Ông Vũ Khoan (giữa) tham gia với vai trò diễn giả trong một sự kiện do Báo Thế giới & Việt Nam phối hợp tổ chức, tháng 5/2017. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Khi sinh thời, cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan có duyên với nghề báo, thậm chí Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng, người có nhiều năm công tác gắn bó với nhà ngoại giao kỳ cựu còn gọi ông là "một nhà báo lớn". Ông rành công việc của người làm báo một phần vì bà Hồ Thể Lan, vợ ông vốn nhiều năm làm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Ông có lẽ là nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ duy nhất từng lên nhận Giải Báo chí quốc gia (năm 2012). Là người viết lách nhiều, ông thấu hiểu và luôn dành tình cảm cho những người làm báo, đặc biệt là "báo nhà" - Báo Thế giới & Việt Nam của Bộ Ngoại giao.
Chẳng cứ mà trong lần báo Thế giới & Việt Nam kỷ niệm 25 ngày ra số báo đầu tiên (29/11/1989-29/11/2014), ông Vũ Khoan gửi Báo bài viết với tiêu đề "25 năm ấy...", trong đó ông nhận mình là "bạn đọc gần gũi" của Báo và chia sẻ những "ý kiến bạn đọc" mà vẫn còn giá trị đến ngày nay. Ông viết:
"Theo thông lệ trong ngày kỷ niệm người ta thường nêu bật thành tích đã đạt được trong quá khứ. Tuy nhiên cũng có một cách khác mừng ngày lễ lớn là hướng tới tương lai, nhận dạng cho đúng những thuận lợi mới để phát huy, dự báo chính xác những thách thức mới để khắc phục, tìm ra những phương cách mới để cải tiến công việc. Là bạn đọc gần gũi của Thế giới & Việt Nam tôi xin chọn cách thứ hai.
Cái thuận cơ bản là tờ báo là cơ quan ngôn luận của Bộ Ngoại giao, một cơ quan tham mưu chủ chốt về đối ngoại, do đó có điều kiện tiếp cận thông tin đầu nguồn về lĩnh vực này. Nhưng ngay trong cái thuận ấy lại ẩn chứa thách thức không nhỏ! Số là, đâu phải mọi thông tin của Bộ Ngoại giao đều có thể được phơi bày nguyên bản trên mặt báo. Do đặc thù này, các bài viết của Thế giới & Việt Nam chịu sức ép kép: vừa không được “lộ bài”, vừa không được “chệch đề”, vừa thể hiện quan điểm chính thống, vừa không để người đọc đinh ninh rằng đó chính là quan điểm, lập trường chính thống. Đúng là đi trên dây!
Thứ đến, tuần báo đứng trước một thách thức mới chưa hề có khi mới ra đời. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt trên báo trường. Nếu như trước đây, ấn phẩm của Bộ hầu như nắm độc quyền thông tin trong lĩnh vực ngoại giao vốn được coi là “cổng kín cao tường” thì ngày nay phương tiện thông tin nào cũng đầy rẫy thông tin đối ngoại, phóng viên các tờ báo viết, báo nói, báo mạng được đào tạo bài bản, tư duy sắc sảo lại có thể “mạnh mồm” trong bình luận vì không bị ràng buộc bởi cái mác “phát ngôn chính thống” của Bộ Ngoại giao, tức là của Nhà nước.
Thêm nữa, dân ta vốn có truyền thống nghiền tin thời sự, nay trình độ hiểu biết được nâng lên nhiều, đòi hỏi ngày một khắt khe. Đó là chưa kể anh chị em làm báo của Bộ Ngoại giao chủ yếu là dân tay ngang, chuyển từ vị trí cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ ngoại giao sang, chưa trải qua bếp núc của nghề làm báo. Một thế yếu nữa nằm ở chỗ Bộ Ngoại giao là cơ quan quản lý nhà nước thuộc loại “nghèo”, chẳng có doanh nghiệp sân sau nào chống lưng, hỗ trợ cho tòa soạn về vật chất, ngay việc tìm kiếm thu nhập qua quảng cáo cũng không dễ".
Ông bảo "kể khổ như vậy cốt để bày tỏ sự cảm thông đối với anh chị em trong tòa soạn và ca ngợi những nỗ lực của họ đã duy trì và phát triển tờ báo trong hoàn cảnh khó khăn trăm bề", đồng thời "gợi ý về cách tiếp cận sao cho ăn khớp với thời cuộc".
Cách đây cả thập niên, ông đã nhận diện điều có ý nghĩa hàng đầu của tờ báo trong thời buổi kinh tế thị trường, là "xác định xem ai là bạn đọc chủ yếu: các chuyên gia nghiên cứu về đối ngoại hay bạn đọc đại trà". Đặt vấn đề như vậy, và ông cũng giải quyết vấn đề luôn.
