📞

Chuyện về kỷ vật của Bác Hồ tại chiến dịch Điện Biên Phủ

HÀ ANH 16:22 | 06/05/2024
70 năm đã đi qua, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một bản anh hùng ca về tinh thần, ý chí, bản lĩnh của con người Việt Nam. Bản hùng ca ấy cũng tái hiện theo một cách riêng qua những kỷ vật giản dị và xúc động đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Các chiến sĩ thi đua của mặt trận Điện Biên Phủ mang theo tin thắng trận về chúc mừng sinh nhật Bác, ngày 19/5/1954. (Ảnh: Hà Anh)

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện về một thời khắc của lịch sử, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chiến sĩ, những người anh hùng gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ…

Chiếc mũ cát và chiếc võng

Theo lời kể của ông Lê Văn Nhương, cán bộ của Văn phòng Phủ Chủ tịch thì chiếc mũ cát đã gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt thời kỳ chống Pháp (1946-1954). Chiếc mũ này có chu vi vành ngoài là 94 cm, chu vi vành trong là 54 cm, chiều dài nhất là 33cm bên ngoài bọc vải kaki.

Cùng với chiếc mũ, ông Võ Trường, chiến sĩ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp (1945–1954) cho biết thêm, một chiếc võng dù đã được Bác sử dụng trên đường đi công tác, từ Tân Trào sang đèo De, đèo Lát, thành Cóc, Chiêm Hóa, Na Hang (Tuyên Quang). Khi đi công tác, Bác đều mang võng dùng để nghỉ trưa.

Chiếc võng này được đan bằng nhiều sợi dù nhỏ màu trắng, mắt võng hình vuông 4x4cm, hai đầu võng là nhiều dây dù nhỏ được kết lại thành vòng mắc võng có thêm một vòng nhỏ ở một đầu võng (có lẽ để gia cố võng trong quá trình sử dụng.

Mũ cát được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược ở chiến khu Việt Bắc. (Ảnh: Hà Anh)

Mũ và võng đã cũ và sờn vải, đều được Văn phòng Phủ Chủ tịch lưu giữ đến năm 1970, sau giao đó giao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản đến nay.

Những hiện vật trên là minh chứng cho cuộc sống của Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc, những hình ảnh đó đã khắc sâu trong tâm hồn mỗi người Việt Nam về một vị lãnh tụ hết lòng vì nhân dân, sống cả đời vì mong muốn độc lập tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Súng cacbin của Trung tướng Phạm Kiệt

Trung tướng Phạm Kiệt (1910–1975), tên thật là Phạm Quang Khanh, quê ở Quảng Ngãi. Cuối năm 1949, ông được điều từ chiến trường Nam Trung Bộ ra Việt Bắc để sang Trung Quốc bồi dưỡng kiến thức quân sự. Tuy vậy, khi đến Việt Bắc, nhận thấy yêu cầu của chiến trường, ông xin ở lại chiến đấu, tham gia các chiến dịch Biên giới (1950), Hòa Bình (1951-1952) và có công lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

Sau chiến dịch Biên giới năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tặng khẩu súng cacbin là chiến lợi của các chiến sĩ, mang số 585440. Một hôm, Bác gọi ông Kiệt lên làm việc, sau đó trao cho ông khẩu cacbin và nói: “Chú là người xông pha trận mạc, cần thứ này hơn Bác, Bác tặng chú đấy”.

Cùng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, Phạm Kiệt đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc.

Hiện khẩu cacbin 585440 được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam gìn giữ, phát huy và giới thiệu đến các thế hệ hôm nay và mai sau.

Máy điện thoại Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954. (Ảnh: Hà Anh)

Máy điện thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Với sự tín nhiệm tuyệt đối, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách là Tổng Tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch mang tính quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Để đảm bảo thông tin bí mật quân sự và chuẩn bị lực lượng và đối sách cho trận đánh và tiến trình các bước tiếp theo thì việc trao đổi thông tin và báo cáo tình hình với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng là ưu tiên hàng đầu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dùng chiếc máy điện thoại trong thời gian chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, năm 1954.

