Sự bùng nổ cổ phiếu ngành này diễn ra ngay sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64% công bố ngày trước đó.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/6, chỉ số VN-Index đạt 1.359,92 điểm, tăng 3,4 điểm, tương đương với 0,25% so với phiên trước đó. Trong phiên, nhiều cổ phiếu rơi vào trạng thái giằng co với những đợt tăng, giảm giá đan xen khiến VN-Index cũng biến động trồi sụt, có thời điểm giảm mạnh tới 19 điểm.
Sau 5 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng tạm thời thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan trong vòng 120 ngày. (Nguồn: Dân Việt) |
Một trong những điểm sáng xuyên suốt trong phiên, đó là nhóm cổ phiếu ngành mía đường duy trì đà tăng tích cực cả về giá và thanh khoản. Đáng chú ý, cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa – cổ phiếu ngành mía đường có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán, bất ngờ tăng trần ngay trước khi phiên ATC (lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa) diễn ra.
Chốt phiên, giá cổ phiếu SBT tăng 6,87% lên 22.550 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cũng tăng lên đột biến hơn 14 triệu đơn vị, cao gần 3 lần so với phiên trước đó. Đây cũng là mã chứng khoán duy nhất trong nhóm VN30 tăng trần trong phiên trong khi chỉ số này giảm 3,67 điểm.
Cổ phiếu LSS của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn và KTS của Công ty cổ phần Đường Kon Tum cũng ghi nhận tăng trần trong phiên ngày 17/6. Đóng cửa, KTS tăng 9,03% lên 17.000 đồng/cổ phiếu; LSS tăng 6,76% lên 11.850 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu cùng họ mía đường khác cũng không nằm ngoài xu hướng trên như cổ phiếu QNS của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi tăng 3,88%. Cổ phiếu SLS của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La có thị giá cao nhất trong ngành đường hiện nay tăng 5,42%, lên 141.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, nhóm cổ phiếu ngành mía đường cũng diễn biến rất tích cực ngược với đà giảm chung của thị trường; trong đó, cổ phiếu KTS và LSS đã ghi nhận tăng trần trong phiên. Diễn biến các cổ phiếu còn lại trong ngành cũng rất tích cực: QNS tăng gần 6,9% so với phiên trước đó; SLS tăng hơn 6,2%; SBT tăng hơn 2,9%...
Diễn biến của nhóm cổ phiếu ngành mía đường cho thấy thị trường chứng khoán đã phản ứng rất tích cực với thông tin Bộ Công Thương công bố quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64% trong ngày 16/6.
Theo quyết định này, thời hạn áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức 5 năm kể từ ngày có hiệu lực, trừ trường hợp được thay đổi hoặc gia hạn theo quyết định khác của Bộ Công Thương.
Trước đó, vào ngày 16/6/2021, sau 5 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng tạm thời thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan trong vòng 120 ngày. So với mức thuế tạm thời, mức thuế chống bán phá giá chính thức đối với đường tinh luyện thấp hơn một chút, trong khi mức thuế đối với đường thô cao hơn đáng kể so với mức thuế tạm thời (47,64% so với 33,99%).
Trong một báo cáo cập nhật về ngành mía đường mới đây, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, mức thuế cao hơn đối với đường thô cho thấy chính phủ định hướng thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu mía đường trong nước để đảm bảo nguồn cung so với việc nhập khẩu đường thô về để luyện. Do vậy, các nhà máy đường có lợi thế về quy mô trong sản xuất đường RS và RE sẽ có lợi thế về giá thành hơn so với các nhà máy nhỏ và sẽ được hưởng lợi hơn từ chính sách mới.
Trong thời gian qua, ngành đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn, nhất là kể từ niên vụ 2018-2019 khi giá đường thế giới đi xuống. Ngành mía đường càng trở nên khó khăn hơn khi từ 1/1/2020 thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN giảm xuống còn 5% và khi hạn ngạch được xóa bỏ.
Bên cạnh đó, đường Thái Lan rẻ hơn tràn vào thị trường Việt Nam, đe dọa đến sản phẩm đường nội địa có chi phí sản xuất cao hơn. Theo tính toán của Bộ Công Thương, trong năm 2020, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đạt 1,3 triệu tấn, tăng 330% so với cùng kỳ (tổng lượng đường nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn). Điều này đã khiến ngành sản xuất đường mía trong nước chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận.
Do vậy, các chuyên gia của SSI cho rằng, việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan sẽ giúp bảo vệ đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan cũng như đường nhập lậu. Điều này sẽ giúp thúc đẩy ngành đường trong nước phát triển về lâu dài, vì mục tiêu an ninh lương thực và hỗ trợ lao động ngành nông nghiệp.
“Chính sách này cũng là một sự kiện có tính chất bước ngoặt cho ngành đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường trong nước. Thời hạn áp thuế 5 năm đủ giúp chuỗi cung ứng đường trong nước phục hồi và phát triển bền vững hơn”, các chuyên gia của SSI nhận định.