TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên: Công cuộc phát triển công nghệ cao | |
Tổng thống Mỹ tin tưởng kinh tế Triều Tiên sẽ phát triển mạnh mẽ |
Những ngày đầu tháng Sáu, những tưởng cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều sẽ “phủ sóng” khắp Triều Tiên, nhưng đã không phải như vậy, đó chỉ là một trong những “tin nóng” được giới truyền thống Triều Tiên đưa tin. Thay vào đó, các dự án phát triển kinh tế mới là đề tài bao trùm trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát ở Triều Tiên. Những tuyến đường sắt vừa hoàn thành, hay việc xây dựng một khu du lịch hiện đại ở thành phố ven biển phía Đông Wonsan đã trở nên nổi bật hơn bao giờ.
Khao khát phát triển kinh tế
Trên mạng truyền thông Al-Jazeera, Giáo sư Yang Moo-jin của Đại học North Korean Studies tại Seoul bình luận rằng, hạt nhân chỉ là một vấn đề ngắn hạn, nó không thể tạo ra sinh kế để đáp ứng sự mong đợi ngày càng gia tăng của người dân Triều Tiên. Ông Kim Jong-un đã lựa chọn giải quyết một vấn đề rất cấp thiết là việc cải thiện sinh kế cho người dân và tìm đường phát triển cho nền kinh tế.
Trên thực tế, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã dần chuyển trọng tâm chiến lược của đất nước từ quân sự sang kinh tế, kể từ khi ông thừa hưởng quyền lực từ cha mình Kim Jong Il, vào năm 2011. Năm 2013, ông đã thay thế chính sách hàng đầu của cha mình là “Tiên quân chính trị” (Military First), bằng Chính sách kép phát triển song song cả kinh tế và quân sự. Và thời gian gần đây, ông Kim càng nhấn mạnh hơn đến vai trò kinh tế trong đường hướng phát triển của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày càng quan tâm hơn đến vai trò kinh tế trong đường hướng phát triển của Triều Tiên. (Nguồn: Forbes) |
Theo thông tin từ Cơ quan Thông tấn Nhà nước Triều Tiên, tại một cuộc họp quan trọng ở Bình Nhưỡng vào tháng Tư, Đảng Lao động cầm quyền tuyên bố "tập trung mọi nỗ lực xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa" thông qua "huy động mọi nguồn lực con người và vật chất". Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Triều Tiên không còn nhiều thời gian để đạt được những thành tựu kinh tế và mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế như ông đã từng đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước cho giai đoạn 5 năm đầy tham vọng, sẽ kết thúc vào năm 2020.
Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, theo dõi các hoạt động kinh tế của Bắc Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un, GDP của nước này được dự đoán đang phát triển mạnh mẽ qua các năm, bắt đầu từ năm 2015, mặc dù vẫn còn ở mức thấp.
Hướng tới một tương lai hòa bình và ổn định, với kỳ vọng những rủi ro địa chính trị và bất ổn ở bán đảo Triều Tiên có thể dần bị đẩy lại phía sau, những “người chơi lớn” đang nhìn thấy nhiều cơ hội từ nền kinh tế chưa từng được khai phá này.
Triều Tiên phát triển - Cơ hội cho các nhà đầu tư
Tất nhiên, nhiều kịch bản về các dự án kinh tế tại Triều Tiên phần lớn vẫn còn phụ thuộc vào việc Bình Nhưỡng sẽ thực thi các cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn như thế nào. Và từ đó, việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ phụ thuộc vào động thái tiếp theo từ quốc tế. Tuy nhiên, “láng giềng” Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên mạnh dạn “ngỏ ý” với các tiềm năng đang dần hé mở ở Bắc Triều Tiên, coi đây như là một động cơ tăng trưởng mới.
Các chuyên gia gần đây đã chỉ ra rằng, tài sản đặc biệt nhất của Bắc Triều Tiên là trữ lượng tài nguyên khoáng sản khổng lồ, bao gồm sắt và magnesit (MgCo3). Dù không được phía Triều Tiên tiết lộ về giá trị tiềm năng, nhưng một ước tính của Tập đoàn Tài nguyên Hàn Quốc cho rằng, những khoáng sản này có thể mang lại cho Triều Tiên khoảng hơn 3 nghìn tỷ USD.
Triều Tiên còn được biết đến là nơi có trữ lượng lớn kim loại đất hiếm, nguyên liệu thiết yếu để sản xuất các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh. Trong khi đó, Hàn Quốc hiện là nền kinh tế tiêu thụ khoáng sản lớn thứ năm trên thế giới, nhưng lại không được thiên nhiên ưu đãi, nên vẫn phải phụ thuộc vào khoảng 90% tài nguyên khoáng sản nhập khẩu.
Một lực lượng lao động có giá cả phải chăng và tương đối chất lượng của Triều Tiên đang là một yếu tố khác thu hút các công ty sản xuất của Hàn Quốc, trong đó, nhiều công ty đã phải chuyển các nhà máy của mình ra nước ngoài để tận dụng các lợi thế so sánh từ bên ngoài. Bởi vậy, với lợi thế về khoảng cách địa lý và cùng sử dụng một loại ngôn ngữ là yếu tố hứa hẹn sẽ giảm các chi phí bổ sung nếu họ có thể đầu tư tại Triều Tiên.
Khu phức hợp công nghiệp chung Kaesong nằm ngay biên giới, là hiện diện của sự hợp tác cuối cùng về kinh tế giữa hai miền Triều Tiên. Trước khi nó ngừng hoạt động vào đầu năm 2016, lương trung bình hàng tháng trả cho một công nhân Triều Tiên là 169 USD/tháng, trong khi, một công nhân làm công ăn lương tối thiểu ở Hàn Quốc kiếm được gần gấp 10 lần, khoảng 1.470 USD/tháng.
Jesper Koll - Lãnh đạo quỹ đầu tư WisdomTree ở Tokyo từng nhận định, "khi Triều Tiên từng bước thoát khỏi tình trạng bị cô lập nhiều thập niên, tiềm năng khổng lồ sẽ mở ra cho các nhà đầu tư". Thật vậy, chẳng phải nhìn đây xa, cơ hội cho các nhà đầu tư khi đổ vốn vào Triều Tiên rất đa dạng, đất nước bị bao vây bởi cấm vận nhiều thập niên qua đang có nhu cầu cải tạo rất nhiều hạng mục, từ hệ thống hạ tầng quốc gia, giao thông, năng lượng đến mạng lưới liên lạc viễn thông…
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhấn mạnh mong muốn hiện đại hóa nền kinh tế, nhưng chắc chắn ông không thể một mình hiện thực hóa điều đó. Trong tương lai, một khi cấm vận kinh tế được nới lỏng, Bình Nhưỡng sẽ cần đến cả viện trợ và đầu tư từ nước ngoài.
Ông Kim Jong-un muốn xây dựng khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới cho người dân Ngày 26/5, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi xây dựng một ... |
Truyền thông Triều Tiên cảnh báo nguy cơ phụ thuộc vào nước ngoài Ngày 21/5, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên cảnh báo nguy cơ từ việc phụ thuộc ... |
Mỹ sẽ trợ giúp kinh tế nếu Triều Tiên nhanh chóng phi hạt nhân hóa Ngày 11/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeođã đề nghị trợ giúp thúc đẩy kinh tế Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng nhanh chóng từ bỏ chương ... |