Back to E-magazine
e magazine
14:00 | 29/04/2021
Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ Thạch

14:00 | 29/04/2021

Chuyện tình của hai thanh niên sớm được giác ngộ cách mạng Nguyễn Cơ Thạch và Phan Thị Phúc đẹp bình dị, chân thành. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng và đơm hoa kết trái cũng chính từ ngọn cờ lý tưởng cách mạng dẫn lối, soi đường.
Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ Thạch

Trong một lần tìm tư liệu về Bác Hồ, tôi thấy bức ảnh Bác đang trồng cây đại cạnh mộ nhà lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi trong chuyến thăm của Người tới Ấn Độ vào năm 1958. Đập vào mắt tôi là hình ảnh người phụ nữ duy nhất trong bức ảnh, mặc áo dài màu tối với những bông hoa nhí trắng, nền nã. Người phụ nữ đó chính là bà Phan Thị Phúc, phu nhân Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ấn Độ thời điểm đó – ông Nguyễn Cơ Thạch.

Chúng tôi gặp bà trong căn nhà cổ ở phố Nguyễn Gia Thiều vào một chiều cuối Xuân, nắng nhẹ. Bước qua cánh cửa sắt nhỏ, cảm giác như mọi ồn ào lưu lại bên ngoài.

Thần thái của người phụ nữ trong tấm ảnh chụp năm 1958 có lẽ vẫn vẹn nguyên ở bà Phúc dù đã ở tuổi ngoài 90. Mắt sáng, da hồng mịn, khuôn miệng tươi, toát lên sự nhẹ nhàng nhưng cương nghị.

Tôi từng đọc chuyện tình của cô gái Phan Thị Phúc trong đội thanh niên thành Hoàng Diệu và chàng trai Nguyễn Cơ Thạch theo cách mạng vừa mới trở về từ nhà tù khổ sai ở Sơn La trong bút ký “Chuyện tình chính khách Việt Nam” của nhà văn Nguyệt Tú - Nguyệt Tĩnh; biết đến bà như bóng hồng phía sau cuộc đời và sự nghiệp của hai vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là chồng bà – ông Nguyễn Cơ Thạch và con trai thứ - ông Phạm Bình Minh.

Dù vậy, cảm giác thời gian như quay chậm lại khi được trực tiếp nghe bà kể những kỷ niệm về người bạn đời trong căn phòng khách trầm mặc lưu giữ những bức chân dung của ông bà cùng những tấm ảnh gia đình giản dị nhưng đầm ấm, hạnh phúc.

Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ Thạch

Câu chuyện của bà Phúc về những ngày tháng đầu tiên theo chồng ra nước ngoài làm nhiệm vụ ngoại giao hơn 60 năm trước như thước phim quay chậm.

Hòa bình lập lại năm 1954, bà Phúc cùng chồng từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Bà Phúc tiếp tục làm dược sĩ ở Bệnh viện Mắt, ông Thạch được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao (ông Thạch được điều động sang Bộ Ngoại giao năm 1953. Trước đó ông làm Bí thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Do yêu cầu củng cố địa vị của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ quốc tế, tranh thủ ngày càng nhiều sự ủng hộ của thế giới bên ngoài, Chánh văn phòng Nguyễn Cơ Thạch được bổ nhiệm làm Tổng Lãnh sự Việt Nam tại New Delhi, Ấn Độ.

Bà Phúc nhớ như in chuyến đi tới New Delhi năm 1956. Ông Thạch sang nhận công tác trước. Ít tháng sau, bà Phúc, lúc này đang mang thai con thứ ba, dắt theo con trai thứ chưa đầy hai tuổi đi tàu hỏa sang Bằng Tường (Trung Quốc), sau đó đến Côn Minh, từ Côn Minh đi sang Myanmar. Từ Myanmar, bà cùng các con bay sang thành phố Kolkata, rồi mới từ đó bay đến thủ đô New Delhi.

Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ Thạch
Bác Hồ trồng cây đại cạnh mộ nhà lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi trong chuyến thăm của Người tới Ấn Độ vào năm 1958. Bà Phúc mặc áo dài, đứng phía sau.

Kể từ khi kết duyên vợ chồng từ năm 1947 thì khi ở New Delhi là thời gian ông bà được ở gần nhau nhiều nhất. Kết hôn đúng vào lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, hai người công tác chủ yếu ở các địa phương khác nhau, kể cả khi ở chiến khu Việt Bắc thì cũng mỗi người một nẻo.

Thời gian ở New Delhi là dịp để hai vợ chồng trẻ hiểu hơn về nhau và cùng hỗ trợ nhau trong công tác đối ngoại.

Bà Phúc được giao phụ trách công tác văn hóa của Tổng Lãnh sự quán. Nhờ sự hỗ trợ của một cô giáo dạy tiếng Anh người Ấn Độ, cùng với tinh thần ham học hỏi, mạnh dạn giao tiếp, bà Phúc nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ngoại giao.

Trong khi đó, ông Thạch và các cán bộ khác trong sứ quán thuê một nhà báo Ấn Độ vừa dạy tiếng Anh, vừa là một cách học ngoại ngữ, vừa nắm được tình hình sở tại.

Nhớ lại hành trang “đi sứ” lúc đó, bà Phúc bảo không có gì nhiều. Trải qua nhiều năm tham gia tổ chức Thanh niên dân chủ, 5 năm bị thực dân Pháp kết án tù tại nhà lao Nam Định, Sơ La, Hòa Bình, rồi những năm tháng tham gia lãnh đạo cướp chính quyền, hoạt động thời gian dài ở căn cứ địa Việt Bắc nên kinh nghiệm hoạt động đối ngoại của ông Nguyễn Cơ Thạch thời gian này có thế nói mới chỉ là sự khởi đầu.

Bà bảo, cán bộ lễ tân có hướng dẫn một số quy tắc ứng xử đối ngoại nhưng đến khi hoạt động thực tiễn thì phải tự quan sát và học hỏi là chính.

Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ Thạch
Bà Phan Thị Phúc trò chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru tại New Delhi, Ấn Độ vào năm 1958.

Bà Phúc nhớ lại, trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Cơ Thạch xin gặp Bác Hồ để xin Người lời khuyên. "Thưa Bác, tôi không có kiến thức gì về ngoại giao. Đến cách dùng dao, dĩa để ăn đồ Tây tôi cũng chưa hiểu. Bác đã từng đi nhiều nơi, bôn ba nhiều nước, Bác hãy chỉ giúp tôi xem tôi phải làm gì?".

Bác Hồ khuyên ông Thạch: "Chú cứ thấy người ta làm gì thì mình học theo là được".

Nghe theo lời khuyên của Bác Hồ, Tổng Lãnh sự Nguyễn Cơ Thạch lao vào học hỏi.

Nhận thấy những người dân Ấn Độ rất yêu quý người Việt Nam nhưng chưa biết nhiều về đất nước mình, có những khi còn nhầm lẫn cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cờ của Việt Nam Cộng hòa. Ông Thạch nghĩ ra cách ngoài giờ làm việc, ông cho cắm cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên xe chạy vòng quanh New Delhi. Ông cũng cho dựng cột cờ rất cao, treo lá cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà Tổng Lãnh sự quán để mọi người biết cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngoài ra, ông cùng các cán bộ Tổng Lãnh sự quán tận dụng các cơ hội để giới thiệu hàng thủ công, đồ sơn mài, gốm Việt Nam... với bạn bè sở tại và quốc tế.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ thời kỳ đó, đánh giá cao tầm nhìn chiến lược về đối ngoại của thủ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, cho rằng ông Thạch đã thăm dò và vận động chính phủ Ấn Độ cho chuyến thăm của Bác Hồ tới Ấn Độ (năm 1958) từ những ngày đầu tiên đến New Delhi. Bản thân ông Niên, bên cạnh việc học tiếng Anh, cũng được ông Thạch khuyến khích học thêm tiếng Hindi (một trong những ngôn ngữ chính thức, được sử dụng phổ biến ở Ấn Độ) để có thể chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm của Bác Hồ.

Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ Thạch
Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, nhân viên và thành viên gia đình Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại New Delhi, tháng 2/1958.

Còn bà Phúc nhớ mãi niềm tự hào và hạnh phúc khi được góp sức cùng chồng và các đồng nghiệp chuẩn bị cho chuyến thăm của Bác Hồ đến New Delhi. Dù khi đó Việt Nam và Ấn Độ chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức nhưng Tổng thống Rajendra Prasad và Thủ tướng Jawaharlal Nehru ra tận sân bay quân sự Palam đón Bác với những nghi thức lễ tân trọng thị và đầm ấm nhất.

Bà Phúc vinh dự được tặng hoa Bác Hồ ở chân cầu thang sân bay. Dù nhiều lần được gặp Bác Hồ trước đó nhưng cảm giác được đón Người ở nơi đất khách với bà thật là thiêng liêng và hồi hộp.

Trước ngày Bác đến, bà đã đến nhiều cửa hiệu hoa để chọn bó hoa tươi nhất, đẹp nhất. Bà còn cẩn thận đến mức cầm bó hoa ngửi nhiều lần, rồi đưa khắp mọi người trong Tổng Lãnh sự quán ngửi đi ngửi lại để đề phòng lỡ phấn hoa có gây dị ứng cho người được tặng.

Trên đường tháp tùng Bác vào Phủ Tổng thống Ấn Độ, bác dặn bà Phúc: “Cháu về mua cho Bác một gói kẹo nhưng bé thôi, để Bác đến cơ quan. Bác cho các cháu”.

Câu nói của Bác khiến bà nhớ mãi. Dù làm khách của nhà nước Ấn Độ nhưng Bác vẫn nhớ đến các cháu thiếu nhi, mà vẫn rất tiết kiệm. Bà Phúc đi mua kẹo nhưng cũng không dám mua gói to vì nhớ lời dặn của Bác.

Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ Thạch

Trong tôi bất giác ngân lên giai điệu bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” khi nghe bà Phúc kể về những năm tháng tuổi trẻ của hai ông bà, cùng nhau phấn đấu trong công tác, cùng chia sẻ việc chăm sóc, nuôi dạy các con, cùng sát cánh bên nhau những giai đoạn thử thách nhất của đất nước.

Cuộc đời vẫn đẹp sao

Tình yêu vẫn đẹp sao…

Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch

Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần.

Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ Thạch

Ông Nguyễn Cơ Thạch và vợ, bà Phan Thị Phúc thời mới cưới (năm 1947)

Lấy chồng năm 18 tuổi, đúng lúc cuộc kháng chiến bắt đầu, mỗi người công tác ở các cơ quan, thỉnh thoảng mới gặp nhau trong những dịp ông Thạch đi công tác rẽ qua.

Ngay ngày cưới của ông bà cũng đã không trọn vẹn. Cưới xong buổi trưa thì buổi tối ông Thạch phải đi về đơn vị ngay, mãi 10 hôm sau mới về đón vợ lên Việt Bắc.

Tuần trăng mật của đôi vợ chồng trẻ là xắn quần đẩy xe, vai mang ba lô, chịu cảnh vắt cắn, muỗi đốt trên chặng đường dài lên chiến khu.

Sau 4 năm ở New Delhi, năm 1960, Tổng Lãnh sự Nguyễn Cơ Thạch hết nhiệm kỳ về nước, được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Rồi lại những chuỗi ngày cách xa của hai ông bà khi ông thường xuyên đi công tác nước ngoài.

