Cô giáo Lanny Phetnion trong trang phục truyền thống của Lào. (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ với TG&VN, Lanny Phetnion cho biết cô sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, trong thung lũng nhỏ của tỉnh Hủa Phăn, miền Bắc Lào. Lúc học trường phổ thông tại Hủa Phăn, cô chưa từng nghĩ rằng mình sẽ học và bén duyên với tiếng Việt…
Hành trình bắt đầu từ số 0
Cơ duyên đến vào năm lớp 12 khi Lanny Phetnion giành giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi của huyện và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cấp học bổng tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Lào.
Lúc đó, cô “rất vui và hào hứng vì sẽ được đi học ở Đại học Quốc gia Lào - ước mơ từ khi còn nhỏ của tôi. Sau khi bố mẹ và họ hàng biết tôi đăng ký học tiếng Việt, mọi người đều khuyên tôi nên chọn tiếng Anh, tiếng Trung để sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được việc làm tốt hơn, vì ở Lào đã có rất nhiều người biết tiếng Việt nên sự cạnh tranh rất lớn. Nghe mọi người tư vấn, dẫu có chút lo lắng, tôi vẫn quyết tâm chọn ngành tiếng Việt và tìm cách thuyết phục gia đình ủng hộ lựa chọn của mình”.
Ngày đầu tiên ở lớp học tiếng Việt, Lanny Phetnion gặp cô Hiền - giáo viên Việt Nam, cũng là người gắn bó với cô đến tận bây giờ với vai trò là đồng nghiệp tại Khoa tiếng Việt.
Cô nhớ lại: “Đó thực sự là hành trình bắt đầu từ con số 0. Lần đầu nghe cô giáo tập luyện cho sinh viên phát âm về thanh điệu, mọi người đều cảm thấy buồn cười vì không thể phát âm được sáu dấu của tiếng Việt, trong khi tiếng Lào chỉ dùng thường xuyên hai dấu (huyền và nặng).
Thời gian sau khi được học, giao tiếp với nhiều hơn với thầy cô người Lào và người Việt, tôi đã có thể phát âm chuẩn hơn, dần cảm thấy tiếng Việt có nhiều điều rất hay và phong phú về mặt ngữ nghĩa.
Dù khác nhau về mặt chữ viết nhưng tiếng Việt và Lào khá giống nhau về cấu trúc từ và câu. Đối với nhiều bạn khác, phần khó nhất của tiếng Việt là thanh điệu, còn đối với tôi, ngữ pháp là phần gian nan nhất. Tôi từng nghe người Việt Nam nói rằng: “Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”, đến giờ tôi vẫn thấy câu này rất đúng”.
Lên năm thứ ba đại học, Lanny Phetnion tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Việt do Khoa tiếng Việt tổ chức và giành giải Nhất. Đặc biệt, đến năm thứ tư, lớp cô tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn tại Đại học Hà Nội, Việt Nam.
Trong quá trình học tập tại đây, cô tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá để nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Việt như múa, hát, nấu nướng, thể dục thể thao... Cô đoạt giải Nhì thi hát tiếng Việt trong chương trình “Ngày hội giao lưu văn hoá đa quốc gia” tại trường.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Lanny Phetnion biết thêm rất nhiều về tiếng Việt, về đất nước, văn hoá và con người Việt Nam. Không chỉ nhận thấy rõ bản thân đã chọn học đúng ngành, cô còn nghĩ rằng mình là một người may mắn vì Lào và Việt Nam gắn bó hợp tác với nhau trên rất nhiều lĩnh vực từ lâu, nên cơ hội việc làm rất rộng mở.
Vì vậy, cô mong muốn nâng cao thêm về trình độ tiếng Việt, góp sức vào việc giảng dạy tiếng Việt cho người Lào, cũng như góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước.
Lanny Phetnion (hàng đầu, thứ 4, từ trái) cùng các sinh viên tại Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. (Ảnh: NVCC) |
Làm việc bằng cả đam mê
Với mong muốn ấy, từ năm 2012, Lanny Phetnion xin các thầy cô tại Khoa tiếng Việt và Đại học Quốc gia Lào cho cô được dạy tiếng Việt cơ bản cho sinh viên năm nhất.
