC)

Theo gia đình chuyển đến Berlin (Đức) sinh sống khi 11 tuổi, Thủy Lê-Scherello cho biết ngay từ thuở nhỏ chị đã yêu thích đọc sách, vẽ tranh và các bộ môn nghệ thuật khác.

Chị kể: “Gia đình tôi có một thư viện nhỏ với khoảng 1.000 cuốn sách, trong đó có rất nhiều sách tiếng Việt. Khi các con tôi còn nhỏ, mỗi tối tôi đều dành thời gian đọc sách cho con nghe. Đã không ít lần tôi đọc các câu chuyện tiếng Việt và tự dịch sang tiếng Đức, thêm thắt một chút để làm cho câu chuyện hấp dẫn và dễ hiểu hơn với các con. Điều đó khiến tôi tự hỏi: Tại sao mình không có sách song ngữ Việt - Đức?”.

Lúc đó, chị nghĩ không chỉ riêng gia đình mình mà hàng trăm nghìn gia đình người Việt khác tại Đức, nơi những đứa trẻ lớn lên trong môi trường đa văn hóa và sử dụng hai ngôn ngữ, cũng cần đến những cuốn sách như vậy. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều gia đình người Việt ở Đức qua hai đến ba thế hệ, giống như gia đình chị, có nhu cầu về việc gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa gốc.

Vì vậy, vào năm 2017, chị quyết định theo đuổi đam mê của mình bằng cách kể lại các câu chuyện dân gian và truyền thuyết Việt Nam dưới dạng sách song ngữ.

Mang văn hoá Việt đến xứ người

Mục tiêu của Thủy Lê-Scherello khi xuất bản sách là mang di sản văn hóa, lịch sử và truyền thống Việt Nam đến gần hơn với trẻ em và những người không sống tại Việt Nam, đồng thời giúp thêm cho những người thích học ngôn ngữ.

Chị mong muốn giúp trẻ em từ bốn tuổi trở lên, đặc biệt là những em có nguồn gốc Việt, hiểu rõ hơn về các câu chuyện truyền thống của quê hương. Với những em nhỏ và người lớn không phải là người Việt, sách của chị có thể giúp họ tìm hiểu, lưu giữ và lan tỏa văn hóa Việt Nam không chỉ trong phạm vi châu Âu mà trên toàn thế giới.

Mặt khác, trong các câu chuyện, chị truyền tải những thông điệp tích cực, giúp trẻ em hiểu được giá trị của lòng nhân ái, sự bao dung và tôn trọng người khác. Từ đó, các em phát triển tư duy và biết tránh xa những hành vi không lành mạnh hoặc ác ý.

Để cốt truyện thêm thú vị, chị đưa vào những chi tiết sống động tạo sức cuốn hút, hấp dẫn đối với trẻ em. Việc kể lại truyện cổ tích và truyền thuyết không chỉ là để giáo dục mà còn để kích thích trí tưởng tượng, giúp các em hứng thú hơn khi đọc và học.

Chị chia sẻ: “Những câu chuyện góp phần xây dựng cầu nối giữa các thế hệ trong cộng đồng người Việt. Cha mẹ có thể đọc sách tiếng Việt cho con nghe, trong khi con lại đọc phần tiếng Đức cùng cha mẹ, tạo không gian giao lưu ngôn ngữ và văn hóa trong gia đình.

Những câu chuyện thần thoại về sự hòa hợp giữa thần và người, giữa thiên nhiên và con người, cũng như sự ra đời của các bán thần chính là nguồn cảm hứng tuyệt vời, kích thích trí tưởng tượng và sự sáng tạo ở trẻ em”.

Chị Thủy Lê-Scherello. (Ảnh: NVCC)

Điển hình là cuốn sách song ngữ Tại sao con hổ có những vằn đen kể lại câu truyện dân gian Việt Nam Trí khôn của ta đây. Câu chuyện mang đầy tính nhân văn và bài học về trí tuệ được chị tái hiện với ngôn từ mượt mà, giàu hình ảnh, qua đó truyền đạt những giá trị sâu sắc dễ hiểu, khuyến khích các em tôn trọng mọi loài động vật.

Nói về cuốn sách song ngữ Đất nước của Rồng và Tiên, chị cho biết: “Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ không chỉ kể về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam, mà còn là biểu tượng của khát vọng tự do và độc lập. Vì vậy, tôi kể lại một cách sinh động nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc và niềm tin vào sức mạnh tự thân của mỗi người Việt Nam. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng truyền tải những giá trị truyền thống tốt đẹp như gia đình, dũng cảm và sự tôn trọng”.