Chiếc điện thoại chính là cầu nối, phương tiện liên lạc thông tin giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng với Đại tướng, cũng như đảm bảo thông tin liên lạc giữa Đại tướng với các Đại đội và cứ điểm trên mặt trận Điện Biên. Nó đã đồng hành cùng Đại tướng góp phần quan trọng tạo nên những bước ngoặt và sự thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Huy hiệu tặng chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh

Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng luôn theo dõi sát sao tình hình ngoài trận địa, quan tâm, cổ vũ và động viên kịp thời các chiến sĩ Điện Biên – những người anh hùng đang ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu vì độc lập tự do của nước nhà.

Trước ngày bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác đã tặng cờ “Quyết chiến, quyết thắng” làm giải thưởng luân lưu để khích lệ động viên, thể hiện niềm tin của Người đối với quân dân trên mặt trận Điện Biên Phủ. Bác còn gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận một chiếc ca uống nước rất đẹp có in đậm hai hàng chữ đỏ tươi: “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”.

Để kịp thời động viên, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta vượt qua khó khăn và đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ, ngay từ trận mở đầu, ngày 11/3/1954, trước khi quân ta nổ súng tiến công vào cứ điểm Him Lam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ.

Bác Hồ tặng huy hiệu cho các chiến sĩ có thành tích xuất sắc về chúc mừng sinh nhật Bác ngày 19/5/1954 tại Việt Bắc. (Ảnh: Hà Anh)

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một số chiến sĩ tiêu biểu đại diện cho các Đại đoàn đã được Bộ chỉ huy mặt trận cử về báo cáo thành tích lên Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp đại diện cho chiến sĩ toàn quân đến chúc mừng sinh nhật Bác.

Để chúc mừng những chiến công hiển hách của các chiến sĩ Điện Biên, trong cuộc gặp đoàn cán bộ chiến sĩ đã lập công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng những phần thưởng biểu dương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn huy hiệu cho Hoàng Đăng Vinh quê quán Hưng Yên, thuộc Đại đội 360 - khi đó ông là chiến sĩ trẻ tuổi nhất, là người đã bắt sống Tướng De Castries. Đồng thời, ông là một trong những đại biểu vinh dự được chúc mừng sinh nhật Bác, được Bác tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và trực tiếp gắn huy hiệu.

Theo lời kể của ông Vinh, phần thưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng các chiến sĩ Điện Biên có chiến công xuất sắc khi đó bao gồm: Thưởng Huân chương Chiến sĩ (sau này được đổi tên thành Huân chương Chiến công), Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huân chương Sao đỏ.

Trong tâm trí của các chiến sĩ Điện Biên khi ấy, họ không bao giờ quên những lời dặn dò của Bác: “Hôm nay, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sĩ lập công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ Huân chương Chiến công. Riêng Bác còn tặng thêm mỗi cháu một ngôi sao đỏ và một tấm huy hiệu”.

Không chỉ là phần thưởng cao quý dành cho các chiến sĩ xuất sắc được trở về, sau chiến dịch, chiếc huy hiệu Điện Biên và huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được gửi tặng tới các thương bệnh binh, các gia đình anh hùng liệt sĩ; tri ân, trao truyền cho thế hệ mai sau ký ức về một thời kỳ hào hùng với những người đã không tiếc máu xương, góp phần làm nên một chiến thắng vĩ đại, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Hoàng Đăng Vinh có hình tròn, đường kính 2,2 cm, bên trên là lá cờ đỏ sao vàng, chính giữa huy hiệu in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một số chi tiết in trên huy hiệu đã bị bong và ố do thời gian.

Ngày 21/12/1976, sau khi thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hoàng Đăng Vinh đã quyết định trao tặng món quà quý giá này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ và phát huy giá trị kỷ vật cho thế hệ sau này.