Ảnh minh họa. |
Năm 2014 được kỳ vọng kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định với chính sách tiền tệ thận trọng, lạm phát sẽ được kiểm soát tốt ở mức trên dưới 6%, tỷ giá không biến động nhiều, thị trường vàng đang ngày càng ổn định hơn, bất động sản tiếp tục cho thấy một bức tranh chưa tích cực…
Tại buổi tọa đàm trực tuyến do Diễn đàn đầu tư Bizlive tổ chức hồi cuối năm, trước câu hỏi về phương thức đầu tư cho năm tới, các diễn giả dành nhiều ưu ái cho chứng khoán và tiết kiệm. Tuy nhiên, ở các kênh đầu tư khác vẫn có những cơ hội nhất định, nếu chấp nhận mạo hiểm.
Tiết kiệm vừa an toàn vừa hiệu quả
Trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" cuối năm, trước câu hỏi "khó trả lời" này của người dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, năm 2014 việc gửi tiền vào ngân hàng vẫn là một kênh đầu tư an toàn và mang lại lợi nhuận ổn định cho người dân. Thống đốc khẳng định, chúng ta đã thành công một bước vững chắc trong việc ổn định tiền đồng, năm qua giao động của tỉ giá chỉ ở mức 1%, giá vàng giảm tới gần 25%, trong khi đó mức lãi suất tiết kiệm dao động từ 6,5% đến 8,5%/năm, người gửi tiết kiệm hoàn toàn có thể tin tưởng đồng vốn sẽ được bảo toàn và sinh lời.
Theo TS. Quách Mạnh Hào - Đại học Quốc gia, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư tương đối an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán và bất động sản chưa nhìn rõ xu hướng như hiện nay. Kênh chứng khoán sẽ có mức thanh khoản cao hơn, nhưng đương nhiên sẽ đi liền với rủi ro. Nếu cân nhắc giữa hai kênh này, ông Hào đánh giá là tương đương.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra giải pháp toàn vẹn hơn, nếu có nhiều tiền thì nên để một phần ở ngân hàng, một phần đầu tư chứng khoán, vì nếu kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán sẽ tăng trước, đó là cơ hội để đầu tư chứng khoán, lãi suất cũng tăng, đó cũng là cơ hội để bảo toàn vốn.
Kỳ vọng chứng khoán
Yếu tố tâm lý tốt lên đang được cho là thế mạnh của kênh đầu tư chứng khoán năm 2014. Mặc dù nền kinh tế được nhận định sẽ khó có thể phục hồi nhanh và mạnh trong năm nay, nhưng với mức cam kết tăng trưởng GDP khoảng 5,8%, cũng như thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về việc cổ phần hóa một loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cùng với quá trình thoái vốn ở nhiều ngành được cho là có tiềm năng, thị trường chứng khoán được các chuyên gia tiên liệu sẽ có sự phục hồi và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn của năm 2014.
Cùng với nguồn lực trong nước, dòng vốn đầu tư ngoại dự kiến có triển vọng tăng. Bởi, tuy VN-Index đã có mức tăng trên 20% trong năm 2013, song mặt bằng giá và chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của chứng khoán Việt Nam vẫn đang thấp hơn so với nhiều thị trường trong khu vực.
Hơn nữa, theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đà khởi sắc của thị trường chứng khoán trong nước vẫn tiếp tục được kỳ vọng. Đó là nhờ vào sự phục hồi sản xuất, chuyển biến sức cầu, tăng chỉ số sản xuất trong bối cảnh ổn định lạm phát, tỷ giá, lãi suất, rủi ro giảm... góp phần tăng niềm tin của nhà đầu tư.
"Không chơi với vàng, đừng đụng tới USD"
Đây là lời khuyên của không ít người. Theo GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, năm 2014 vẫn khó có thể tìm được một kênh đầu tư nào đó chắc chắn mà ít rủi ro nhất để có thể mang lại lợi ích từ đồng tiền mình đang có. Nếu đầu tư vào vàng thì không ai có thể chắc là kênh đầu tư này sẽ mang lại lợi nhuận trước việc siết chặt quản lý vàng hiện nay. Đầu tư vào ngoại tệ thì có nhiều "bấp bênh" bởi kinh tế thế giới hiện cũng có nhiều biến động bất thường. Đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong khi kinh tế còn khó khăn, cũng không ai chắc là đầu tư vào lĩnh vực này không gặp rủi ro.
Trong khi đó, bất động sản vẫn chưa thoát khỏi cảnh ảm đạm. Mặc dù, chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỉ nhưng cho đến nay chỉ mới giải ngân được hơn 1%. Điều này cho thấy, kênh đầu tư này vẫn chưa thể lấy lại vị trí của mình. Chưa biết các nguồn lực trên thị trường bất động sản năm 2014 sẽ thế nào, nhưng nếu muốn có sóng ở thị trường này, địa ốc năm 2014 phải được giải phóng khỏi khối hàng tồn kho lũy kế của năm 2013, cũng như không bị "bóng đè" bởi nguồn cung mới sẽ được tung ra.
Tất nhiên, những nhà đầu tư lọc lõi sẽ không chọn tiết kiệm làm kênh sinh lời mà sẽ chỉ trú chân tạm thời trong khi tìm kiếm cơ hội đầu tư rõ ràng hơn ở các kênh khác. Vì vậy, mức độ liên thông giữa tiết kiệm và các lựa chọn chứng khoán, thậm chí sau đó là bất động sản, vàng… tuy không còn chặt chẽ nhưng vẫn được duy trì.
Phan Thanh