TIN LIÊN QUAN | |
Tân Cố vấn An ninh O'Brien và điệp vụ "giải cứu" nước Mỹ | |
Trước khi từ chức, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ phản đối Tổng thống Mỹ dỡ bỏ một phần trừng phạt Iran |
Ngày 18/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bổ nhiệm Đặc phái viên về các vấn đề con tin Robert O’Brien làm Cố vấn An ninh Quốc gia thay ông John Bolton, người vừa bị sa thải bảy ngày trước. Như vậy, ông O’Brien sẽ trở thành người thứ 28 đảm nhận một trong những cương vị quyền lực nhất trong Nhà Trắng.
Bức ảnh chụp tân Cố vấn An ninh Quốc gia sánh vai Tổng thống, chăm chú lắng nghe trong buổi chiều đầy nắng tại Sân bay Quốc tế Los Angeles ngày 18/9 đã cho thấy mối quan hệ tốt đẹp “trước mắt” giữa hai nhân vật hàng đầu của chính quyền Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và tân Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien. (Nguồn: AP) |
Quan trọng hơn, động thái này cũng đưa ông Donald Trump trở thành một trong những Tổng thống có nhiều Cố vấn An ninh Quốc gia nhất trong lịch sử nước Mỹ (bốn người), chỉ kém bậc tiền bối đảng Cộng hòa là ông Ronald Reagan (sáu người). Song đây chỉ là một phần nhỏ trong lịch sử dài, phức tạp song cũng đầy thú vị liên quan đến các đời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ.
Dưới một người, trên triệu người
Mọi chuyện bắt đầu từ Đạo luật An ninh Quốc gia Mỹ ký ngày 18/9/1947, cải tổ bộ máy quân sự và tình báo Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, đánh dấu sự ra đời của Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) nhằm giải quyết những thách thức thời hậu chiến và đối đầu với sự trỗi dậy của Liên Xô. Cùng lúc đó, Tổng thống Mỹ Harry Truman nhận thấy nhu cầu xây dựng một cơ quan điều phối, kết hợp, thống nhất đề xuất từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng để đưa ra kiến nghị cuối cùng cho Tổng thống. Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) ra đời từ đó.
Đạo luật năm 1947 không đề cập trực tiếp tới Cố vấn An ninh Quốc gia, song có đề nghị thiết lập một “Thư ký điều hành” nhằm quản lý nhân viên của NSC. Chức vụ này sau đó được chính thức hóa, trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia, là một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, có văn phòng đặt tại Cánh Tây của Nhà Trắng, gần với Phòng Bầu dục của Tổng thống.
Không giống những vị trí khác trong nội các phụ trách mảng an ninh quốc gia như Ngoại trưởng hay Bộ trưởng Quốc phòng, Cố vấn An ninh Quốc gia thuộc Văn phòng Điều hành của Tổng thống, chỉ phục vụ nhu cầu và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ông chủ Nhà Trắng. Do đó, Tổng thống có thể bổ nhiệm bất kỳ ai làm Cố vấn An ninh Quốc gia mà không cần thông qua Quốc hội.
Song luật pháp Mỹ quy định rằng các tướng có hàm từ ba sao trở lên phải tham gia điều trần và được sự phê chuẩn của Thượng viện để đảm nhận vị trí này. Các tướng lĩnh cấp cao thường được thăng hàm bởi Tổng thống và Quốc hội, do đó sự thay đổi chức vụ, đặc biệt là từ dân sự sang quân sự của họ cần được Thượng viện xác nhận. Điều này lý giải tại sao Tướng Michael Flynn và Tướng H.R.McMaster đều phải tham gia điều trần trước khi trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia.
Sở dĩ có các thủ tục rắc rối này bởi Cố vấn An ninh Quốc gia là vị trí quyền lực trong Nhà Trắng và có ảnh hưởng lớn tới người đứng đầu nước Mỹ. Nhân vật này sẽ chủ trì các cuộc họp kín với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng không có sự tham dự của Tổng thống, đồng thời sát cánh cùng ông chủ Nhà Trắng trong mọi tình huống. Tuy nhiên, vai trò cụ thể, tầm ảnh hưởng của Cố vấn An ninh Quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào độ “hợp rơ” với phong cách lãnh đạo của Tổng thống.
Nâng tầm quyền lực
Thời gian đầu thành lập (1947 - 1961), cương vị Cố vấn An ninh Quốc gia, dù có nhiều quyền lực, song lại không tạo được ảnh hưởng thực tế bởi một vài lý do sau. Thứ nhất, năm Cố vấn An ninh Quốc gia đầu tiên chưa định hình được khuôn khổ quyền lực, cách thức hoạt động để tối đa hóa ảnh hưởng của mình đối với Tổng thống. Thứ hai, các Tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman và Dwight Eisenhower đều có tính cách mạnh mẽ và chủ trương đưa ra quyết định cá nhân. Thứ ba, khi cả Bộ Quốc phòng, CIA và NSA đều tái cấu trúc và định hình, vai trò Ngoại trưởng Mỹ trong thời kỳ này là tương đối nổi bật, với nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng như ông Dean Acheson, kiến trúc sư của Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO); ông George Marshall, cha đẻ của Kế hoạch Marshall nhằm tái thiết các nước châu Âu thời hậu chiến và ông John Foster Dulles, Ngoại trưởng đầu tiên được đặt tên cho một sân bay tại Mỹ.
