📞

Cỗ máy kinh tế đang bị tổn thương, Trung Quốc vẫn tự tin với vị thế 'công xưởng thế giới'

Linh Chi 13:29 | 13/03/2023
Trung Quốc có thể mất một thời gian nữa để vận hành lại cỗ máy kinh tế đang bị tổn thương, nhưng quốc gia này có thể tự tin tiếp tục là "công xưởng của thế giới" cho đến thời điểm hiện tại.

GS. Christopher Tang tại Trường Quản lý Anderson của Đại học California Los Angeles nhận định như vậy trong bài viết trên nhật báo SCMP.

Khi các nhà máy hoạt động trở lại, thế giới lại kinh ngạc về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Dốc lực phục hồi tăng trưởng

GS. Christopher Tang cho rằng, năm nay, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đang dốc hết sức lực để phục hồi tăng trưởng kinh tế, sau khi kết thúc những chính sách nghiêm ngặt về Covid-19 vào đầu tháng 12/2022.

Tháng 2/2023, hoạt động sản xuất tại đất nước này đã tăng trở lại mức cao nhất trong hơn một thập niên. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 2/2023 tăng lên mức 52,6 điểm so với mức 50,1 trong tháng 1/2023. Con số trên 50 điểm thể hiện sự mở rộng hoạt động sản xuất. Số liệu PMI mới vượt xa dự báo trước đó được đưa ra là 50,5 điểm, đồng thời là mức cao nhất kể từ tháng 4/2012 tới nay.

Một yếu tố đang chú ý khác là các đơn hàng xuất khẩu cũng lần đầu tiên tăng trưởng kể từ tháng 4/2021.

Khi bắt đầu đại dịch Covid-19, Trung Quốc tập trung vào việc kiềm chế sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, chính sách này cũng tác động mạnh đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, làm gián đoạn cả cung và cầu đối với các ngành công nghiệp.

Chính sách này cũng làm gián đoạn các hoạt động của chuỗi cung ứng quan trọng. Khi chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị đứt gãy và căng thẳng địa chính trị với Mỹ gia tăng, một số công ty đa quốc gia bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Google được cho là đang chuyển một số hoạt động sản xuất điện thoại Pixel mới nhất sang Việt Nam. Trong khi đó, những chiếc iPhone của Apple sắp tới sẽ được sản xuất tại Ấn Độ.

Báo cáo gần đây của JPMorgan Chase cho biết, Apple sẽ sản xuất 25% tổng số sản phẩm ở Ấn Độ vào năm 2025, mục tiêu sẽ bao gồm việc lắp ráp các sản phẩm chính như iPhone và các sản phẩm khác ở Ấn Độ như iPad và máy tính xách tay MacBook.

Ngoài ra, Amazon cũng đang sản xuất thiết bị Fire TV ở Ấn Độ và Microsoft được cho là đã vận chuyển máy chơi game Xbox từ Việt Nam.

Apple sản xuất 25% tổng số sản phẩm ở Ấn Độ vào năm 2025 (Nguồn: PYMNTS)

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 3% trong năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng như vậy (ngoại trừ mức tăng 2,2% vào năm 2020, năm đầu tiên đại dịch hoành hành Trung Quốc), là chưa từng có kể từ khi cải cách kinh tế quốc gia bắt đầu vào năm 1978. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra quanh mức 5,5%.

Và dân số Trung Quốc đang giảm. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên mức cao gần 20% vào tháng 7 năm ngoái.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc ở khu vực thành thị đã ở mức cao, khoảng 13% trước khi đại dịch bùng phát và đạt đỉnh vào tháng 7 năm ngoái khi gần 1/5 những người trong độ tuổi từ 15-24 không có việc làm.

Song, GS. Christopher Tang cho rằng, Trung Quốc đã khiến cả thế giới bất ngờ khi đột ngột chấm dứt chính sách phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt vào tháng 12 năm ngoái. Đến tháng 1/2023, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã có mặt tại Diễn đàn Kinh tế thế giới và đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng, nền kinh tế lớn thứ hai đã mở cửa cho hoạt động kinh doanh.

Để chuẩn bị cho sự khởi động kinh tế của Trung Quốc, khả năng miễn dịch với Covid-19 là rất quan trọng. Một tháng sau khi kết thúc các hạn chế của Covid-19, ước tính, 80% dân số Trung Quốc nhiễm bệnh.

Khi các nhà máy hoạt động trở lại, thế giới lại kinh ngạc về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

GS. Christopher Tang nhận thấy, sự phục hồi trong hoạt động sản xuất và dịch vụ đã truyền cảm hứng lạc quan cho nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư. Công ty quản lý tài sản Schroders đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lên 6,2% trong năm nay, từ mức 5%.

Chính phủ Trung Quốc cũng dự báo, kinh tế nước này sẽ có sự phục hồi mạnh trong năm 2023 nhờ các chính sách kích cầu phù hợp, các chính sách nới lỏng kiểm soát dịch cũng sẽ có tác động tích cực đến ngành du lịch, hàng không, bán lẻ, logistics và sản xuất công nghiệp.

Vẫn là 'công xưởng của thế giới'

Theo GS. Christopher Tang, trong dài hạn, một số nhà đầu tư vẫn lo ngại về tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và một số công ty phương Tây đã tiếp tục đa dạng hóa ra khỏi đất nước này với mong muốn, chuỗi cung ứng ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn.

"Dù vậy, không thể phủ nhận, Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu", GS. Christopher Tang nhận định.

Tháng 12 năm ngoái, các chuyến hàng từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm 19,5% và các chuyến hàng đến Liên minh châu Âu (EU) giảm 17,5%. Nhưng thương mại của Trung Quốc với ASEAN đã tăng 15% vào năm ngoái. Trong khi, hầu hết hàng nhập khẩu của ASEAN được cho là sẽ xuất khẩu sang Mỹ.

Như vậy, các chuyến hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ có thể đang giảm, nhưng các chuyến hàng gián tiếp từ Trung Quốc thông qua các thành viên ASEAN như Việt Nam và Indonesia đang gia tăng.

Không chỉ thế, Trung Quốc từ lâu đã xây dựng một chuỗi giá trị rộng lớn đến mức hầu hết mọi thứ cần thiết để tạo ra một sản phẩm đều có thể tìm và mua trong nước. Điều này cho phép đất nước tỷ dân sản xuất với chi phí thấp trên quy mô lớn.

Ngược lại, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia hay những quốc gia khác đều chưa có khả năng này và cần phải mất nhiều năm để xây dựng chuỗi cung ứng ở mức độ như Trung Quốc đang có.

GS. Christopher Tang khẳng định: "Ấn Độ có thể dẫn đầu về phát triển phần mềm, nhưng Trung Quốc có năng lực phát triển cả phần cứng và phần mềm.

Khi Trung Quốc tiếp tục thống trị việc sản xuất linh kiện cho các bộ phận điện tử, tấm pin mặt trời và pin lithium, không quốc gia nào có thể hy vọng sớm thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới".

(theo SCMP)