📞

Cơ hội cho Australia tại Thượng đỉnh G7: Thời tới cản không nổi!

Hoài Minh 19:00 | 11/06/2021
Thủ tướng Australia Scott Morrison đến Cornwall, Vương quốc Anh, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021 với vai trò khách mời đặc biệt.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đến Anh tham dự Thượng đỉnh G7. (Nguồn: Reuters)

Các cường quốc đang hướng về Australia như một trong những quốc gia có khả năng lãnh đạo toàn cầu về chính sách kinh tế quốc tế, Covid-19 và chống biến đổi khí hậu.

Vị thế của Australia với tư cách là một quốc gia châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, khoan dung, thành công, với những lợi ích quan trọng đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực đang được đẩy mạnh. Ông Morrison cần phải tận dụng tối đa lợi thế đó ở thời điểm này.

Ngày 10/6, trang mạng của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) đã đăng tải bài viết về những vấn đề Australia có thể đề cập và tham gia với tư cách khách mời trong Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay.

Bài viết do lãnh đạo Cộng đồng các nhà thầu phát triển quốc tế Stuart Schaefer, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Quốc tế Australia Marc Purcell và Giáo sư Brendan Cabb từ Viện Burnet, đồng tác giả.

Một Australia không thụ động

Theo các tác giả, bất cứ ai trên cương vị Thủ tướng Australia cũng luôn phải tập trung vào các vấn đề đối nội như an ninh quốc gia, việc làm, tăng trưởng và phúc lợi của cá nhân cũng như cộng đồng. Những vấn đề này là tối quan trọng, song chính phủ cũng phải có những chính sách đối ngoại hiệu quả có thể giải quyết các vấn đề lớn trước khi những nguy cơ có thể nảy sinh.

Thủ tướng Scott Morrison hiện ở vị trí phù hợp để dẫn dắt Australia trở lại vai trò quốc tế tích cực hơn và điều này sẽ càng đưa Australia củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh. Đây là cơ hội để dập tắt nhưng chỉ trích về một Australia thụ động.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới, các bên có thể sẽ đề ra những sáng kiến then chốt, từ tăng tốc triển khai vaccine ngừa Covid-19 cho đến chống biến đổi khí hậu.

Cả hai vấn đề đều là những thách thức đòi hỏi nỗ lực lớn và hướng đến lợi ích của các cộng đồng trong nước, nhưng những nỗ lực này cuối cùng cũng không thể thành công nếu không đồng bộ với các nỗ lực toàn cầu.

Australia nên có định hướng xây dựng các biện pháp giải quyết những vấn đề này trên cơ sở thỏa thuận đưa ra trong cuộc họp của nhóm Bộ tứ (Quad) hồi tháng 3 để sản xuất, cung cấp và sử dụng hiệu quả 1 tỷ liều vaccine.

Nhưng những nỗ lực này vẫn là chưa đủ. Nếu không có hành động bổ sung, sẽ phải mất nhiều năm nữa thế giới mới đạt mục tiêu tiêm chủng toàn cầu.

Thời gian càng kéo dài sẽ càng làm tăng cơ hội cho sự xuất hiện các biến thể nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn và có thể đánh bại hệ thống miễn dịch của con người hay thậm chí phá hủy tất cả những tiến bộ đã đạt được.

Mới đây, Thủ tướng Scott Morrison đã thông báo về việc Australia sẽ tăng nguồn hỗ trợ cho cơ chế COVAX để giúp các nước đang phát triển có thể tiếp cận vaccine hiệu quả, nâng mức viện trợ lên 130 triệu USD. Đây là một bước đi tích cực khác đúng hướng.

Tuy nhiên, nguồn tài trợ cho COVAX vẫn dưới mức cần thiết và đóng góp của Australia chỉ bằng một nửa so với các quốc gia có nền kinh tế tương đương.

Australia tích cực đóng góp giúp các nước phát triển tiếp cận vaccine một cách hiệu quả. (Nguồn: AG)

Đóng góp hơn nữa vào nỗ lực chung

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng nguồn tài chính hạn hẹp và hạn chế về nguồn cung đã khiến nỗ lực hướng đến mục tiêu đảm bảo 200 triệu liều vaccine theo cơ chế COVAX đang chững lại.

Các nước G7 cần đề ra chủ trương tham vọng hơn và đẩy nhanh các nỗ lực để giúp các quốc gia có thu nhập thấp hơn sớm chiến thắng dịch bệnh.

Australia có thể tham gia bằng cách đóng góp và khuyến khích tài trợ thêm cho COVAX, hoặc cũng có thể làm trung gian cho các thỏa thuận giữa các nhà phát triển vaccine và các nước đang phát triển đủ tiềm lực để đẩy nhanh hoạt động sản xuất, phân phối và sử dụng vaccine tại địa phương cũng như khu vực.

Khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển vaccine và dễ hiểu là nhiều doanh nghiệp muốn bảo vệ các tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu nguy hiểm có một không hai của thế kỷ, và cần phải có những biện pháp đặc biệt.

Việc phát triển vaccine phụ thuộc rất nhiều không chỉ ở nền tảng nghiên cứu khoa học thuần túy, với nguồn đầu tư công khổng lồ, bao gồm cả các đơn đặt hàng trước, mà còn dựa trên sự đổi mới trong thương mại.

Do đó, Australia cần ủng hộ việc xây dựng một khuôn khổ chung để kiểm soát các giao dịch tự nguyện nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine.

Báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tiêu đề Tiếp cận vaccine Covid-19: Cách tiếp cận toàn cầu trong một cuộc khủng hoảng toàn cầu nêu bật mức thu nhập toàn cầu có thể đạt tới 9.000 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2025 nếu thế giới có thể đạt tiến bộ nhanh hơn trong việc chấm dứt đại dịch.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Australia có cơ hội trở lại và đóng góp tích cực cho các vấn đề toàn cầu. Australia đã trở thành khách mời với tư cách một cường quốc trung gian sáng tạo.

Điều này thể hiện sự nhạy bén và thậm chí thực tế của G7, song cũng phản ánh sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Canberra trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Bằng cách kết hợp quyền lực cứng và quyền lực mềm, Australia có thể tạo dựng được những ảnh hưởng tinh tế hơn.

(theo AIIA)