Cô giáo Trần Thị Thúy. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
Được biết cô từng từ chối lời mời làm việc tại Canada, hẳn phải có lý do đặc biệt nào đó?
Tôi muốn ra đi là để trở về, tiếp tục lan tỏa những điều mình học hỏi từ diễn đàn, để việc dạy của mình có thêm ý nghĩa. Đặc biệt, tôi muốn về để chứng minh với học sinh rằng: “Các em hãy dám ước mơ, hãy dám dấn thân để thực hiện ước mơ của mình”.
Trong thời đại ngày nay, cơ hội sử dụng công nghệ trong dạy học và cuộc sống rất lớn. Có thể, tôi không đến với Canada nhưng với công nghệ, với internet, tôi vẫn có thể kết nối, kéo thế giới đến gần với các em học sinh hơn. Tôi luôn tâm niệm, muốn trở về để viết tiếp câu chuyện của mình, để các em hiểu: “Các em chính là chủ nhân của thế giới”.
Cô Trần Thị Thúy giương cao lá cờ Việt Nam khi chiến thắng tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017. |
Trong số trên 10.000 giáo viên của 178 quốc gia được đề cử, cô đã lọt top 50 giáo viên toàn cầu được trao giải thưởng. Đó cũng là niềm vui chung của những người cầm phấn?
Tôi cảm thấy thật may mắn khi nhận được thông tin mình được lọt vào top 50 giáo viên toàn cầu. Tôi biết đây là giải thưởng vô cùng danh giá và vinh dự với bất cứ giáo viên nào trên thế giới.
Vinh dự này là sự nỗ lực cố gắng của bản thân, cũng là sự khẳng định về nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong việc đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục. Quan trọng hơn, nếu đổi mới hàng ngày, học hỏi càng ngày, mỗi giáo viên Việt Nam đều có thể bước ra thế giới!
Dự án “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại” đã mang về cho cô và học trò giải Nhì cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức. Cô có thể những kỷ niệm khi thực hiện dự án?
Có một điểm đặc biệt trong dự án là chúng tôi đã kết nối với giáo viên và học sinh các quốc gia khác như Ấn Độ, Ai Cập, Nhật Bản…
Tôi nhớ nhất khi thực hiện dự án này cùng giáo viên và học sinh của Nhật Bản và Ai Cập, một giáo viên Nhật Bản đã nói rằng, muốn tránh xa được tác hại của thuốc trừ sâu, chúng ta có thể trồng nhiều hoa hơn. Chúng tôi cũng đã có những buổi chia sẻ nét đẹp của văn hóa Việt Nam, về Hội Lim, về quan họ, về tà áo dài duyên dáng…
Từ một cô giáo dạy “trường làng”, cô đã gia nhập cộng đồng giáo viên sáng tạo quốc tế, là người truyền cảm hứng và kết nối cho những học sinh nghèo bước ra thế giới. Dự định và những kế hoạch trong tương lai của cô là gì?
Thời phổ thông, tôi được anh họ tặng cho cuốn tạp chí song ngữ Sun Flower. Trong đó có những điều mới mẻ, mở ô cửa sổ để tôi nhìn ra thế giới. Với tôi, cuốn tạp chí song ngữ ấy như một thế giới khác. Khi đó, tôi mong muốn mình có thể di chuyển đến những chân trời ấy.
Tôi rất may mắn khi tham gia các khóa học miễn phí trên trang: education.microsoft.com. Đây cũng là kênh tôi kết nối với rất nhiều giáo viên quốc tế. Các khóa học này đã giúp tôi thay đổi nhận thức, tư duy về dạy học và dùng công nghệ trong dạy học.
Chính từ những thay đổi bên trong, tôi đã dám kết nối từ tháng 3/2016. Thời gian sắp tới, tôi sẽ tiếp tục kết nối Skype, sử dụng Office 365 vào dạy học và có những dự án học tập toàn cầu để kết nối với giáo viên và học sinh quốc tế, để hình thành và phát triển năng lực người học thế kỷ 21.
Từ trải nghiệm của bản thân, cô vẫn còn nhiều trăn trở khác?
Cách mạng 4.0 luôn là thách thức với tất cả các ngành nghề trong xã hội và nghề giáo. Liên tục học hỏi, chia sẻ và kết nối sẽ là cách giúp giáo viên cải thiện chính bản thân mình.
Nghề dạy học là nghề sáng tạo, nếu giáo viên biết sử dụng công nghệ như là đôi cánh để đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, chắc chắn các em học sinh sẽ được hưởng lợi. Đồng thời, giáo viên đó sẽ luôn có động lực để thay đổi từng ngày.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, đây là cơ hội vô cùng lớn cho các bạn trẻ liên tục học tập, kiên trì theo đuổi mục tiêu và vượt ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân để tiếp tục làm mới mình, giúp cho cộng đồng ngày càng tốt hơn.
Cô Trần Thị Thúy (giữa) trong nhóm 5 giáo viên đến từ 5 quốc gia nhận giải đặc biệt tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu năm 2017 tại Canada. (Nguồn: TTO) |
Có người nói, cô là người sáng tạo, luôn khát khao chinh phục và khám phá chính mình?
Tôi luôn chia sẻ câu chuyện của mình với học sinh nhưng cũng luôn cố gắng từng ngày để đổi mới bản thân, để các em luôn tìm thấy những điều mới mẻ trong từng bài giảng. Tôi muốn lấy những bài học thực tế mình giảng dạy cho học sinh, để mong muốn các em tiến bộ, dám ước mơ lớn hơn và tìm thấy lý tưởng cũng như tiềm năng của chính bản thân mình.
Bản thân tôi luôn coi mỗi thử thách là một cơ hội học tập. Tôi không lấy những điều mình đã đạt được để hài lòng với hiện tại.
Tôi đang là một cô giáo hạnh phúc vì với tôi - một giáo viên hạnh phúc giống như một hình tam giác. Cạnh thứ nhất, giáo viên đó được liên tục học tập và đổi mới chính bản thân mình. Cạnh thứ hai, giáo viên đó có thể hỗ trợ học sinh hình thành và phát huy được năng lực, phẩm chất của mình. Cạnh còn lại, giáo viên kết nối với giáo viên khác để việc tự học và việc dạy hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn cô!
Cô Trần Thị Thúy (sinh năm 1987), giáo viên Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. - Lọt top 50 giáo viên nhận giải Giáo viên Toàn cầu năm 2019 do Tổ chức Varkey Foundation vinh danh. - Một trong những cá nhân được tôn vinh tại cuộc triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh . - Giải Nhì cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD&ĐT phối hợp với Microsoft tổ chức (2016)… |