Hiện tại, các cuốn sách của chị Thủy Lê-Scherello có mặt ở các nhà sách trên toàn nước Đức, Thụy Sỹ, Áo và trên Amazon toàn cầu. Đặc biệt, cách trình bày song ngữ của những câu chuyện này cho phép trẻ em nói tiếng Đức, tiếng Việt hay tiếng Anh thưởng thức câu chuyện bằng ngôn ngữ chính của mình, đồng thời cải thiện kiến thức về các ngôn ngữ khác. Mỗi trang đều trình bày bằng hai thứ tiếng, giúp trẻ vừa đọc được nội dung truyền thuyết vừa học thêm từ vựng và các cụm từ mới.

Đề án Tôn vinh tiếng Việt và Cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã nhận được tham gia tích cực của các cơ quan đại diện, sự năng động, hưởng ứng của các hội đoàn, tổ chức, cá nhân kiều bào. Với chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nếu có sự đồng lòng của xã hội và đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta không chỉ tạo được sân chơi, môi trường giao lưu cho kiều bào, tạo cơ hội nâng cao năng lực tiếng Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài mà còn khích lệ lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

Hành trình còn nhiều thách thức

Bên cạnh niềm đam mê viết và xuất bản các cuốn sách thiếu nhi, Thủy Lê-Scherello đang làm tư vấn viên cho các tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực số hóa. Với vai trò là Chủ tịch của tổ chức từ thiện Blue Dragon Germany, chị tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn và giải cứu nạn nhân buôn người.

Là một phụ nữ Việt đã có cơ hội sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia như Đức, Malaysia, Mỹ, Áo và Đan Mạch, Thủy Lê-Scherello ý thức được rằng việc gìn giữ tiếng Việt và văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ kiều bào ở nước ngoài thực sự là thách thức lớn.

Chị cho biết, trẻ em ở Đức sống trong một môi trường mà chủ yếu sử dụng tiếng Đức, từ trường học, bạn bè đến phương tiện truyền thông, khiến việc duy trì tiếng Việt trở nên khó khăn. Bởi vậy, chị cung cấp sách để giúp trẻ em học tiếng Việt thông qua việc đọc sách. Điều này giúp trẻ không chỉ học ngôn ngữ mà còn hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam.

“Ở Berlin, có rất nhiều người Việt Nam sinh sống và có các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em, người lớn, cũng như các lớp học nhạc Việt Nam và múa truyền thống”, chị tâm sự. “Trong gia đình, chồng tôi là người Đức và ngôn ngữ chính trong nhà là tiếng Đức. Tiếng Việt là một phần trong gia đình, các con vẫn nghe nhạc và ăn những món ăn Việt Nam. Dù ba con của tôi đều học tiếng Việt hàng tuần, các cháu hiểu tiếng Việt nhưng nói rất ít. Để khuyến khích con nói tiếng quê hương nhiều hơn, gia đình tôi đang bàn bạc về việc thay đổi môi trường, cho các con về Việt Nam sống nửa năm”.

Bên cạnh đó, Thủy Lê-Scherello còn chơi đàn tranh trong nhóm Hanoi Ensemble, biểu diễn những bài nhạc dân tộc Việt Nam như Lý ngựa ô, Trống cơm, Inh lả ơi… Tổ chức từ thiện Blue Dragon Germany của chị cũng tổ chức các chương trình thiện nguyện - là nơi gặp gỡ và thưởng thức những bài hát tiếng Việt, tạo cầu nối giữa cộng đồng người Việt và người Đức.

Chị Thủy Lê-Scherello.

Nhận danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt năm 2024” đối với Thủy Lê-Scherello không chỉ là niềm vinh dự lớn trong hành trình gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt, mà còn khích lệ chị trong công việc hiện tại và thúc đẩy phát triển thêm nhiều dự án sách mới.

Thời gian tới, chị càng quyết tâm đầu tư nhiều hơn vào việc xuất bản sách song ngữ, nhằm giúp các em nhỏ vừa phát triển khả năng ngôn ngữ vừa hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Bởi theo chị, “đây là cách tuyệt vời để kết nối các thế hệ và lan tỏa tình yêu đối với quê hương, đất nước thông qua ngôn ngữ và những giá trị văn hóa truyền thống”.

* * *

Có thể thấy, dù mỗi người theo đuổi một con đường khác nhau, các “Sứ giả tiếng Việt” vẫn đang tận tụy, cống hiến thời gian và công sức cho một mục tiêu chung là gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Việt trong môi trường quốc tế. Chị Thủy Lê-Scherello, anh Nguyễn Thế Dương, cô Lanny Phetnion cùng các sứ giả khác đều tin rằng để phong trào giảng dạy, học và tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài được lan toả và hiệu quả hơn nữa, cần có sự chung tay và kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, công nghệ, gia đình và cộng đồng.