Hội liên lạc tổ chức gặp mặt bà con Việt kiều nhân dịp xuân Đinh Hợi. |
Trần Lệ Chiến
Chúng tôi đến Czech trong những ngày thời tiết khá đẹp. Buổi sáng trời se lạnh, trưa, chiều trời nắng, nhưng không khí rất dễ chịu. Thành phố Praha vốn được mệnh danh là đẹp nhất châu Âu và là đất nước mà thời gian ban ngày vào mùa hè thường kéo dài cho tới 9-10 giờ tối, ánh mặt trời mới chịu lùi dần vào màn đêm. Vì thế, một ngày đối với những tiểu thương ở Trung tâm thương mại Sapa thường bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kéo dài cho tới 11-12 giờ đêm.
Nói tới "chợ", hẳn ai cũng có một suy nghĩ đó là nơi tập trung đông đúc, xô bồ của kẻ bán, người mua, song điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi chính là sự khang trang, sạch sẽ của khu buôn bán và sự văn minh, lịch sự và mang tính giáo dục, và cả nét văn hóa truyền thống Việt, thông qua cách bài trí của trường mầm non; trung tâm dạy tiếng Việt; tòa soạn báo; câu lạc bộ, các tổ chức hội, đoàn… được bố trí ngay trong khu trung tâm thương mại. Trả lời cho thắc mắc của tôi, cô giáo Hồng Sâm, Trường mầm non Sen Việt cho biết "Người Việt Nam sang sinh sống làm ăn ngày càng nhiều, trẻ con ngày càng đông. Nhìn các cháu ngồi cùng bố mẹ cả ngày ở chợ rất thương. Trường được đặt trong khu trung tâm thương mại cũng là tạo điều kiện cho bà con kinh doanh tại chợ. Bố mẹ các cháu rất hài lòng vì các cháu được sống trong môi trường sạch, đẹp, nâng cao hiểu biết của các cháu về tiếng Việt".
Vì tình thương con trẻ, vì mong muốn làm một điều gì đó cho cộng đồng, cho quê hương, đất nước, nên tuy mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện sống và một công việc khác nhau, nhưng bên cạnh công việc chính, họ vẫn dành thời gian tham gia vào các tổ chức hội, đoàn, các hoạt động cộng đồng. Chị Thanh Ngân, tiểu thương ở Trung tâm Thương mại Sapa, đồng thời là một người làm báo có tiếng trong cộng đồng bộc bạch: "Bên cạnh công việc kinh doanh, ở đây chúng tôi, những kiều bào ở xa Tổ quốc, những người làm báo không chuyên nghiệp phải vượt qua mọi khó khăn vì mong muốn đem thông tin đến cho cộng đồng. Chúng tôi làm chỉ vì đam mê, vì thế tôi làm báo vào ngày nghỉ cuối tuần và thời gian rất eo hẹp. Vì muốn chuyển tải thông tin trong nước và ở đây đến với bà con thì chúng tôi làm bằng cái tâm, cái lòng mình. Ví dụ như thông tin về bão ở trong nước, chúng tôi phải làm sao chuyển tải nhanh nhất trên trang báo đến với bà con".Năm 2007, là năm mà cộng đồng người Việt Nam ở Czech có nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có ý nghĩa không chỉ gắn kết cộng đồng ở nước sở tại mà còn góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc tổ chức thành công Đại hội Hội Phật tử Việt Nam cũng như đề án dự án xây dựng chùa Việt Nam tại Czech có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt Nam theo đúng tinh thần của Phật pháp.
Bà Vũ Thị Thư, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Czech chia sẻ: "Muốn để bà con có nơi nương tựa về tinh thần thì ở Trung tâm thương mại Sapa chúng tôi đã tập hợp nhau lại và xây dựng một cái am thờ 5 vị (tam thế tôn, di đà, địa tạng). Từ ngày đó đến giờ chúng tôi thấy bà con rất yên tâm và hướng về Phật pháp mãnh liệt hơn. Tháng 7 vừa rồi, chúng tôi tổ chức đại hội và được Chùa Vĩnh Nghiêm và Hội Phật giáo Việt Nam đỡ đầu. Nguyện vọng chúng của cộng đồng là có một chùa, bởi ngôi chùa là biểu trưng cho dân tộc Việt Nam, mang tính dân tộc, mang bản sắc. Có ngôi chùa để thế hệ thứ 3 hiểu được về bản sắc, về phong tục của người Việt Nam".
Từ những câu chuyện kể, từ tất cả những thông tin mắt thấy, tai nghe trong chuyến công tác tại Czech cho tôi thấy hầu hết người Việt ở Czech vẫn mang quốc tịch Việt Nam, chỉ trừ 1 số ít mang quốc tịch Czech do hợp thức hóa gia đình. Và trong tất cả mọi hoạt động cộng đồng, trong những sinh hoạt hàng ngày nơi công sở, tại các trung tâm thương mại, ở đâu có người Việt là ở đó thấy sự đoàn kết, sẻ chia. Đây cũng là yếu tố quan trọng để cộng đồng người Việt tự khẳng định mình và tự hào mình là người Việt Nam, mà như lời Đại sứ Bùi Khắc Bút, thì: "Cộng đồng người Việt Nam ở đây thành đạt và mạnh về mọi mặt. Đời sống văn hóa tinh thần của người Việt rất quan trọng đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh của người VN ở nước ngoài, để tránh cho nước sở tại họ nhìn nhận người VN chỉ biết buôn bán ở chợ mà để họ thấy cộng đồng người VN là cộng đồng có văn hóa, giáo dục".
Có đi xa mới hiểu được nỗi lòng của người xa xứ. Tuy cuộc sống vật chất, tinh thần có đầy đủ đến mấy, nhưng cứ nghĩ đến việc được trở về nơi chôn rau, cắt rốn của mình, hay góp phần mình làm một việc gì đó, thì ai nấy đều sẵn sàng, bởi với những người xa xứ, họ luôn tự hào khi có ai đó nhắc tới hai tiếng Việt Nam.