Cô chia sẻ: “Thật may mắn tôi được nhận làm giáo viên tình nguyện - một hình thức giảng dạy không có lương. Lúc đó, tôi có thể làm gia sư tiếng Việt nên cũng đủ chi tiêu hàng tháng.
Đến năm 2014, tôi chính thức vào biên chế tại Đại học Quốc gia Lào. Trong thời gian giảng dạy, tôi ngày càng đam mê với công việc, luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc khi được đứng trên bục giảng và truyền đạt tất cả kiến thức, kỹ năng mà mình đã học được cho các sinh viên. Mặc dù thu nhập lúc này không cao nhưng tôi có thể sống với đam mê “trồng người” của mình”.
Cùng với niềm đam mê này, Lanny Phetnion còn tìm được các công việc khác giúp cô ngày càng gắn bó với tiếng Việt và càng thêm yêu tiếng Việt hơn. Cô kể: “Ở Đài truyền hình quốc gia Lào có bản tin thời sự tiếng Việt. Thấy các anh chị biên tập viên lên hình và nói tiếng Việt rất hay, tôi cũng muốn được như họ nên đã chủ động xin làm cộng tác viên. Sau khi đọc thử một bài tiếng Việt, tôi rất may mắn được lãnh đạo Đài cho làm MC dẫn chương trình thời sự tiếng Việt. Từ đó tôi được nhiều người biết đến hơn, và được mời đi làm MC song ngữ Lào - Việt tại nhiều sự kiện khác nhau”.
Thêm vào đó, trong quá trình làm phiên dịch, cô giáo Lan có cơ hội gặp gỡ lãnh đạo nhiều công ty lớn của Việt Nam muốn đầu tư tại Lào và nhiều anh chị Việt kiều đang sản xuất kinh doanh tại Lào mong muốn tìm những nhân sự phù hợp, đặc biệt là giỏi cả tiếng Lào và Việt.
Nắm bắt nhu cầu đó, Lanny Phetnion kết hợp với một số bạn người Việt, Lào cùng mở thêm trung tâm ngôn ngữ Oka để đào tạo, bồi dưỡng cho các anh chị em cần bổ sung ngôn ngữ hoặc muốn học tiếng Việt, Lào để có thể giao tiếp hàng ngày.
Dựa vào nhu cầu của học viên, cô hoàn thành việc biên soạn hai cuốn sách dạy tiếng Việt, tiếng Lào cấp tốc và đang làm thêm các sổ tay về từ vựng, giao tiếp… dành cho những người muốn tự học.
Cô Lanny Phetnion trong tà áo dài Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Bên cạnh việc giảng dạy, trung tâm của cô còn nhận đào tạo tập huấn về văn hoá Lào - Việt, tuyển dụng nhân sự cho các công ty Lào - Việt.
Để lan toả tiếng Việt đến với người Lào và tiếng Lào đến với người Việt ở khắp vùng miền trên thế giới, cô lập các kênh giảng dạy trên mạng xã hội YouTube, TikTok…
Được Bộ Ngoại giao vinh danh “Sứ giả tiếng Việt năm 2024”, cô Lanny Phetnion vẫn cho rằng “tiếng Việt của mình chưa được giỏi lắm”. Là người nước ngoài đầu tiên được trao danh hiệu cao quý này, cô thực sự muốn thử thách bản thân trong sứ mệnh mới, đồng thời muốn nâng cao khả năng nói, viết tiếng Việt của chính mình.
Về dự định trong tương lai, Lanny Phetnion cho biết: “Càng làm việc và tiếp xúc với nhiều người Việt, tôi càng thêm yêu thích tiếng Việt và muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Tôi luôn muốn được góp công sức nhỏ bé của mình làm cầu nối hoà nhập cộng đồng người Lào và người Việt hơn nữa, giúp cho mối quan hệ vĩ đại, mẫu mực, thuỷ chung trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng thắt chặt hơn nữa, như câu nói của Bác Hồ: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt-Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”.