"Với tính chất, khuôn khổ hiện thời của Thế giới & Việt Nam có lẽ đành kết hợp cả hai yêu cầu: đối tượng phục vụ chủ yếu là bạn đọc đại trà cho nên bài vở nên ở mức “già cập nhật thông tin, non tổng hợp, bình luận”, vì lượng thông tin thời sự rất nhiều và diễn ra rất nhanh, tuần báo không thể cập nhật kịp nhưng lại có lợi thế đủ thời gian suy ngẫm, phân tích. Bên cạnh đó cũng cần những bài “đinh” mang tính nghiên cứu bao quát hơn, sâu sắc hơn để phục vụ giới bạn đọc kén chọn, tuy nhiên cũng không nên mang tính “hàn lâm” thường thấy ở các tạp chí mà nên thể hiện dưới dạng nhẹ nhõm để bạn đọc đại trà cũng tiếp cận được".
Vị "bạn đọc gần gũi" của Báo cũng gửi gắm tâm sự riêng tư. "Thú thật, qua “trà dư, tửu hậu” với các tầng lớp bạn đọc khác nhau tôi cảm thấy, trong thời đại bùng nổ thông tin và bộn bề công việc thiên hạ không sướng lắm với thông tin “lễ tân” dài dòng văn tự tràn ngập trên các phương tiện thông tin chính thống. Là cơ quan ngôn luận của Bộ Ngoại giao, tờ báo chắc khó tránh khỏi loại tin này nhưng có lẽ nên mang tính phân tích, tổng hợp nhiều hơn là mô tả sự kiện, điều mà ai cũng đã biết qua tin tức hàng ngày trên TV, nhật báo và trên Internet.
Trong cuộc cạnh tranh gay gắt hiện nay, Báo không thể không đăng tải những tin về văn hóa, thể thao, vụ án, kể cả những khía cạnh “hot”… Tuy nhiên, những tin, bài loại này trên mặt báo của Thế giới & Việt Nam chắc phải có sự khác biệt, thể hiện bản sắc của cơ quan ngôn luận thuộc Bộ Ngoại giao".
Là người viết lách chuyên nghiệp, ông hiểu rõ "muốn thì dễ, làm thì khó; muốn đổi mới thì điều quyết định nhất vẫn là con người. Anh chị em trong tòa soạn đã trưởng thành nhiều và đã tích lũy được không ít kinh nghiệm. Tuy nhiên muốn cho Báo không chỉ trụ vững mà còn tỏa sáng trên báo trường thì không có con đường nào khác là chúng ta phải tự đổi mới mình, đồng thời phát hiện và tranh thủ sự hợp tác rộng rãi của các cộng tác viên có tài, có nghề".
Những chia sẻ đi vào "bản chất" mà ông gọi là "món quà nhỏ chân tình mừng tặng anh chị em trong tòa soạn nhân ngày sinh nhật của Báo" vẫn vẹn nguyên ý nghĩa đối với những người làm báo Thế giới & Việt Nam hiện nay. Những thách thức, những trăn trở và những sự "tự đổi mới mình" trong việc thể hiện bản sắc của cơ quan ngôn luận thuộc Bộ Ngoại giao mà tòa soạn đã và đang trải nghiệm cũng chất chứa điều ông gửi gắm trong bài viết. Tầm nhìn của ông, xuất phát từ thực tiễn và cũng đang đi vào thực tiễn của "báo nhà".
Sau này, trong những năm cuối đời, ông vẫn thường xuyên viết lách. Nếu không vì lý do sức khỏe, ông hiếm khi từ chối trả lời phỏng vấn hay viết bài gửi cho Báo, nhất là trong các dịp báo Tết, thành lập ngành ngoại giao (28/8). Cũng có khi ông chủ động gửi bài cho Báo, từ email yahoo cá nhân của ông. Lúc nào ông cũng trao đổi rất ngắn gọn, tôi nhớ có lần ông gửi email: Ngồi buồn viết cho báo "nhà" một bài về dư luận thế giới nói về VN. Gửi các bạn đọc chơi. Gửi cháu Hạnh để đăng còn gửi cháu Hằng để "báo cáo". ("Cháu Hằng" là bà Lê Thị Thu Hằng, hiện là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - PV).
Sự háo hức, rung động và "ngấm" - cảm xúc của tôi mỗi lần đọc bài viết với ngôn từ giản dị, nhận định sắc sảo của ông có lẽ cũng phần nào cảm nhận của những người làm báo cũng như những bạn đọc của báo Thế giới & Việt Nam nói chung.
Ông rời cõi tạm đúng vào Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhớ ông thật nhiều!
| Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Ai bảo làm phiên dịch là khổ? Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ những bài học về phiên dịch ngoại giao nhân dịp 75 năm ngày truyền thống của phiên ... |
| Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đôi điều mong mỏi về Ngoại giao và Báo chí Có thể nói, ngoại giao và báo chí (nói đúng ra là các phương tiện truyền thông đại chúng-mass media) vốn là anh em song ... |
| Tự hào hai chữ ‘Ngoại giao’ Tháng Tám lại về, hơi thở mùa Thu phảng phất đó đây đánh thức hoài niệm về những ngày tháng bi hùng của đất nước ... |
| Vũ Khoan - Có một con người như thế... Cuộc đời và sự nghiệp của nhà ngoại giao tài ba Vũ Khoan (1937-2023) đã giúp 'mở mắt' cho tôi những bài học vô giá ... |
| Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - Người đã sống một cuộc đời đáng giá LTS. Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng, người có nhiều năm công tác gắn bó với cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan (1937-2023), cho rằng ông ... |