Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chào xã giao Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 Abdulla Shahid ngày 3/3. |
Xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến công tác của Thủ tướng tới LHQ lần này ?
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới LHQ và cũng là dịp Việt Nam kỷ niệm 45 năm tham gia LHQ.
Với bối cảnh đó thì có thể nói chuyến thăm lần này hết sức quan trọng, thể hiện thông điệp mạnh mẽ và là cơ hội để chúng ta khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quốc tế, hòa bình và phát triển, cùng có lợi; đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam là người bạn và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Qua đây, tại LHQ, chúng ta cũng khẳng định chủ trương thúc đẩy ngoại giao đa phương trên trường quốc tế.
Theo dự kiến, Thủ tướng sẽ có nhiều hoạt động quan trọng tại LHQ, Đại sứ có thể chia sẻ đó là những sự kiện gì và tầm quan trọng của những sự kiện đó?
Tại chặng dừng chân ở New York, Hoa Kỳ, Thủ tướng sẽ có chương trình nghị sự hết sức dày đặc, sẽ có các cuộc gặp với các lãnh đạo chủ chốt của LHQ, các bạn bè cánh tả, cũng như nhiều cuộc gặp khác với cộng đồng doanh nghiệp tại New York.
Thủ tướng sẽ gặp các lãnh đạo chủ chốt của LHQ, qua đây khẳng định đóng góp của Việt Nam vào chương trình nghị sự chung của LHQ, nhất là trong giải quyết các thách thức toàn cầu như vấn đề an sinh xã hội, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, cũng như chúng ta sẽ tiếp tục thu hút mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của LHQ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.
Với các bạn bè cánh tả lâu năm của Việt Nam, những cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ sẽ khẳng định truyền thống uống nước nhớ nguồn của Việt Nam, tri ân công lao và sự đóng góp, hỗ trợ của các bạn bè Hoa Kỳ trong suốt quá trình Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ với bạn bè Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Cộng đồng Việt Nam ở New York cũng sẽ có cơ hội gặp Thủ tướng, trao đổi để làm sao kêu gọi được bà con, con em, học sinh, sinh viên đang học tập tại đây hướng về quê hương đất nước, tiếp tục gìn giữ văn hóa của đất nước, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, biện pháp ngoại giao kinh tế để thu hút thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước.
Là thành viên của LHQ từ năm 1977, Việt Nam đã đóng góp được những gì vào nỗ lực chung của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh trong 45 năm qua?
Việt Nam tham gia LHQ từ năm 1977 nhưng mối lương duyên của Việt Nam với LHQ thực chất bắt nguồn từ năm 1945, lúc đó là khi LHQ mới được thành lập và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng vừa mới ra đời. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư lên LHQ bày tỏ nguyện vọng Việt Nam được gia nhập tổ chức này với mong muốn làm bạn với tất cả các nước.
Suốt từ năm 1945 cho tới 1977, khi chưa phải là thành viên của LHQ nhưng với hai cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chống thực dân, chống đế quốc, Việt Nam đã đóng góp những giá trị hết sức quan trọng cho LHQ mà tới ngày nay vẫn là kim chỉ nam trong quan hệ quốc tế và nguyên tắc hoạt động của LHQ: Đó là chống thực dân, chống đế quốc, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp công việc nội bộ và chống sử dụng vũ lực trong chiến tranh, trong xung đột, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Có thể nói đó là những đóng góp rất có ý nghĩa trong suốt thời gian đó cho hoạt động của LHQ ngày nay.
Sau năm 1977, khi Việt Nam gia nhập LHQ, LHQ đã là tổ chức quốc tế hết sức quan trọng đóng góp cho quá trình tái thiết đất nước Việt Nam ngay sau chiến tranh. Chúng ta hết sức trân quý những sự hỗ trợ của LHQ cho Việt Nam trong giai đoạn này.
Ngày nay, với sự phát triển của đất nước, quan hệ Việt Nam-LHQ là quan hệ hai chiều và LHQ tiếp tục có những đóng góp về kinh nghiệm và nguồn lực cho phát triển nền kinh tế của Việt Nam và đóng góp vào đời sống an sinh xã hội của người dân Việt Nam; đồng thời Việt Nam cũng đóng góp vào chương trình nghị sự hết sức quan trọng của LHQ, gánh vác nhiều trọng trách lớn của LHQ trong thời gian qua, ví dụ như Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ; hai lần đảm nhiệm vị trí ủy viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội của LHQ, tham gia vào các cơ chế của LHQ liên quan tới nhân quyền, văn hóa, giáo dục, đồng thời đóng góp rất lớn vào việc pháp điển hóa; hình thành và tôn trọng các điều ước quốc tế lớn của LHQ trong các lĩnh vực như con người, giải trừ quân bị, và hiện đang đóng góp hết sức tích cực vào chương trình nghị sự chung của LHQ với các vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và giáo dục.
"Suốt từ năm 1945 cho tới 1977, khi chưa phải là thành viên của LHQ nhưng với hai cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chống thực dân, chống đế quốc, Việt Nam đã đóng góp những giá trị hết sức quan trọng cho LHQ mà tới ngày nay vẫn là kim chỉ nam trong quan hệ quốc tế và nguyên tắc hoạt động của LHQ". |
Có thể nói trong thời gian qua chúng ta đã đóng góp thực chất và hiệu quả cho LHQ và trong thời gian tới, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa.
Đại sứ kỳ vọng như thế nào về quan hệ hợp tác Việt Nam-LHQ trong thời gian tới?
Có thể nói 45 năm qua, Việt Nam và LHQ đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và tôi tin tưởng rằng trong 45 năm tới, quan hệ Việt Nam-LHQ sẽ có nhiều phát triển mới. Tại sao có thể nói như vậy? Bởi nếu nhìn vào bối cảnh thì thế giới đang đứng trước rất nhiều vận hội nhưng cũng gặp rất nhiều thách thức mang tính toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được.
Chính vì vậy, chủ nghĩa đa phương sẽ tiếp tục là chìa khóa dẫn đến thành công; LHQ vẫn sẽ là diễn đàn toàn cầu để các nước trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp đối với các thách thức.
Việt Nam, với vị thế và vai trò đã được củng cố và phát triển trong thời gian qua sẽ tiếp tục được nâng cao trong thời gian tới. Với đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn trong việc nâng tầm đối ngoại đa phương, trong đó LHQ là trọng tâm, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục những bước phát triển mới trong thời gian tới.
Ta sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, kinh nghiệm của LHQ trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội bền vững, đồng thời chúng ta sẽ tiếp tục những đóng góp quan trọng lớn hơn nữa trong chương trình nghị sự chung của LHQ về hòa bình, phát triển và kinh tế- xã hội và mục đích cuối cùng là làm sao để cả LHQ và Việt Nam cùng chung tay hướng tới đạt được những mục tiêu cao cả của LHQ, tránh cho thế hệ tương lai khỏi những thảm họa chiến tranh, đem lại hòa bình, ổn định cho tất cả người dân trên thế giới.
Xin cảm ơn Đại sứ!