Sự xuất hiện của ông McGeorge Bundy trên cương vị Cố vấn An ninh Quốc gia thứ sáu đã thay đổi điều đó. Sự cẩn thận, tính toán, cùng kiến thức uyên bác về chính trị đã đưa ông lọt vào tầm mắt của Tổng thống Robert Kennedy. Trong thời gian đương nhiệm, ông đã để lại dấu ấn trong hầu hết các chính sách đối ngoại của Mỹ, từ chiến dịch đổ bộ Vịnh Con lợn tại Cuba, Khủng hoảng Tên lửa tại Cuba tới Chiến tranh Việt Nam, chủ trì Ủy ban 303 điều phối các chiến dịch bí mật.
Song ông Henry Kissinger, trên cương vị Cố vấn An ninh Quốc gia thứ tám, đã nâng tầm chức vụ này và biến nó thành một chiếc ghế nóng thức sự trong chính quyền Mỹ. Người Việt Nam thường biết đến ông với tư cách Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ về Hiệp định Paris “Kết thúc Chiến tranh và Khôi phục Hòa bình tại Việt Nam”, song đó chưa phải là tất cả. Ông Kissinger là người hiếm hoi kiêm nhiệm Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia, Cố vấn An ninh Quốc gia tại nhiệm lâu nhất và có tầm ảnh hưởng nhất tại Nhà Trắng. Những chính sách đối ngoại của Washington khi đó, từ chính sách détente (hòa hoãn) với Liên Xô, nối lại quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngoại giao con thoi nhằm chấm dứt Chiến tranh Yom Kippur và kết thúc sự hiện diện của Mỹ tại Việt Nam đều có dấu ấm đậm nét từ chính trị thực dụng của ông Kissinger.
Hai cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski (trái) và Henry Kissinger tại Diễn đàn trao Giải Nobel Hòa bình năm 2016. (Nguồn: AFP) |
Định hình và hoàn thiện
Di sản này được tiếp nối bởi ông Zbigniew Brzezinski dưới thời Tổng thống Jimmy Carter và Brent Scowcroft, Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Gerald Ford và George H. W. Bush. Tuy nhiên, khác với ông Kissinger, ông Scowcroft chú trọng định hình và hoàn thiện cơ chế đóng góp ý kiến của Cố vấn An ninh Quốc gia đối với Tổng thống, xây dựng “hình mẫu Scowcroft” cho những Cố vấn An ninh Quốc gia về sau, điều được nhà nghiên cứu chính trị học nổi tiếng David Rothkopf đánh giá cao. Sau vụ bê bối Iran – Contra và sự ra đi của Cố vấn An ninh Quốc gia Robert McFarlane do cáo buộc liên quan, vị thế của chức vụ này đã bị lung lay – Quốc hội Mỹ đã gây áp lực để sửa đổi Đạo luật An ninh Quốc gia Mỹ năm 1947, buộc các đề cử Cố vấn An ninh Quốc gia ra điều trần trước Thượng viện. Tuy nhiên, với sự can thiệp và phản đối quyết liệt của ông Brent Scowcroft, ý định này đã không thành hiện thực.
Ông Scowcroft cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ giữa Cố vấn An ninh Quốc gia và Tổng thống, khi ông và ông chủ Nhà Trắng khi đó là George H. W. Bush có mối thân tình sâu sắc. Kinh nghiệm, sự hiểu biết và tính cách thân thiện giúp ông hai lần đảm nhiệm vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia, đồng thời khiến ông luôn được được các đời Tổng thống sau tín nhiệm.
Đầu thế kỷ XXI, vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia một lần nữa chứng kiến sự đột phá khi bà Condoleeza Rice và Susan Rice trở thành hai người phụ nữ đầu tiên đảm nhận cương vị này vào các năm 2001 và 2013. Trước đó, việc bà Madeleine Albright đảm nhận cương vị Ngoại trưởng Mỹ đã mở đường cho nhiều phụ nữ tham gia tích cực hơn vào việc hoạch định chính sách đối ngoại tại Nhà Trắng, vốn chỉ dành cho những người đủ tiêu chuẩn “Male, Pale and Yale” (Nam giới, da trắng và học Yale). Trong khi bà Condoleezza Rice, biệt danh “Công chúa Chiến binh” vì tinh thần thép và thái độ luôn nhã nhặn thì bà Susan Rice lại được biết đến với thái độ quyết liệt khi cần thiết, thể hiện rõ nét qua việc chỉ trích mạnh mẽ các vụ tấn công mạng của Trung Quốc với Mỹ.
Ngày nay, nước Mỹ đang đứng trước thách thức lịch sử. Tình hình thế giới biến động phức tạp khó lường, xu hướng toàn cầu có nhiều thay đổi, các điểm nóng tiếp tục xuất hiện đòi hỏi Washington có những chính sách đối ngoại hợp lý, nhằm duy trì vị thế cường quốc về kinh tế, quân sự, mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế. Trong bối cảnh ấy, vai trò tư vấn cho Tổng thống, điều phối và xây dựng quyết sách an ninh quốc gia của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiệm vụ nặng nề đó đang đang đặt lên vai ông Robert O’Brien, người với tính cách “dễ gần” của mình, được kỳ vọng sẽ góp phần giúp ông Donald Trump hoàn thành lời hứa “Đưa nước Mỹ Vĩ đại Trở lại”.
| Donald Trump: Thời này, ai cũng thế TGVN. Ai sẽ thay cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và sự ra đi này tác động thế nào đến chính sách của Tổng ... |
| Cố vấn ANQG Mỹ John Bolton ra đi: Mạo hiểm nhưng cần thiết TGVN. Việc sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia (ANQG) John Bolton trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ sụt giảm có phải là ... |
| Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thăm Moldova TGVN. Theo Đài phát thanh quốc tế Romania, ngày 29/8, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã thực hiện chuyến thăm tới ... |