Nhà giao dịch làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York ở New York, Mỹ, ngày 18/5. Thị trường chứng khoán đã giảm mạnh trong tháng qua khi Cục Dự trữ liên bang thông báo sẽ nhiều lần tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong tương lai gần để chống lại lạm phát gia tăng. (Nguồn: Reuters) |
Mùa Hè năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Mỹ bắt đầu chậm lại và nền kinh tế sẽ tiếp tục đi xuống trong những tháng tới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng trưởng chậm lại, từ mức 12,2% trong quý II/2021 xuống ngưỡng 3,5% trong quý I/2022.
Kinh tế Mỹ đối mặt với một loạt trở ngại đến từ bên ngoài như xung đột tại Ukraine và các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Những diễn biến này đã gây ra các cú sốc nguồn cung, thúc đẩy lạm phát, trong khi làm chậm đà tăng trưởng.
Một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng lạm phát là các biện pháp kích thích kinh tế trị giá 3.900 tỷ USD trong năm 2020 và 2021, cùng với hàng trăm tỷ USD mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chi ra để mua trái phiếu mỗi tháng kể từ khi đại dịch bùng phát nghiêm trọng nhất.
Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Fed sẽ cần thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc hạ lãi suất. Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay, Fed ít có sự lựa chọn ngoài biện pháp thắt chặt chính sách với việc tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Điều đó làm tăng rủi ro khiến nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái toàn diện.
Fed bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản chỉ 6 tháng trước và cuối cùng đã bắt đầu tăng lãi suất hai tháng trước. Tuy nhiên, lạm phát đã lên đến mức cao nhất trong 40 năm, tác động đến người dân ở mọi tầng lớp trong xã hội.
Với các nhà đầu tư, suy thoái thường dẫn tới xu hướng đi xuống của các thị trường, với giá cổ phiếu giảm trên 20% và lạm phát tăng.
Với người tiêu dùng, họ có thể giảm các khoản chi không thiết yếu, đặc biệt là tránh mua các món đồ đắt tiền. Khi "đám mây bão suy thoái" đang hình thành, việc có một khoản tiết kiệm có thể là điều cần thiết.