📞

Cơ quan Thương vụ Việt Nam phản hồi thông tin về vụ gạo ST 25 bị đăng ký nhãn hiệu tại Australia

Chu An 16:22 | 03/05/2021
Trong những ngày gần đây, một số phương tiện truyền thông của Việt Nam đăng tải thông tin gạo ST 24 và gạo ST 25 đã bị một công ty có trụ sở tại Australia nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên thị trường nước này từ ngày 22/4.
Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa xác nhận gạo ST 24 và gạo ST 25 được công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. (Nguồn: VNE)

Liên quan đến vụ việc nói trên, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa xác nhận gạo ST 24 và ST 25 được công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đi kèm nội dung "Gạo, Gạo ngon nhất thế giới", với Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Australia (IP Australia). Hồ sơ đăng ký hiện đang trong thời gian xem xét.

Ngay khi nắm bắt thông tin, Thương vụ đã tiến hành trao đổi với doanh nhân Hồ Quang Cua, người sở hữu nhãn hiệu gạo ST 24 và ST 25 tại Việt Nam, đề nghị phối hợp xử lý. Về phía Australia, Thương vụ cũng đã chủ động liên hệ với lãnh đạo Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD và nhận được sự hợp tác có thiện chí, cùng cam kết sẽ rà soát sự việc với bộ phận thương hiệu của công ty.

Ngoài ra, ông Nguyễn Phú Hòa cho biết đã gửi công văn cùng một số tài liệu, hình ảnh kèm theo đến IP Australia, để làm rõ xuất xứ của giống lúa có tên gọi ST 24, ST 25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công. Công văn có cung cấp thông tin về việc nhãn hiệu này đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Hòa nhấn mạnh: "Gạo ST 24, ST 25 của Việt Nam là sản phẩm được chế biến từ giống lúa cùng tên, được đưa đi dự thi và đoạt giải thưởng quốc tế. Sản phẩm này đã được lưu hành trên thị trường, được nhận biết rộng trãi, kể cả tại Australia. Đây là một sự thật không thể chối cãi". Vì vậy, Cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại Australia đề nghị IP Australia xem xét sự việc, tránh những tranh chấp có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo ST 24, ST 25 từ Việt Nam sang Australia.

Ông Nguyễn Phú Hòa cũng cho biết đã liên lạc với các luật sư tại Australia để chuẩn bị các bước đi tiếp theo phù hợp với quy định của IP Australia. Nếu sự việc diễn biến theo chiều hướng xấu, Thương vụ sẽ kết hợp vận động mạng lưới doanh nghiệp Australia, các hiệp hội kinh doanh, thương mại Việt Nam - Australia và mạng lưới truyền thông nội địa, các kênh trao đổi ngoại giao để thực hiện phương án phối hợp tổng thể.

Ngoài ra, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho rằng ông Hồ Quang Cua cũng cần phải đẩy nhanh các thủ tục liên quan, nhằm phối hợp xử lý vụ việc và tiến hành bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm sở hữu. Vì kể cả trong trường hợp T&L Global Foods Supply PTY LTD rút lui, thì vẫn tồn tại khả năng sẽ có thêm một số công ty khác thực hiện động thái tương tự tại Australia.

Về vấn đề này, theo luật sư Đỗ Gia Thắng, Giám đốc Công ty Nguyen Do Lawyers tại Australia, thời gian kiểm tra các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Australia thường kéo dài khoảng 3-4 tháng. Nếu đáp ứng được các yêu cầu, cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo chấp nhận nhãn hiệu và công bố thông tin rộng rãi.

Tuy nhiên, nhãn hiệu vẫn sẽ phải tiếp tục chờ một năm trước khi chính thức có hiệu lực được bảo hộ. Trong một năm này, doanh nghiệp xin bảo hộ sẽ được hưởng quyền ưu tiên với nhãn hiệu và các thủ tục phản đối cũng sẽ được chấp thuận đệ trình. Nếu không có vướng mắc, nhãn hiệu sẽ được chính thức cấp phép bảo hộ sau đó.

Theo luật sư Đỗ Gia Thắng, trong trường hợp mong muốn giữ nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường Australia, doanh nhân Hồ Quang Cua có thể lựa chọn một trong ba phương án: gửi yêu cầu phản đối ngay lập tức; đợi sau khi IP Australia hoàn thành thời gian xem xét hồ sơ mới tiến hành nộp hồ sơ phản đối đi kèm các bằng chứng chứng minh sở hữu; chờ đến khi nhãn hiệu chính thức được cấp phép bảo hộ sẽ đệ trình đơn kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp.

rong các phương án này, việc lựa chọn phương án thứ hai đợi sau khi IP Australia hoàn tất thời gian xem xét hồ sơ để đệ trình văn bản phản đối được xem là giải pháp hợp lý và tiết kiệm nhất. Luật sư Đỗ Gia Thắng nhận định, thủ tục đệ trình phản đối không phải là một việc làm hoàn toàn dễ dàng, nhưng khả năng chiến thắng tương đối cao, nếu doanh nghiệp có đủ các bằng chứng chứng minh được quyền sở hữu đối với sản phẩm.

Đây không phải lần đầu tiên nhãn hiệu gạo ST 24 và ST 25 bị mất quyền bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài. Trước Australia, gạo ST 25 đã bị một số công ty đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường Mỹ. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung cần nâng cao hơn nữa ý thức bảo hộ thương hiệu sản phẩm ngay từ giai đoạn ban đầu.

Với đặc thù của Việt Nam là phần đông các doanh nghiệp nhỏ và vừa, luật sư Đỗ Gia Thắng cho rằng việc bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế nên được đăng ký trực tiếp thông qua các công ty luật hoặc công ty chuyên về bảo hộ thương hiệu ngay tại Việt Nam, dựa trên hệ thống đăng ký quốc tế Madrid. Hệ thống này có ưu điểm là nhanh chóng và có mức chi phí thấp, hợp lý. Các doanh nghiệp đã đăng ký qua hệ thống Madrid sẽ được bảo hộ thương hiệu tại các quốc gia mà họ mong muốn, có tham gia vào cơ chế IP quốc tế.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng các quy định của hệ thống đăng ký quốc tế Madrid chưa phải là cơ chế hiệu quả nhất cho từng thị trường cụ thể. Do đó, khi xác định thị trường ưu tiên mà họ muốn xuất khẩu, các doanh nghiệp cần nhanh chóng tiến hành việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trực tiếp với cơ quan quản lý của nước sở tại, tránh các vướng mắc về mặt pháp lý và mất quyền kiểm soát thương hiệu sản phẩm có thể xảy ra.

Tại Australia, phí dịch vụ cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu rơi vào khoảng 600-1.000 AUD (khoảng 11-18 triệu VND)/hồ sơ. Tuy nhiên, chi phí này có thể cao hơn tuỳ vào số lượng nhãn hiệu đăng ký, số nhóm hàng hoá, dịch vụ và tính chất mỗi hồ sơ...

Trong vòng 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Australia đã ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, cao hơn 66% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 4,7 triệu USD.

(Theo TTXVN)