Trong những ngày Mỹ ném bom miền Bắc ác liệt nhất, ông ở Paris với vai trò là trợ lý cho đồng chí Lê Đức Thọ, là trưởng đoàn chuyên viên trong cuộc đàm phán với Mỹ về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.

Lúc này, bà Phúc là chủ nhiệm khoa Dược Bệnh viện Việt – Đức, tuyến cuối nhận các thương binh nặng và nạn nhân của các cuộc ném bom. Thời điểm này, các con của ông bà, con gái đầu đi học ở nước ngoài, con trai thứ nhập ngũ, con thứ ba và con út đi sơ tán (là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh). Bà túc trực ở bệnh viện và pha chế huyết thanh, ăn ngủ ngay ở dưới hầm.

Lo việc cơ quan, bà cũng không có thời gian đi tiếp tế, các con có gì ăn nấy nên ai cũng xanh gầy.

Khi nghe tin máy bay ném bom ở gần nhà nơi ông bà đang ở, biết tin vợ con vẫn bình yên, ông viết thư cho bà: “Nghe tin này anh càng thương vợ con ở nhà, càng thương lại càng cố gắng để làm sao Hiệp định Paris mau chóng thành công, để dân mình không phải chịu cảnh hi sinh, chia lìa”.

Quả thực như lời bài hát, dù hai người đôi ngả, kẻ ở Paris, người ở Hà Nội nhưng cả hai ông bà “cùng chung nhau một ánh trăng ngần”, cùng chung lý tưởng phục vụ, cống hiến hết mình để góp phần vào công cuộc đấu tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ Thạch

Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ Thạch
Bà Phan Thị Phúc và ông Nguyễn Cơ Thạch trong một chuyến đi công tác nước ngoài.

Hòa bình vừa lập lại thì nước ta cùng lúc đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, bị cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế, bị dồn ép trên các diễn đàn quốc tế.

Nhiều lần tháp tùng chồng tham gia các cuộc họp cấp cao ở Đại hội đồng Liên hợp quốc, bà càng hiểu hơn tình thế khó khăn của người làm công tác “giải vây” trong bối cảnh đó.

Ông Thạch tranh thủ mọi cơ hội để giải thích cho trưởng đoàn các nước có quan điểm khác ta về thực chất tình hình Campuchia, về tội ác diệt chủng của bè lũ Polpot, về tính chính nghĩa của quân Việt Nam ở Campuchia.

Thường thì ông Thạch luôn biết cách xoay chuyển tình thế, giành thế chủ động trong tình thế khó khăn ở diễn đàn Liên hợp quốc và các cuộc gặp bên lề. Nhưng có lần bà… đứng tim khi chứng kiến cảnh ông Thạch xin gặp Tổng thống Zimbabwe. Ông Thạch vừa mở lời thì Tổng thống nước này nói ngay rằng Việt Nam hãy rút khỏi Campuchia. Bà lo vì tính ông khá nóng, khi bị từ chối thẳng thừng như thế, bà sợ ông không giữ được bình tĩnh, sẽ mất tác dụng tranh thủ, lôi kéo đối tác.

Nhưng ông Thạch tỏ ra rất từ tốn, xin ông Tổng thống mấy phút để trình bày. Cuộc gặp kết thúc khi ông Thạch nói được điều cần truyền đạt, còn Tổng thống Zimbabwe hiểu được lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong vấn đề Campuchia.

Ngoài vai trò là phu nhân, rồi sau này là đồng nghiệp (bà chuyển về công tác ở Bộ Ngoại giao từ năm 1979 đến khi về hưu vào năm 1993), bà nhận mình như là bạn, là thư ký riêng của ông với tất cả tình yêu, kính trọng và sự ngưỡng mộ. Bà đọc các tài liệu tiếng Anh về kinh tế, quan hệ quốc tế rồi tóm tắt lại, trao đổi cùng ông để hỗ trợ ông nắm bắt các xu hướng mới trên thế giới.

Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ ThạchBà Phan Thị Phúc trò chuyện cùng chúng tôi tại nhà riêng.

Không đơn thuần là những trang sách, sự hiểu biết về những con người đang đấu tranh cho tự do và hòa bình, về những nét lịch sử, văn hóa độc đáo của các quốc gia thông qua các câu chuyện của bà đã trở thành một phần của phong cách ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Bà cũng học được ở ông rất nhiều về sự kiên định, phấn đấu không mệt mỏi cho công tác cách mạng: “Anh Thạch là một người cách mạng chân chính, hết lòng vì dân, phục vụ cách mạng vô điều kiện. Qua nhiều chặng đường gian nan của cách mạng, bao giờ anh cũng lạc quan và cố gắng khắc phục khó khăn, tìm ra lối thoát sáng tạo”.

Còn với ông, bà cũng là hậu phương vững chắc, là đồng nghiệp, đồng chí, là bạn tâm giao. Mỗi lần công việc thành công hay được tín nhiệm lên vị trí cao hơn, ông đều nói với vợ: “Tất cả những thành công của anh đều có đóng góp của em, đều có tình yêu của em trong đó”.

Không chỉ có những lời nói chan chứa tình yêu và cả sự biết ơn, những cử chỉ của ông dành cho vợ luôn khiến bà cảm động. Những buổi ông đi dự chiêu đãi mà bà không đi cùng được, trước khi về ông lại rút vài ba bông hoa ở lọ hoa trên bàn về tặng vợ.

Kể đến đây, tôi thấy mắt bà cười. Lấp lánh. Bức chân dung của ông đặt phía sau hướng lưng bà ngồi, cũng lấp lánh trong những giọt nắng chiều.

Chuyện tình của những người làm cách mạng và bông hoa tặng vợ của ông Nguyễn Cơ Thạch

Gia đình ông Nguyễn Cơ Thạch - bà Phan Thị Phúc.

Thực hiện: Vân Hồ

Đồ họa: Minh Hồng

Ảnh: Nguyễn Hồng, TTXVN, tư liệu

Đọc thêm

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn có mong muốn cháy bỏng đưa 'đại bàng' Mỹ tới Việt Nam để bứt tốc nền kinh tế.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Suốt cuộc trò chuyện, Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhiều lần: Tôi nhấn mạnh, tôi khẳng định, tôi muốn nhắc lại… Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất hoàn toàn dựa trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi mà không có bất kỳ một mục đích chính trị nào.
Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Một năm 2023 thành công của đối ngoại Việt Nam giúp Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cảm thấy an tâm về những thành quả của công tác thông tin đối ngoại. Tuy vậy, vẫn còn không ít bài toán cần tìm lời giải ở phía trước để những câu chuyện về Việt Nam đi sâu vào lòng người, chiếm trọn được trái tim của họ.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nói riêng vừa là mục tiêu vừa là điều kiện thuận lợi giúp các nước ASEAN thúc đẩy tăng cường khả năng bảo vệ con người, nâng cao trình độ nhân quyền cho các công dân ASEAN, tạo ra bản sắc riêng của ASEAN: một Cộng đồng, một vận mệnh, thống nhất trong đa dạng.
Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới bước sang năm con rồng, với những thay đổi mang tính bước ngoặt có thể dự báo trước về địa chính trị và địa kinh tế. Những đột phá mới về khoa học - công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược sẽ giúp nền kinh tế thế giới vượt qua những “cơn gió ngược” và tiếp tục tạo động lực cho sự thay đổi tương quan quyền lực, đồng thời thúc đẩy sự chuyển dịch thế giới sang trật tự đa cực - đa trung tâm.
Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội sáng 23/1, kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (WEF Davos 2024), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16-23/1/2024.