Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 giữ ổn định về phương thức như năm 2021. (Nguồn: MOET) |
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với các địa phương do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 8/6.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra vào các ngày 7-8/7.
Từ nay đến khi thi chỉ còn 4 tuần, do đó, ông Sơn đề nghị lãnh đạo các tỉnh lưu ý, phối hợp tối đa cho các Sở GD&ĐT trong việc tổ chức, tạo điều kiện hỗ trợ cho học sinh ôn tập, lưu trú, đảm bảo vấn đề giao thông... để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Theo ông Sơn, Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 giữ ổn định về phương thức như năm 2021. Theo kế hoạch, việc công bố kết quả thi sẽ vào ngày 24/7.
“Những phương thức tổ chức của kỳ thi là cũ nhưng vẫn cần được quan tâm làm bài bản, bởi các thí sinh năm nay vẫn là mới, phụ huynh mới”, ông Sơn nói.
Về công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, chuẩn bị ra đề thi, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay.
Theo ông Phong, Bộ cũng rà soát, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi, lựa chọn câu hỏi đã có trong ngân hàng câu hỏi thi theo ma trận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và viết bổ sung câu hỏi mới.
Đến tháng 6/2022 cơ bản bảo đảm cả về số lượng, chất lượng để phục vụ công tác đề thi; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu, nhất là khâu lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi.
Đối với công tác ra đề thi, Bộ hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để thực hiện các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia Hội đồng ra đề thi.
Về phần mềm tổ chức thi, Bộ GD&ĐT thực hiện hoàn thiện, nâng cấp phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức thi và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức thi.
Qua thống kê, đến 17h ngày 5/6, tổng số phiếu đăng ký dự thi trên hệ thống của Bộ GD&ĐT là 1.002.486. Trong đó, số thí sinh thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng là 880.101 (87,8%).
Số thí sinh chỉ thi chỉ để xét tốt nghiệp là 83.196 (8,3%). Số thí sinh (đã tốt nghiệp THPT) chỉ thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 39.189 (chiếm tỷ lệ 3,9%).
Như vậy, theo ông Phong, năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi thấp hơn năm ngoái. Qua thống kê, số lượng thí sinh đăng ký dự bài thi Khoa học xã hội cũng nhiều hơn so với số đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên - điều này cũng tương tự như năm ngoái.
| Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Xu hướng đổ lỗi khiến nạn nhân bị 'bạo lực kép' Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, xu hướng đổ lỗi ... |
| Hà Nội: Tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 có gì mới? Trong kế hoạch tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2022-2023 tại Hà Nội, phụ huynh học sinh có thể ... |