Hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế và UBND thành phố Huế tổ chức trong dịp Festival Huế 2008. Có 30 tác giả, phần lớn là những chuyên gia về thời Tây Sơn ở Hà Nội, Huế, TP.HCM, Bình Định, và 4 tác giả nước ngoài tham gia hội thảo.
Những nghi vấn
Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Định, sau khi nghiên cứu những ghi chép về quá trình Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lấy lại kinh đô, cũng như việc khai quật mộ, phơi xác, bêu đầu vua Quang Trung... trong Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn đã phát hiện 3 điều vô lý:
Thứ nhất, trong tháng 11 năm Tân Dậu (1801) đang có chiến sự cấp bách, phía nam Phú Xuân đang có quân Tây Sơn uy hiếp ở vùng Quy Nhơn, phía bắc đang có hơn 3 vạn quân của Quang Toản và Bùi Thị Xuân kéo vào đến tận sông Gianh để chuẩn bị tái chiếm Phú Xuân và vua Gia Long đang tính đến chuyện thân chinh.
Tình hình cấp bách như thế mà cùng lúc, vua Gia Long lại có đủ tâm trí và thời gian để tìm mộ Quang Trung và tìm ra được để quật phá (?). Có chăng, đó chỉ là ngụy tạo quật phá mộ ai đó để bá cáo làm yên lòng gia nhân và quân sĩ còn ở Gia Định.
Thứ hai, tái chiếm Phú Xuân mới 6 tháng mà lo ngay việc tìm và quật phá mộ Quang Trung, và mãi một năm sau mới lo việc lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long. Hoá ra việc quật phá lăng mộ để trả thù quan trọng hơn việc lên ngôi (?).
Thứ 3 là về mặt sinh học. Vua Quang Trung đã chết qua 10 năm, vậy mà khi quật mộ vẫn còn thây để phơi, còn đầu lâu chưa biến dạng đáng kể để bêu (?)
Điều vô lý nữa là trong Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn chép khá cụ thể về hành xử tàn bạo đối với hài cốt của vua Quang Trung và con gái, tướng lĩnh của ông, thậm chí còn cụ thể với cả những chuyện thâm cung bí sử khi Quang Trung lâm bệnh. Nhưng tại sao khi chép về nơi an táng của vua Quang Trung lại sơ sài và mù mờ chưa đến một câu: "tháng 10 táng ở Nam sông Hương" (?) Phải chăng vua Gia Long lúc đó không biết mộ Quang Trung nằm ở đâu (?)
Từ những vô lý trên, cùng với nhiều bằng chứng khác, ông Hoàng Xuân Định kết luận: "Rất có thể mộ Quang Trung chưa bị vua Gia Long quật phá".
Vua Quang Trung chết do "viêm phổi sặc" (?)
Theo sử liệu thì vua Quang Trung mất đột ngột ngày 16/9/1792 (Dương lịch), lúc đó mới 39 tuổi, sau một thời gian bị bạo bệnh. Nhiều tài liệu ghi là vua Quang Trung chết do bị bệnh "huyết vựng", nhưng cũng có nhiều tài liệu đặt ra nhiều giả thiết khác nhau
Bác sĩ Bùi Minh Đức (hiện đang sống ở Hoa kỳ) gửi đến hội thảo một báo cáo khoa học, lý giải bệnh trạng và nguyên nhân của thái y, cách chăm sóc của Hoàng hậu Ngọc Hân và trạng thái của bệnh nhân trước khi chết, kết hợp với phương pháp nghiên cứu chuyên ngành y hiện đại của nội, ngoại thần kinh, tai mũi họng, tim mạch...
Từ những khảo cứu trên, bác sĩ đã đưa ra một giả thuyết về hồ sơ bệnh lý của vua Quang Trung như sau: "Tên và họ: Nguyễn (Văn) Huệ; tuổi: 39; giới tính: Nam; nghề nghiệp: chỉ huy quân đội, tính tình xông xáo, thích hoạt động. Kết luận bệnh án: Xuất huyết não dưới màng nhện (ngày nay thường gọi là tai biến mạch máu não). Nguyên nhân tử vong: Viêm phổi sặc. Bệnh sử: "Bệnh nhân đang ngồi chơi buổi chiều, không vận dụng sức lực hay làm việc gì nặng nhọc, bỗng cảm thấy đầu đau nhức như có ai cầm gậy sắt đánh vào trước trán và té xuống, hôn mê bất tỉnh. Sự việc xảy ra đột ngột. Giờ lâu bệnh nhân mới tỉnh lại".
Nhà Tây Sơn có 4 anh em?
Hội thảo còn công bố những thông tin mới liên quan đến triều Tây Sơn và thân thế vua Quang Trung như: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân công bố và cho trưng bày bản sao bộ tranh Bình định An Nam chiến đồ, do họa sĩ Dương Đại Cương dưới thời Càn Long vẽ, hiện được lưu trữ ở thư viện của Đại học Harvard (Mỹ).
Bộ tranh gồm 6 bức, chủ yếu mô tả cảnh chiến trận giữa quân Thanh và Tây Sơn, trong đó quan trọng nhất là bức mô tả cảnh vua Càn Long tiếp kiến Nguyễn Quang Hiển - một người cháu của vua Quang Trung thay vua sang yết kiến vua Càn Long sau khi thắng trận.
Các tham luận tại hội thảo đã đưa ra một số giả thuyết là nhà Tây Sơn có ít nhất 4 anh em trai. Anh đầu là Nguyễn Quang Hoa. Ông này có thể do bị chết sớm, hoặc vì lý do nào đó không tham gia lãnh đạo phong trào Tây Sơn, nên không được sử sách ghi lại. Chỉ sau khi Nguyễn Quang Hiển kê khai lý lịch với quan chức triều Thanh khi đi sứ vào năm 1970, thì nhân thân của ông mới tiết lộ.
Tác giả Nguyễn Duy Chính (Hoa kỳ) đã tìm thấy trong văn khố của Cố cung viện Bác vật Đài Bắc một bức thư của Đại tư mã Ngô Văn Sở (người được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giao trông coi Bắc Hà).
Thư gởi cho Phan Khải Đức (trông coi hành chính tỉnh Lạng Sơn) và Trần Danh Bính (trông coi quân sự tỉnh Lạng Sơn), để kêu gọi hai người này (đã đầu hàng khi quân Thanh đem quân sang xâm lược Việt Nam), khuyên hãy quay về với dân tộc.
Từ bức thư này cũng có thêm nhiều thông tin liên quan đến triều Tây Sơn như việc vua Quang Trung lên ngôi là đã có chuẩn bị từ trước đó, chứ không phải đợi đến khi nghe tin quân Thanh kéo sang mới lên ngôi cho "chính vị" và ràng buộc lòng người trước khi kéo quân ra Bắc.
Theo Thể Thao Văn Hóa